TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế?

Theo Nam Yên/taichinhdoanhnghiep.net.vn

Nếu TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, ngoài vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, TP. Hồ Chí Minh đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9,35% dân số và 0,63% diện tích cả nước nhưng trong các năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp khoảng 23% GDP và khoảng 27% ngân sách quốc gia.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh thu hút hơn 33% số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối... Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện vào loại cao nhất so với các địa bàn khác.

Thành phố có nhiều lợi thế như nguồn lao động nhân lực chất lượng cao, có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, là trung tâm kinh tế tài chính quan trọng của đất nước, trung tâm kết nối kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam cũng như kết nối với các trung tâm tài chính khu vực châu Á - Thái bình dương. Thành phố đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia, thu hút 33% số dự án FDI của cả nước.

Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam mà cả khu vực và toàn cầu.

Đề xuất của TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra 3 giai đoạn của việc hình thành trung tâm tài chính này. Giai đoạn đầu là giai đoạn hoàn thiện là trung tâm tài chính quốc gia. Trong đó nhấn mạnh tới việc nâng cao dần chuẩn quốc tế của các dịch vụ hỗ trợ tài chính.

Giai đoạn tiếp theo là việc định hướng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế khi mà nhu cầu đi kèm với các hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với sự bùng nổ của các hoạt động đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế.

Về dài hạn, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nguồn cung về sản phẩm tài chính, thu hút sự quan tâm và đầu tư của các định chế tài chính lớn, hàng đầu thế giới.

UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại, mà còn là một biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập. Đồng thời, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới.