Vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp


Giai đoạn 2016-2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, song Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty và chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty cổ phần hóa các doanh nghiệp cấp 2 theo kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đã được triển khai theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đạt hiệu quả bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; đóng góp tích cực vào thu ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2016-2020

Kết quả công tác cổ phần hóa

Đối với các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Giai đoạn 2016-2020, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) làm đại diện chủ sở hữu có 07 tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị thu về cho Nhà nước khoảng 9.068 tỷ đồng; 06 tập đoàn, tổng công ty trong danh mục CPH giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục DN thực hiện CPH đến hết năm 2020. Ủy ban đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo CPH để triển khai thực hiện các bước CPH đối với các tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, do các khó khăn, vướng mắc trong việc lập phương án sử dụng đất, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất, xử lý các tồn tại về tài chính trước CPH, khó khăn trong xác định tài sản chuyên ngành viễn thông... nên công tác CPH tại 06 tập đoàn, tổng công ty chưa hoàn thành.

Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã xây dựng Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty và công ty TNHH MTV do các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2021-2025 theo các tiêu chí phân loại và hình thức sắp xếp quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong giai đoạn vừa qua, Ủy ban đã hoàn thành CPH Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) với tổng số tiền thu về là 200.715.856.560 đồng; chỉ đạo tổ chức thực hiện việc quyết toán CPH và phương án thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Tổng công ty Phát điện 3.

Năm 2021, hoàn thành chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) thành công ty cổ phần, giá trị thu về 14.583.292.000 đồng; chỉ đạo tổ chức thực hiện việc quyết toán CPH Công ty mẹ - EVNGENCO2 tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần; Hoàn thành quyết toán CPH Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Đối với các DN cấp 2 thuộc thẩm quyền của các tập đoàn, tổng công ty.

Theo kế hoạch của giai đoạn 2017-2020, có 38 DN thuộc các tập đoàn, tổng công ty (DN cấp 2) phải tiến hành CPH. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, các tập đoàn, tổng công ty đã CPH 05 DN cấp 2 với tổng giá trị vốn nhà nước đưa ra đấu giá là 8.991,972 tỷ đồng; tổng giá trị thu về cho Nhà nước khoảng 16.466,562 tỷ đồng; tạm dừng CPH 04 DN. Năm 2021, chỉ đạo hoàn thành CPH 03 DN cấp 2 thuộc các tập đoàn, tổng công ty với tổng giá trị vốn nhà nước đưa ra đấu giá là 33,546 tỷ đồng; tổng giá trị thu về cho Nhà nước khoảng 44,195 tỷ đồng. Hiện còn 27 DN cấp 2 chưa CPH.

Kết quả công tác thoái vốn

Đối với các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền của Ủy ban.

Căn cứ Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban, có 01 tập đoàn và 02 tổng công ty thuộc diện thực hiện thoái vốn là: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (thoái 24,86% năm 2018), Tổng công ty Cảng hàng không - CTCP (thoái 20% năm 2018 và 10,4% năm 2020); Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (thoái 35,16% năm 2019), với tổng giá trị Nhà nước thu về khoảng hơn 140.000 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam được xếp trong Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể (Phụ lục II của Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam được xếp trong Danh mục DN có vốn nhà nước dừng thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 để rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025 (Phụ lục III của Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020). Như vậy, theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, không có tập đoàn, tổng công ty nào do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu cần thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Đối với công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban.

Trong giai đoạn 2017-2020, theo kế hoạch, các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện thoái vốn tại 227 công ty con, công ty liên kết; Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phải thực hiện thoái hết vốn tại 132 DN. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đến hết năm 2020 cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty mới chỉ thực hiện thoái vốn tại 87 công ty con, công ty liên kết với tổng giá trị sổ sách là 4.835,45 tỷ đồng; tổng giá trị thu được là 9.255,66 tỷ đồng; thặng dư 4.436,14 tỷ đồng. SCIC đã thoái vốn tại 142 DN với giá trị sổ sách là 4.087 tỷ đồng; giá trị thu được là 21.431 tỷ đồng; thặng dư 17.344 tỷ đồng. Năm 2021, Ủy ban đã chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại 6 DN với tổng giá trị số sách 574,7 tỷ đồng, thu về 2.637,7 tỷ đồng (gấp 4,6 lần).

Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Kết quả đạt được

- Về công tác CPH: Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt do tiến độ phê duyệt phương án sử dụng đất chậm, song Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác CPH các tập đoàn, tổng công ty và chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty CPH các DN cấp 2 theo kế hoạch.

- Về thoái vốn nhà nước: Công tác bán vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đã được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đạt hiệu quả bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; đóng góp tích cực vào thu ngân sách nhà nước từ CPH, thoái vốn theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Khó khăn, vướng mắc      

Trong giai đoạn 2016-2020, chính sách và quy định về tái cơ cấu, CPH, thoái vốn còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung. Đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, các vướng mắc về cơ sở pháp lý mới cơ bản được tháo gỡ. Các khó khăn, vướng mắc cụ thể như sau:

Thứ nhất, về xử lý đất đai khi CPH.

- Vướng mắc trong xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất/phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong quá trình CPH: Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về CPH quy định đối tượng DN CPH bao gồm (i) DN 100% vốn nhà nước (DN cấp I) và (ii) DN do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ (DN cấp II). Trong khi đó, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chỉ quy định đối tượng áp dụng là DN cấp I; do đó không xác định được cơ quan có thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi thực hiện CPH DN cấp II.

- Gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử, pháp lý đất đai phức tạp: Theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, DN phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định CPH. Tuy nhiên, không có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và nội dung của phương án sử dụng đất. Ngoài ra, một số DN có số lượng nhà đất lớn rất khó có thể hoàn thành 100% việc sắp xếp, xử lý nhà đất để kịp tiến độ CPH theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, khi chưa có quyết định CPH, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa triển khai được các công việc tiếp theo như duyệt dự toán chi phí CPH, đấu thầu lựa chọn tư vấn CPH, xác định giá trị DN… do đó, cũng ảnh hưởng đến tiến độ CPH.

- Việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu để thực hiện CPH còn nhiều khó khăn do cơ sở nhà đất nhiều, trải dài trên các địa bàn tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ngoài ra, quá trình CPH cũng gặp các vướng mắc trong xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất/phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; tiến độ trên thực tế thường bị chậm ở ngay khâu thống kê, đo đạc địa chính, nhiều trường hợp không được địa phương phê duyệt phương án do hồ sơ, giấy tờ không đầy đủ, do không thống nhất về phương án sử dụng đất, về đo đạc diện tích đất, về sự phù hợp với quy hoạch...; Vướng mắc trong việc thực hiện việc sắp xếp lại tài sản công là nhà, đất tại DN do đây là công việc thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với tài sản công, cần giao cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo đúng chức năng. Chính phủ đã tách bạch chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, tuy nhiên quy định này chưa kịp điều chỉnh để phù hợp với chức năng của Ủy ban và của các cơ quan quản lý nhà nước. Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công được ban hành sau năm 2020 nên chưa kịp thời để khắc phục các vướng mắc trong việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất để CPH trong giai đoạn 2016-2020.

- Một số quy định về CPH, thoái vốn không thực hiện được trên thực tế hoặc lúng túng trong áp dụng pháp luật do thiếu tính đồng bộ, tính thống nhất và tính khả thi như: Việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… trong định giá DN, định giá vốn nhà nước; quy định về căn cứ xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn nhà nước... tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn.

Thứ hai, khó khăn trong xử lý tài chính, tài sản, nợ, xác định giá trị DN, giá trị phần vốn nhà nước.

Hầu hết DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu cần thực hiện CPH là các DN quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, nhiều tài sản chuyên ngành (như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tổng công ty Viễn thông Mobifone…) rất khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian, nhất là ở những DN gặp khó khăn về tài chính, công nợ lớn, nhiều loại chi phí và tài sản do DN quản lý nhưng không được hạch toán đầy đủ giá trị (như Tập đoàn Hóa chất…); quy định phải đối chiếu công nợ trước khi xác định giá trị DN CPH tại Nghị định số 126/2015/NĐ-CP, Thông tư số 41/2018/TT-BTC với DN có số lượng khách hàng lớn như Tập đoàn Bưu chính viễn thông và Tổng công ty Viễn thông Mobifone mất rất nhiều thời gian, tính chính xác không cao.

Thứ ba, khó khăn về tính giá trị của yếu tố lịch sử, văn hóa của DN.

Theo quy định hiện hành thì phải xác định giá trị của yếu tố lịch sử, văn hóa của DN khi xác định giá trị DN; trong đó giá trị của yếu tố lịch sử, văn hóa phải tối thiểu bằng 01% của giá trị vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này, các DN còn nhiều lúng túng, khó khăn do yếu tố lịch sử, văn hóa khó định lượng cụ thể và mang nhiều tính định tính. Mặc dù, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ đã sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về CPH DNNN nhưng đến hết năm 2020, về cơ bản vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết vướng mắc này, vì vậy đã gây khó khăn và rủi ro khi DN triển khai thực hiện.

Bên cạnh các khó khăn cơ bản trên, việc thực hiện thoái vốn gặp khó khăn do quy mô thị trường còn nhỏ, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà DNNN CPH, thoái vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Sự quan tâm của thị trường và các nhà đầu tư đối với các DN hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực còn thấp dẫn đến một số trường hợp thoái vốn không thành công mặc dù Ủy ban đã tích cực chỉ đạo và xây dựng và triển khai phương án thoái vốn.

Nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc

Nguyên nhân khách quan

- Trước khi chuyển về Ủy ban, tiến độ thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước đã bị chậm so với kế hoạch; trong quá trình thực hiện, có những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với việc xác định giá trị DN, sắp xếp lại nhà đất,... chậm được tháo gỡ.

- Nhiều quy định mới về CPH, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn như các quy định tại các Nghị định số: 01/2017/NĐ-CP, 126/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP… nên các DN phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình CPH, thời gian thực hiện kéo dài hơn.

- Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng lớn đến công tác xác định giá trị DN, lập phương án sử dụng đất để thực hiện CPH, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định; gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của các DN.

Nguyên nhân chủ quan

- Công tác lập kế hoạch tái cơ cấu, CPH, thoái vốn còn chưa sát với tình hình thực tế dẫn đến lúng túng và vướng mắc trong triển khai.

- Đối tượng CPH, thoái vốn của Ủy ban là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị DN, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

- Một số đơn vị thuộc danh mục thoái vốn đang bị cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra vì vi phạm các quy định trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản DN trong giai đoạn trước đây.

- Nhiều DN CPH không thu hút được đầu tư tư nhân, không có cổ đông chiến lược, chưa đạt mục tiêu tái cơ cấu sở hữu để nâng cao chất lượng quản trị, tăng sức mạnh tài chính tiếp cận thị trường và công nghệ mới. 

- Nhiều DN thoái vốn có quy mô lớn, phức tạp với các cam kết, ràng buộc với các cổ đông khác như PVI (thuộc PVN); DN có hoạt động kinh doanh không hiệu quả, khó khăn, đang có các tồn tại về tài chính, đang có các vi phạm bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra (PVFI, PVC,..)... nên quá trình triển khai các bước thoái vốn theo quy định của pháp luật cũng phát sinh khó khăn, vướng mắc.

- Trình tự, thủ tục báo cáo lại cấp có thẩm quyền để điều chỉnh phương án tái cơ cấu DN mất nhiều thời gian và phức tạp.

- Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH và thực hiện bán cổ phần lần đầu, ở một số DN phát sinh nhiều công việc mà Ủy ban phải chỉ đạo xử lý, hoàn thiện thủ tục để chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần (như việc phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ theo kết quả bán cổ phần lần đầu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; việc quyết toán CPH Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty phát điện 3...). Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thời điểm lập báo cáo tài chính để quyết toán vốn nhà nước khi CPH, ảnh hưởng lớn đến quá trình quyết toán CPH DN.

- Việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sắp xếp, đổi mới, CPH, thoái vốn chưa được thực hiện triệt để.

Đề xuất, kiến nghị

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

- Xem xét thực hiện triệt để hơn việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cả về thể chế và tổ chức, bộ máy.

- Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

- Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật DN từng bước áp dụng khung quản trị DN phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

- Đa dạng hóa các hình thức giảm vốn nhà nước, theo đó kết hợp giữa việc bán phần vốn Nhà nước với việc tăng quy mô vốn điều lệ của DNNN. Cách thức này vừa giúp DNNN tăng cường năng lực tài chính phục vụ nhu cầu tăng trưởng mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo tiến độ giảm tỷ lệ sở hữu vốn NN tại DNNN.

- Xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 11 Điều 11 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước để phù hợp với Luật DN 2020; đồng thời để các DNNN, đặc biệt là DNNN do Thủ tướng Chính phủ thành lập chủ động thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, vừa bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của DN, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

- Hướng dẫn chi tiết việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV sang Công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc bán toàn bộ DN.

- Không CPH, thoái vốn bằng mọi giá mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi tối đa vốn Nhà nước.

- Nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng để thực hiện CPH, thoái vốn các DN quy mô lớn trong giai đoạn tới, trong đó có trình tự, thủ tục, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị tham gia để cơ cấu lại và phát triển DN. Nghiên cứu hình thành các DNNN quy mô lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế và khu vực.

Đối với các bộ, ngành

Bộ Tài chính sớm tổng hợp ý kiến của các cơ quan, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN; các bộ, ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật còn bất cập hoặc chưa rõ ràng, đồng bộ; cụ thể một số nội dung liên quan đến công tác cơ cấu lại, CPH, thoái vốn như sau:

Thứ nhất, quy định hiện hành chưa thống nhất và chưa rõ ràng về thẩm quyền phê duyệt chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung nêu trên để đảm bảo sự thống nhất về thẩm quyền.

Thứ hai, Luật DN 2020 (Điều 201) quy định về việc sáp nhập công ty và không có hạn chế về trường hợp sáp nhập công ty con vào công ty mẹ. Tuy nhiên, Luật số 69/2014/QH13 không có nội dung hướng dẫn về trường hợp sáp nhập công ty con vào công ty mẹ, việc tổ chức lại không thuộc trường hợp thu hồi vốn đầu tư, không thuộc trường hợp chuyển giao vốn. Do đó, đề nghị cho phép các DNNN được quyền thực hiện đầy đủ các hình thức tổ chức lại kể cả trường hợp sáp nhập công ty con vào công ty mẹ.

Thứ ba, quy định rõ hơn nguyên tắc và thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DN, xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn tại các DN có vốn góp của DNNN và phân biệt rõ cơ chế của 2 loại hình: DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ DN.

Thứ tư, rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan áp dụng đối với DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước chi phối.

Thứ năm, đề nghị hoạt động chuyển nhượng vốn của DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đầu tư tại DN khác áp dụng như DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.

Thứ sáu, về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại DN, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu thông lệ quốc tế về chuyển nhượng vốn, thoái vốn để quy định bổ sung thêm hình thức chuyển nhượng vốn, thoái vốn (cơ chế đấu thầu hạn chế hoặc bán thỏa thuận) trong trường hợp cần thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại DN để bảo đảm tối đa lợi ích của nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế nhưng điều kiện để thực hiện chuyển nhượng vốn không đáp ứng được theo quy định của Luật Chứng khoán và pháp luật liên quan.

Thứ bảy, về chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại DN: Đề nghị cân nhắc, xem xét lại nguyên tắc quy định trước khi chuyển nhượng vốn, yêu cầu rà soát lại toàn bộ diện tích đất DN đang quản lý sử dụng, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, quản lý, giám sát chặt chẽ đối với đất được chuyển đổi mục đích thực hiện đấu giá đất theo quy định Luật Đất đai; thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất, nộp tiền thuê theo quy định của pháp luật cũng như bổ sung quy định việc tính toán giá trị quyền sử dụng đất giao trong giá khởi điểm chuyển nhượng vốn…

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại DN giai đoạn 2021-2025.     

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2014), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13;

2. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14;

3. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện Cổ phần hóa đến hết năm 2020;

4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

 (*) Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - tháng 5/2022.