TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn

Theo Quỳnh Nga-Ngọc Quỳnh/congthuong.vn

Bên cạnh công tác thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai đồng loạt trên địa bàn, TP. Hồ Chí Minh còn xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa thành phố và các tỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến

Trong 9 tháng đầu năm 2021, TP. Hồ Chí Minh đã quán triệt thực hiện nghiêm túc có hiệu quả mục tiêu trọng tâm đề ra trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) và thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.

Điểm nổi bật trong công tác bảo đảm ATTP đó là, Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh đã ký kết phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh 15 tỉnh gồm: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bình Thuận, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mục tiêu của kế hoạch phối hợp nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế/ giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, Ban quản lý ATTP đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” năm 2021 (Kế hoạch 1084/KH-BQLATTP ngày 01/6/2021) và đang rà soát để tham mưu điều chỉnh Quy chế cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ phận thường trực của Ban quản lý Đề án chuỗi thực phẩm an toàn đã tổ chức thẩm định và cấp 22 giấy chứng nhận cho 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuỗi, với sản lượng rau, củ quả, thịt: 5.926 tấn/năm và 186.815.000 quả trứng gà/năm. Lũy kế đến nay, Ban quản lý Đề án đã cấp 579 Giấy chứng nhận cho 397 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi với tổng sản lượng rau, thịt, thủy sản: 323.135 tấn/năm, trứng gà: 584.839.004 quả/năm, nước mắm: 12 triệu lít/năm và trà: 60 tấn/năm.

Ngoài ra, Ban quản lý Đề án chuỗi đã thu hồi 74 Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” hết hiệu lực và đề nghị cơ sở sở thông báo công khai cho các đối tác về việc cơ sở không tiếp tục tham gia, đồng thời không được tiếp tục quảng bá, sử dụng logo chuỗi Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

Về công tác cấp mã code cho cơ sở tham gia Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm, đã tiếp nhận 29 hồ sơ, trong đó: giải quyết cấp code cho 29 hồ sơ. Với tổng sản lượng tham gia đề án gồm: Heo thịt: 1.511.832 con/năm, gà thịt: 33.061.900 con/năm, trứng: 1.508.778.700 quả/năm. Ngoài ra, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt heo tại 02 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền với tổng số xe nhập: 63.854 xe; tổng lượng heo nhập: 1.236.492,5 con. Trong đó: nguồn tỉnh: 19.743 xe với 514.358 con (chiếm 41%); nguồn TP. Hồ Chí Minh: 44.111 xe với 722.135 con (chiếm 59%).

Tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Trong 9 tháng đầu năm 2021, TP. Hồ Chí Minh tập trung thanh tra, kiểm tra 15.270 cơ sở, phát hiện 734 cơ sở vi phạm, xử phạt 396 cơ sở với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 80.067kg sản phẩm. Trong đó, Cảnh sát môi trường phát hiện 171 vụ; Cục Quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra chuyên ngành và tham gia liên ngành về ATTP phát hiện có 266 vụ vi phạm…

Ngoài ra, Ban quản lý ATTP phối hợp với đoàn kiểm tra của địa phương tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, tiến hành kiểm tra 7.213 lượt xe. Kết quả, phát hiện 23 lượt xe vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 19 trường hợp. Mặt khác, triển khai hậu kiểm tại chỗ: 69.487 hồ sơ, trong đó, đạt: 29.641 hồ sơ (tỷ lệ: 42,7%); không đạt: 39.846 hồ sơ (tỷ lệ: 57,3%).

Thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo ATTP 12 cơ sở cung cấp suất ăn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (phục vụ trung tâm cách ly tập trung). Nhìn chung, các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định về ATTP, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình hoạt động. Trong 9 tháng đầu năm 2021 chưa ghi nhận có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh cho biết, công tác bảo đảm ATTP đã được HĐND, UBND thành phố quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Thành phố đã triển khai các hoạt động truyền thông cách phòng chống bệnh và giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường trong mùa dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh truyền qua đường thực phẩm và các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời giúp người dân hiểu đúng và đầy đủ để tự phòng bị và bảo vệ chính mình nhằm đảm bảo điều kiện ATTP cho người dân trong mùa dịch.

Tuy có khó khăn trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng thành phố thường xuyên bám sát tình hình trên địa bàn không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý đối với tất cả hàng hóa trong đó mặt hàng thực phẩm đóng vai trò then chốt. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng tiến hành trinh sát, quản lý địa bàn, tra cứu trực tuyến các thông tin kinh doanh trên môi trường mạng nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được các đối tượng buôn lậu lợi dụng tình hình khi các lực lượng chức năng dồn sức cho công tác phòng chống dịch bệnh để kinh doanh trái phép.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, TP. Hồ Chí Minh đã cấp 2.486 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tiếp nhận và xử lý 574 bản cam kết lĩnh vực nông nghiệp; tiếp nhận 25.406 hồ sơ tự công bố; thẩm định đánh giá định kỳ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản: 586 cơ sở.