Ứng dụng công nghệ hướng tới phát triển bền vững

Theo Đức Hiệp/daibieunhandan.vn

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với nhiều chỉ tiêu như: Tăng trưởng GDP đạt 6,6 - 6,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%... Để đạt được các mục tiêu này, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc Chính phủ tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phía doanh nghiệp cũng cần quan tâm đổi mới công nghệ, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững.

Vẫn nhiều thách thức

Năm 2018, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, khi 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đều đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, đáng chú ý, tăng trưởng GDP nhiều khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đã quyết nghị là 6,5 - 6,7%.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, yếu tố tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2018 không ổn định. Tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào các thị trường lớn… Mặt khác, kinh tế thế giới biến động không ngừng khiến sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế và đầu tư trong nước chưa theo kịp. Hệ lỵ là tăng trưởng trong một vài quý “lỗi nhịp”.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Fulbright Việt Nam dẫn chứng: “Tháng 10.2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng nền kinh tế thế giới quý 3 đã giảm 0,2% từ 3,9% xuống còn 3,7%. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng toàn cầu cả năm 2018 chỉ còn 4,6%.

Đây là điều là tất yếu, khi kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động to lớn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Mặt khác, tốc độ suy giảm kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 sẽ không còn thuận lợi như 2018”.

Mặc dù theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6,6% - 6,8% là phù hợp tình hình thực tế và có khả năng thực hiện. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang biến động khôn lường và ẩn chứa nhiều rủi ro, cộng thêm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục căng thẳng.

Trong khi, nền kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc quá nhiều vào FDI, điều này có thể khiến nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng khi tâm lý toàn cầu thay đổi. Một thách thức nữa, nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả năm đạt 475 tỷ USD, bằng 197% GDP năm 2018 nên dễ chịu tác động của các bất ổn của thế giới.

Phải quan tâm đổi mới công nghệ

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, xu hướng quan trọng nhất của nền kinh tế vẫn là vấn đề hội nhập. Ông nhấn mạnh, xu hướng chung hiện nay là kỷ nguyên số, kinh tế số, xã hội số.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế số là yếu tố quan trọng trong xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện nay.

Nhận định về ứng dụng công nghệ và xu hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận: Năng lực cạnh tranh là yếu tố quyết định kinh doanh thành công trong nền kinh tế thị trường và hội nhập. Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục tụt giảm trong các năm gần đây. Rõ ràng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp.

Nguyên nhân cốt lõi là do tổ chức quản lý kém, công nghệ lạc hậu, tài chính hạn chế… Vì thế, đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần đưa công nghệ số vào từng công việc cụ thể như việc quản trị vào kinh doanh, phải hướng đến sự phát triển bền vững.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thực tế, nếu không đầu tư vào năng lực công nghệ thì có lẽ các doanh nghiệp Việt sẽ bị bỏ lại ngoài lề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp cũng cần tự tăng cường năng lực quản trị tài chính, công cụ quản trị rủi ro, tái sinh… để phòng vệ rủi ro tài chính có thể xảy ra. Mặt khác, cũng nên tận dụng những cơ hội thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dướng (CPTPP) sẽ có hiệu lực trong hơn 2 tháng tới.

Về phía Chính phủ, cần sớm có biện pháp khắc phục kịp thời, tránh kéo dài một số tồn tại, khó khăn của kinh tế năm 2018 và có các giải pháp điều hành, ứng phó chủ động, linh hoạt với các diễn biến kinh tế năm 2019.

Theo đó, cần nhanh chóng tái cấu trúc, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đồng thời chú trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất... Chính phủ cũng cần nhanh chóng cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư cho doanh nghiệp; đầu tư công nghệ cao.