Trao đổi về xu hướng phát triển kiểm toán liên tục trong hoạt động kiểm toán hiện nay

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Kiểm toán liên tục được định nghĩa như là một phương pháp luận kiểm toán cho phép kiểm toán viên phát hành các báo cáo kiểm toán bằng văn bản về vấn đề được kiểm toán đồng thời hoặc ngay sau khi giao dịch phát sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại Việt Nam, việc thực hiện kiểm toán liên tục trong hoạt động kiểm toán phù hợp với quan điểm hiện đại hóa các hoạt động kế toán, kiểm toán của “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Chính phủ. Bài viết tập trung giới thiệu một số nghiên cứu của thế giới về các nhân tố thúc đẩy kiểm toán liên tục, nhu cầu của người sử dụng trong việc cung cấp thông tin tin cậy bởi kiểm toán liên tục theo thời gian thực.

Quan điểm về kiểm toán liên tục

Có thể nói, khái niệm về kiểm toán liên tục được đề cập từ thập niên 1960, bởi các nhà nghiên cứu và được chính thức đưa ra trong báo cáo nghiên cứu có nhan đề “Continuous Auditing” do Hiệp hội Kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (AICPA) và Hiệp hội Kế toán viên công chứng Canada (CICA) thực hiện vào năm 1999.

Trao đổi về xu hướng phát triển kiểm toán liên tục trong hoạt động kiểm toán hiện nay   - Ảnh 1

Kiểm toán liên tục được định nghĩa như là một phương pháp luận kiểm toán cho phép kiểm toán viên phát hành các báo cáo kiểm toán bằng văn bản về vấn đề được kiểm toán đồng thời hoặc ngay sau khi giao dịch phát sinh (CICA/AICPA, 1999). Theo Viện Kiểm toán nội bộ (IIA), “Kiểm toán liên tục là bất kỳ phương pháp nào được kiểm toán viên sử dụng để thực hiện các hoạt động liên quan đến kiểm toán một cách liên tục và không ngừng”.

So với thực hiện kiểm toán theo cách tiếp cận truyền thống, khác biệt đáng kể nhất của kiểm toán liên tục đó là việc kiểm toán có thể được thực hiện theo một tần suất cao hơn (thường xuyên hơn) đối với toàn bộ giao dịch thay vì chỉ thực hiện định kỳ trên cơ sở chọn mẫu. Khác biệt đó mang lại nhiều lợi ích cho các bên có liên quan của các DN, bao gồm: (1) Người sử dụng thông tin được kiểm toán; (2) Doanh nghiệp (DN) được kiểm toán; (3) Kiểm toán viên (độc lập và nội bộ) (Hao & Zhang, 2010).

Theo Hãng Kiểm toán PwC Việt Nam, một chương trình kiểm toán Liên tục bao gồm hầu hết hoặc tất cả những hoạt động sau: Giám sát rủi ro liên tục, gồm việc giám sát các Chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động chính (KPI); Giám sát liên tục hệ thống kiểm soát; Giám sát liên tục các giao dịch hoặc hoạt động; Điều tra các hoạt động có dấu hiệu bất thường đã được phát hiện; Báo cáo liên tục cho các bên liên quan.

Nghiên cứu quốc tế về kiểm toán liên tục

Trong nỗ lực thúc đẩy áp dụng kiểm toán liên tục vào thực tế, hiện nay có nhiều nghiên cứu, chủ yếu tại Hoa Kỳ, được thực hiện nhằm tìm hiểu về các yếu tố liên quan đến sự hình thành và phát triển của kiểm toán liên tục. Hầu hết những nghiên cứu tập trung vào vấn đề các nhân tố thúc đẩy và trở ngại đối với thực hiện kiểm toán liên tục. Đây là các nghiên cứu định tính, được thực hiện tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới và công nghệ thông tin được áp dụng sâu rộng như: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Australia (Brown, et al., 2007; Chiu, et al., 2014).

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, sự ra đời của kiểm toán liên tục là do nhu cầu của người sử dụng về thông tin liên tục (thông tin được cung cấp hàng tháng, tuần, ngày hoặc theo thời gian thực). Các nghiên cứu này dựa trên lý thuyết về kinh tế học thông tin cho rằng, thông tin đáng tin cậy, đầy đủ, kịp thời sẽ giúp giảm tình trạng bất cân xứng thông tin và do đó sẽ giúp ra quyết định kinh tế phù hợp, giảm thiểu rủi ro (Akerlof, 1970). Năm 1994, AICPA đã thành lập Ủy ban đặc biệt về các dịch vụ đảm bảo (Ủy ban Elliott) nhằm nhận diện những nhu cầu của người sử dụng đối với thông tin được cung cấp trong bối cảnh có những thay đổi rất nhanh do ảnh hưởng của cạnh tranh và tiến bộ công nghệ.

Ủy ban Elliott đã thực hiện nghiên cứu kéo dài trong hai năm dựa trên phương pháp định tính, thông qua phỏng vấn 44 người giữ vai trò là người ra quyết định – những người sử dụng thông tin – cả bên trong và bên ngoài của các công ty, bao gồm  chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, giám đốc công nghệ thông tin, nhà đầu tư tổ chức, cá nhân, cán bộ tín dụng ngân hàng và  nhà hoạch định chính sách...

Kết quả nghiên cứu của Ủy ban Elliott đã xác nhận những kết luận của AICPA (1994), theo đó, bên cạnh thông tin tài chính, người sử dụng thông tin ngày càng quan tâm nhiều hơn vào thông tin phi tài chính để ra quyết định; đồng thời, những thông tin đó cần được cung cấp theo thời gian thực thông qua kênh truy cập trực tuyến thay vì dưới hình thức phát hành báo cáo (giấy) định kỳ như kiểm toán truyền thống (AICPA, 1997a). AICPA (1997a) dự báo trong dài hạn, nhu cầu về thông tin theo thời gian thực sẽ dẫn đến thay đổi căn bản trong nhu cầu về các dịch vụ đảm bảo được cung cấp bởi các DN kiểm toán, đó là hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính truyền thống có thể sẽ được thay đổi thành hoạt động kiểm toán liên tục nhằm cung cấp thông tin tin cậy theo thời gian thực cho người sử dụng  bên ngoài công ty.

Năm 2008, AICPA công bố một báo cáo nghiên cứu có nhan đề “The Shifting Paradigm in Business Reporting and Assurance” nhằm nhận diện xu hướng phát triển mô hình báo cáo kinh doanh của các công ty.  Dựa trên sự phát triển của các công ty áp dụng ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng trong việc công bố thông tin tài chính nói riêng và thông tin về hoạt động kinh doanh nói chung, AICPA (2008) dự đoán rằng chỉ trong trung hạn (khoảng 2 đến 5 năm) hoặc dài hạn (trên 5 năm), nghề nghiệp kiểm toán cần phải có khả năng chuyển sang cung cấp các dịch vụ đảm bảo mới, đó là đảm bảo liên tục ở cấp độ dữ liệu đối với các nguồn dữ liệu được tạo lập trong các công ty nhằm mục đích báo cáo.

Elliott (2002) phân tích những ảnh hưởng của tiến bộ về công nghệ thông tin đối với các thành phần của hệ thống thông tin của các DN và tiên đoán rằng một khi các DN có khả năng cung cấp các thông tin liên tục (theo thời gian thực) cho người (thông qua internet) thì dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính truyền thống có thể được thay thế bằng các dịch vụ kiểm toán liên tục, trong đó kiểm toán viên sẽ đóng vai trò như bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm, còn người sử dụng sẽ phải trả phí kiểm toán và có thể truy cập vào trang thông tin điện tử của DN kiểm toán  để lấy thông tin bất cứ khi nào có yêu cầu.

El-Masry & Reck (2008) đã thực hiện nghiên cứu thí nghiệm 2 (thương mại điện tử và không có thương mại điện tử) x 2 (Rủi ro tài chính cao và rủi ro tài chính thấp) x 2 (kiểm toán định kỳ và kiểm toán liên tục) x 2 (năm 2002, trước khi Đạo luật Sarbanes-Oxley 2002 (Hoa Kỳ) có hiệu lực và năm 2005, sau khi Đạo luật Sarbanes-Oxley 2002 (Hoa Kỳ) có hiệu lực) nhằm đánh giá ảnh hưởng kiểm toán liên tục đến nhận thức của nhà đầu tư về rủi ro (công nghệ và tài chính) của công ty trong điều kiện tuân thủ Đạo luật Sarbanes-Oxley 2002 (Hoa Kỳ).

Thí nghiệm được thực hiện tại hai thời điểm, năm 2002 với 56 người tham gia và năm 2005 với 82 người, đối tượng tham gia là những học viên thuộc các lớp cao học quản trị kinh doanh có kinh nghiệm thực tiễn nói chung và trong lĩnh vực đầu tư nói riêng theo yêu cầu của thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm cho thấy, các nhà đầu tư có xu hướng đánh giá rủi ro của công ty thấp hơn trong điều kiện công ty áp dụng kiểm toán liên tục  sau Đạo luật Sarbanes-Oxley 2002 (Hoa Kỳ), và do đó, niềm tin của nhà đầu tư cũng gia tăng đáng kể thể hiện trong việc gia tăng quyết định đầu tư mới (mua cổ phiếu) vào công ty.

Tương tự, Farkas & Murthy (2014) thực hiện một thí nghiệm 2 (kiểm toán liên tục hoặc giám sát liên tục) × 2 (kiểm toán viên nội bộ hoặc kiểm toán viên độc lập) theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, có 120 người tham gia và giai đoạn thứ hai có 184 người tham gia là những nhà đầu tư cá nhân về nhận thức của họ đối với giá trị gia tăng của các hoạt động đảm bảo liên tục được thực hiện bởi kế toán viên (nội bộ và độc lập) và hoạt động giám sát liên tục được thực hiện bởi ban giám đốc công ty.

Các kết quả từ cả hai thí nghiệm chỉ ra rằng, mặc dù các nhà đầu tư cá nhân tin rằng, kiểm toán liên tục có thể làm giảm khả năng sai sót trọng yếu và phát hiện sớm gian lận và những người tham gia thí nghiệm có khuynh hướng tăng đầu tư vào công ty có áp dụng kiểm toán liên tục, tuy nhiên mức gia tăng là không đáng kể so với trường hợp chỉ kiểm toán báo cáo tài chính định kỳ hàng năm. Kết quả nghiên cứu của Farkas & Murthy (2014) cũng cung cấp một nội dung đáng chú ý, đó là các nhà đầu tư cá nhân cho rằng, kiểm toán liên tục nếu được thực hiện trong thực tiễn thì chỉ nên được thực hiện bởi kiểm toán viên nội bộ của chính DN đó mà không cần kiểm toán viên độc lập thuê bên ngoài.

Yêu cầu phát triển kiểm toán liên tục trong bối cảnh hội nhập

Kiểm toán liên tục có thể giúp đáp ứng nhu cầu cấp bách về thông tin tin cậy kịp thời của người sử dụng thông tin bên trong cũng như bên ngoài DN. Thông qua các thử nghiệm kiểm toán được thực hiện một cách tự động, gần như đồng thời hoặc chỉ thời gian ngắn kể từ khi các giao dịch được cập nhật vào hệ thống thông tin của DN, kiểm toán liên tục có thể giúp DN được kiểm toán nâng cao: (1) Khả năng phát hiện kịp thời các giao dịch bất thường (gian lận, sai sót); (2) Khả năng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các quy định pháp lý liên quan đến kiểm soát nội bộ; (3) Hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro của DN.

Như vậy, có thể nói, kiểm toán liên tục cũng giúp nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động kiểm toán trong điều kiện tiến bộ nhanh chóng về công nghệ thông tin, chẳng hạn giúp tự động thu thập bằng chứng kiểm toán đối với toàn bộ giao dịch ngay khi hoặc gần ngay sau khi các giao dịch phát sinh; các thủ tục kiểm toán được thực hiện nhanh chóng, chính xác.

Ở Việt Nam, hiện nay, việc thực hiện kiểm toán liên tục trong hoạt động kiểm toán rất phù hợp với quan điểm hiện đại hóa các hoạt động kế toán, kiểm toán của “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” theo Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần “Xây dựng hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý trên cơ sở công nghệ hiện đại thông qua việc xây dựng hệ thống kết nối thông tin trực tuyến đủ mạnh tại các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; Xây dựng ngân hàng dữ liệu để quản lý và giám sát việc hành nghề kế toán, kiểm toán; kết nối thông tin giữa các đơn vị cấp trên, cấp dưới đảm bảo cho việc hợp nhất báo cáo tài chính của toàn hệ thống”.

Với những lợi ích như vậy, việc thực hiện kiểm toán liên tục tại các DN tại Việt Nam đang dần trở thành một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập. Theo đó, Việt Nam cần có cách tiếp cận chính xác, hợp lý trong việc thúc đẩy áp dụng kiểm toán liên tục, qua đó thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 phê duyệt “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;
2. Bộ Tài chính (2016), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2015 và phương hướng hoạt động năm 2016 của Kiểm toán độc lập;
3. PwC Vietnam, (2015), Kiểm toán và giám sát liên tục. http://www.pwc.com/vn/vn/consulting/continuous-audit-monitoring.html;
4. ACCA (2013), Understanding Investors: The Road to Real-Time Reporting, London: The Association of Chartered Certified Accountants;
5. Adams, M. B., (1994), Agency theory and the internal audit. Managerial Auditing Journal, 9(8), pp. 8-12;
6. Ahuja, M. K. & Thatcher, J. B., (2005), Moving beyond Intentions and toward the Theory of Trying: Effects of Work Environment. MIS Quarterly, 29(3), pp.427-459;
7. AICPA (1997), Report of the Special Committee on Assurance Services (The Elliot Report), New York, NY: AICPA.