Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp

Theo tapchicongsan.org.vn

Trong quá trình đổi mới, các nông, lâm trường trước đây, công ty nông, lâm nghiệp ngày nay được sắp xếp lại, đổi mới tổ chức, quản lý cho phù hợp với cơ chế thị trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác để cải thiện đời sống người lao động, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, hình thành các trung tâm kinh tế - xã hội, thị trấn, thị tứ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Sự ra đời và vai trò của các công ty nông, lâm nghiệp

Tiền thân của các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay là các nông, lâm trường quốc doanh. Sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, khi đất nước tiến hành khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiều nông, lâm trường quốc doanh được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là khai hoang mở rộng diện tích canh tác, phát triển sản xuất nông, lâm sản cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Các nông, lâm trường còn đóng vai trò làm trung tâm xây dựng một số vùng kinh tế mới ở các địa bàn thưa dân cư; kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng ở những địa bàn xung yếu, khó khăn.

Các nông, lâm trường quốc doanh đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều địa bàn nông thôn, miền núi. Một số nông, lâm trường đã trở thành nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng, hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tạo thuận lợi cho xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Các nông, lâm trường còn đóng vai trò trung tâm kinh tế - kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ kỹ thuật và tiêu thụ, chế biến nông sản cho nông dân trong vùng; thực hiện sản xuất, kinh doanh tổng hợp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ nông, lâm sản đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo được một số mô hình mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sự phát triển của nhiều nông, lâm trường góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hình thành các tụ điểm văn hoá, trung tâm kinh tế - xã hội, thị trấn, thị tứ trên địa bàn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân.

Trong quá trình đổi mới, các nông, lâm trường quốc doanh đã có những chuyển đổi về tổ chức, quản lý và nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nhìn chung, sản phẩm của các nông, lâm trường chưa đa dạng, chất lượng còn thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao. Số nông, lâm trường sản xuất - kinh doanh hiệu quả chưa nhiều, mức nộp ngân sách hằng năm ít.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong các nông, lâm trường không được duy trì, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng. Đời sống cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn, tình trạng nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công nhân viên trong các nông, lâm trường khá phổ biến. Bộ máy quản lý của các nông, lâm trường cồng kềnh, hiệu quả lãnh đạo, quản lý điều hành thấp. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên rừng còn nhiều yếu kém, hiệu quả thấp; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân với nông, lâm trường xảy ra ở nhiều nơi, tạo ra những điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có phần do các nông, lâm trường hoạt động trên những địa bàn khó khăn, kinh tế chậm phát triển, sản xuất - kinh doanh có nhiều rủi ro, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan, chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của nông, lâm trường nên chưa tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các nông, lâm trường đổi mới, phát triển. Các nông, lâm trường được xây dựng và phát triển trong cơ chế tập trung, bao cấp nên nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu trong cơ chế thị trường, còn biểu hiện thụ động, trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, không tích cực chuyển đổi nội dung và phương thức hoạt động theo cơ chế mới.

Hơn nữa, một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nông, lâm trường đã không còn phù hợp nhưng lại chậm được sửa đổi, bổ sung. Chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích của nông, lâm trường chưa được phân định rõ ràng, nên các nông, lâm trường lúng túng trong tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý.

Sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp

Trước yêu cầu về đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông, lâm trường quốc doanh, ngày 16/6/2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW, về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, ngày 22/9/2004, về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh; Nghị định số 200/2004/NĐ-CP, ngày 3/12/2004, về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh; Nghị định số 25/2010/NĐ-CP, ngày 19/3/2010, về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đây là nền tảng pháp lý để chuyển đổi các nông, lâm trường quốc doanh thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp.

Mục tiêu đề ra là nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; tạo được cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp để thúc đẩy ứng dụng nhanh và có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lại lao động và dân cư; làm điểm tựa cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích. Kết quả, sau gần 8 năm đổi mới, sắp xếp, đến năm 2012, cả nước còn trên 650 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng gần 8 triệu ha đất.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW, về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Và ngày 17/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP thực hiện chủ trương này. Mục tiêu là sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xác định cụ thể người sử dụng đất, chủ rừng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng. Tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa. Chuyển sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện cổ phần hóa đối với các công ty nông, lâm nghiệp làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là chính; đối với các công ty làm nhiệm vụ công ích là chính thì thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch.

Theo đó, duy trì, củng cố, phát triển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với các công ty nông nghiệp ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng; các công ty lâm nghiệp công ích 100% vốn nhà nước hoặc chuyển các công ty lâm nghiệp này sang mô hình ban quản lý rừng. Thực hiện cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp; thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên hoặc giải thể các công ty kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm, các công ty có quy mô nhỏ, không cần thiết phải giữ lại. Hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất hoặc giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sau hơn 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, cả nước còn gần 260 công ty nông, lâm nghiệp, quản lý gần 1,86 triệu ha, chiếm 10% đất nông nghiệp cả nước. Theo các mô hình sắp xếp mà Nghị quyết số 30 đã quy định, tính đến ngày 30/6/2019 đã có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Còn 69/256 công ty (chủ yếu là cổ phần hóa và chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là 56/69 công ty), gồm: 44 công ty nông nghiệp, 25 công ty lâm nghiệp đang thực hiện sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới trong năm 2019, chiếm 26,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Còn 27/256 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp. Kết quả đạt tỷ lệ khá cao so với nhiệm vụ sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nói chung.

Về hiệu quả sản xuất - kinh doanh, trước sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết số 30-NQ/TW
của Bộ Chính trị, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp là 24,8 nghìn tỷ đồng (bình quân 96,89 tỷ đồng/công ty), tổng doanh thu 21,98 nghìn tỷ đồng (bình quân 85,85 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 3,52 nghìn tỷ đồng. Sau sắp xếp, đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp đã tăng lên là 27,84 nghìn tỷ đồng (bình quân 127,1 tỷ đồng/công ty), tuy nhiên, tổng doanh thu giảm còn 14,97 nghìn tỷ đồng (bình quân 68,35 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 2,27 nghìn tỷ đồng.

Định hướng và giải pháp trong thời gian tới

Sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp thuộc nhiệm vụ chung của việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nền kinh tế, gắn với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa; góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Sắp xếp, đổi mới tổ chức, quản lý các công ty nông, lâm nghiệp để quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng, đánh thức, khơi dậy, phát huy hiệu quả những tiềm năng thế mạnh, nguồn lực đất đai hiện có để 1,8 triệu ha đất mà các công ty này đang quản lý đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế quốc dân, cho phát triển nông nghiệp Việt Nam; hướng tới mục tiêu các công ty nông, lâm nghiệp có thể dẫn dắt nông nghiệp Việt Nam phát triển, phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các vùng, địa bàn xung yếu của đất nước. Đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp để các công ty trở thành động lực của nền kinh tế, là một bộ phận của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và là công cụ quan trọng để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể là các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi đặc biệt khó khăn vào cuộc sống.

Để phát triển các công ty nông, lâm nghiệp một cách bền vững, hiệu quả, phải có cơ chế, chính sách khơi thông, có giải pháp quản lý thật sự chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng, nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó chú trọng các nguyên tắc:

Thứ nhất, đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể trực tiếp để quản lý sử dụng hiệu quả. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian.

Thứ hai, quan tâm đặc biệt đến tạo việc làm, bảo đảm sinh kế cho người dân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết tốt vấn đề tái định cư gắn với quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ phát triển rừng.

Thứ ba, thu hút mạnh đầu tư, thúc đẩy sớm hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn, thâm canh, ứng dụng công nghệ gắn với công nghiệp chế biến.

Để hoàn thành mục tiêu sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2020 như kế hoạch của Chính phủ, trong thời gian tới các ngành, các cấp, các công ty cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu: 

Trước hết là tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30/NQ-TW. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sớm hoàn thiện việc sắp xếp lại, nhất là giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện còn tồn tại.

Làm tốt công tác cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, làm sai, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, đặc biệt, không để tình trạng làm chậm chạp, thiếu quyết liệt hoặc những trường hợp cố tình làm chậm, làm trái, tình trạng lợi ích nhóm, gây thất thoát lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và người dân.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý các trường hợp cho thuê, mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh, liên kết trái pháp luật. Rà soát, đánh giá và thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới các tổng công ty cà phê, cao su, lâm nghiệp vì đây là những doanh nghiệp rất lớn, quản lý nhiều đất đai, cần làm nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự.

Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động, có giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là người dân địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong phối hợp với các công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành phương án sử dụng đất các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn; giải quyết các tồn tại, nhất là về đất đai, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính, đưa ra các phương án cụ thể với từng nông, lâm trường.