Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu

Anh Thư

Các số liệu thống kê cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu tháng đầu tiên của năm 2020 đã gặp nhiều khó khăn, dự báo tiếp tục chịu tác động lớn từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra. Trước tình hình này, nhiều giải pháp gỡ khó cho hoạt động xuất nhập khẩu đã được đề ra.

Hoạt động xuất nhập khẩu tháng đầu tiên của năm 2020 gặp nhiều khó khăn
Hoạt động xuất nhập khẩu tháng đầu tiên của năm 2020 gặp nhiều khó khăn

Theo số liệu về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 1/2020 sơ bộ đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng 12/2019 và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019 (số ngày làm việc trong tháng chỉ có 16 ngày do nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý). Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với tháng 12/2019  và  tổng trị giá nhập khẩu đạt 18,42 tỷ USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2019.

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020 có mức thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 01/2019.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tháng 1/2020 chỉ đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.

Tổng cục Hải quan cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến xuất nhập khẩu với Trung Quốc giảm trong tháng 1 so với tháng 12/2019 và tháng 1/2019 là Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi hoàn toàn vào tháng 1/2020.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia thương mại, lý do chính khiến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm mạnh sau Tết Nguyên đán là do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra.

Bộ Công Thương dự báo xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, thậm chí dịch bệnh corona có thể làm ảnh hưởng đến cả thị trường thứ 3. Ví dụ, sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu nhiều sang EU, Hoa Kỳ nhưng phần lớn nguyên, vật liệu dệt may lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Dịch tác động cả trực tiếp và gián tiếp, kể cả xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và cả thương mại nội địa.

Trước những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã làm để hỗ trợ DN xuất nhập khẩu như yêu cầu các doanh nghiệp logistics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu…

Bộ Công Thương cũng kiến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài; Tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An; Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước…

Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích, các DN, hiệp hội ngành hàng cần tập trung vào chế biến và chế biến sâu, tập trung tiêu thụ nội địa, tăng cường chế biến và tạm trữ ở hệ thống kho lạnh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Mỹ một cách tối đa.