Vận dụng kế toán quản trị đối với đơn vị sự nghiệp công lập và một số vấn đề đặt ra


Kế toán quản trị là một bộ phận cấu thành của hệ thống thông tin kế toán. Sự phát triển của kế toán quản trị gắn liền với xu thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, tập đoàn... trong tổng thể nền kinh tế cũng như yêu cầu của nhà quản trị về một công dụng hữu hiệu để quyết định điều hành mọi hoạt động hướng đến mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Hiện nay, kế toán quản trị chủ yếu áp dụng cho các doanh nghiệp mà chưa phổ biến đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, cần tăng cường vận dụng kế toán quản trị trong đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị này.

Tổng quan lý thuyết

Kế toán quản trị

Kế toán quản trị (KTQT) là lĩnh vực chuyên môn của kế toán nhằm nắm bắt các vấn đề về thực trạng, đặc biệt thực trạng tài chính của doanh nghiệp; qua đó phục vụ công tác quản trị nội bộ và đưa ra quyết định quản trị. Thông tin trong KTQT bao gồm thông tin tài chính và thông tin phi tài chính.

Theo Luật Kế toán năm 2015, KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán. Cùng với kế toán tài chính, thì KTQT là một trong những cấu phần quan trọng của công tác kế toán tại đơn vị kế toán. Về cơ bản, KTQT có một số vai trò sau:

- Phục vụ chức năng hoạch định: Theo Bamber và cộng sự (2008), vai trò phục vụ chức năng hoạch định là nhằm thiết lập mục tiêu cho tổ chức và xác định con đường để thực hiện chúng, bằng việc chọn cách triển khai hành động cụ thể.

- Phục vụ chức năng tổ chức – điều hành: Theo Bamber và cộng sự (2008), vai trò phục vụ chức năng tổ chức – điều hành là “triển khai và giám sát các hoạt động của tổ chức hằng ngày”, theo dõi việc thực hiện các kế hoạch để đạt được các mục tiêu của tổ chức. Ngoài ra, sau khi lên kế hoạch, tổ chức cần phải hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện mục tiêu đó.

- Phục vụ chức năng kiểm soát: Đánh giá các kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức, so sánh và điều chỉnh giữa kế hoạch và việc triển khai thực hiện để luôn hướng đúng với mục tiêu của tổ chức (Bamber và cộng sự, 2008).

- Phục vụ chức năng ra quyết định: KTQT liên quan đến việc hoạch định, tổ chức – điều hành và kiểm soát, điều này có nghĩa là chúng đang tham gia vào quá trình ra quyết định, đây chính là vai trò còn lại của KTQT (Mohammad, A. và Ayuba, A., 2012).

Như vậy, KTQT đóng góp vai trò rất lớn trong việc nghiên cứu và cung cấp các bảng phân tích nhằm đưa ra những quyết định hợp lý và chính xác hơn.

Đơn vị sự nghiệp công lập

Điều 9, Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2010, quy định đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.

Các ĐVSNCL hoạt động bằng nguồn kinh phí của Nhà nước cấp hoặc từ các nguồn kinh phí khác như: Thu sự nghiệp, phí, lệ phí, hoạt động kinh doanh hay viện trợ không hoàn lại. ĐVSNCL gồm: ĐVSNCL được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự; ĐVSNCL chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.

Công tác kế toán trong đơn vị sự nghiệp công lập

Công tác kế toán tài chính

Trong quá trình hoạt động, các ĐVSNCL phải chấp hành quy định về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp do Nhà nước ban hành. Ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Thông tư số 107/2017/TT-BTC quy định tài khoản kế toán phản ánh thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình về tài sản, tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí khác; Tình hình thu, chi hoạt động, kết quả hoạt động và các khoản khác ở các ĐVSNCL. ĐVSNCL phải mở sổ kế toán để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán. Thông tin, số liệu ghi vào sổ kế toán phải chính xác, trung thực, đúng với chứng từ kế toán tương ứng dùng để ghi sổ. Việc ghi sổ kế toán phải theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.

Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm sau phải kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm trước liền kề, đảm bảo liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ. Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Tùy theo hình thức kế toán đơn vị áp dụng, đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép đối với từng mẫu sổ kế toán. Việc bảo quản, lưu trữ sổ kế toán thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, các văn bản có liên quan và quy định tại Thông tư này...

Sau khi kết thúc kỳ kế toán năm, các ĐVSNCL phải khóa sổ và lập báo cáo tài chính (BCTC) để gửi cơ quan có thẩm quyền và các đơn vị có liên quan theo quy định. BCTC dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động tài chính và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị, cung cấp cho những người có liên quan để xem xét và đưa ra các quyết định về các hoạt động tài chính, ngân sách của đơn vị. Thông tin BCTC giúp cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình của đơn vị về việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật. BCTC phải được phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung và giá trị các chỉ tiêu báo cáo; trình bày theo một cấu trúc chặt chẽ, có hệ thống về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị.

BCTC phải được lập kịp thời, đúng thời gian quy định đối với từng loại hình đơn vị, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, chính xác thông tin, số liệu kế toán. Thông tin, số liệu báo cáo phải được phản ánh liên tục, số liệu của kỳ này phải kế tiếp số liệu của kỳ trước. Các ĐVSNCL phải lập BCTC theo biểu mẫu đầy đủ, trừ các đơn vị kế toán dưới đây có thể lựa chọn để lập BCTC đơn giản: ĐVSNCL được cấp có thẩm quyền phân loại là đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp); Không được bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển, chi từ vốn ngoài nước; không được giao dự toán thu, chi phí hoặc lệ phí; Không có đơn vị trực thuộc.

Công tác kế toán quản trị

Theo Trần Đức Chung (2016), KTQT công là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác kế toán, là khâu quan trọng trong công tác quản lý kinh tế tài chính của một đơn vị. Việc tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào và tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý, phân tích, cung cấp thông tin để phục vụ yêu cầu quản lý có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL có thu. Như vậy, bên cạnh việc phân tích nhu cầu của xã hội đối với các dịch vụ công, thì KTQT công là công cụ quan trọng để các ĐVSNCL có thu xác định thế mạnh của mình và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài.

Với ý nghĩa nắm bắt các vấn đề về thực trạng, đặc biệt thực trạng tài chính của đơn vị kế toán, qua đó phục vụ công tác quản trị nội bộ và ra quyết định quản trị, KTQT có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho các đối tượng này ngày càng giảm.

Thách thức, rào cản khi vận dụng kế toán tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Hiện nay, việc áp dụng KTQT vào hoạt động của ĐVSNCL tại Việt Nam có thể đối mặt với một số rào cản, thách thức sau:

(i) Vận dụng KTQT phục cho công tác quản trị điều hành chưa được các đơn vị sự nghiệp quan tâm. Trên thực tế, hiện nay, các ĐVSNCL mới chỉ chú trọng đến kế toán tài chính vì đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

(ii) Hệ thống báo cáo kế toán của các ĐVSNCL có thu hiện nay chủ yếu tập trung vào các BCTC theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước. Hầu hết, các đơn vị chưa chú trọng đến việc lập báo cáo nội bộ trên cơ sở phân tích so sánh kết quả hoạt động thực tế với số liệu dự báo, dự đoán. Việc lập các báo cáo nhanh để cung cấp thông tin kịp thời cho nhà quản lý ra quyết định trong việc điều hành còn hạn chế, do việc thiết lập tiêu chí báo cáo và phối hợp kết nối giữa các bộ phận trong đơn vị chưa thống nhất.

(iii) Về tổ chức bộ máy kế toán, hiện nay, việc xây dựng bộ máy kế toán cũng phải theo các quy định của pháp luật, chứ không dễ dàng, chủ động theo kế hoạch của doanh nghiệp. Chính điều này khiến cho trong công tác tổ chức kế toán, cả bộ máy kế toán và nội dung kế toán ở hầu hết các ĐVSNCL có thu đều tập trung vào kế toán tài chính là chủ yếu. Trong khi đó, nhu cầu về thông tin KTQT mang tính thường xuyên, hàng ngày lại chưa được quan tâm nhiều. Việc dựa vào số liệu của kế toán để phân tích và kỹ năng phân tích của nhân viên kế toán mới chỉ dừng lại ở khâu hạch toán, điều này dẫn đến KTQT chưa đáp ứng được yêu cầu của quản lý.

(iv) Đội ngũ làm công tác KTQT trong các ĐVSNCL còn hạn chế. Nhân viên kế toán chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Nhiều người chưa quan tâm hoặc có kiến thức về KTQT.

Một số vấn đề đặt ra

Trong bối cảnh hiện nay, các ĐVSNCL đã, đang triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, điều này cũng đặt ra yêu cầu, cần phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý để phát triển bền vững. Do đó, việc vận dụng KTQT vào công tác kế toán nói riêng và quản trị điều hành tại các ĐVSNCL nói chung cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức đối với người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của KTQT trong hoạt động quản lý điều hành. Hiện nay, các quy định của Nhà nước cũng khuyến khích hoạt động KTQT của đơn vị kế toán nói chung và đơn vị kế toán nói riêng nhằm giúp người đứng đầu đơn vị có định hướng và quyết định điều hành hợp lý hơn.

Hai là, KTQT có vai trò trong việc hoạch định, tổ chức – điều hành, kiểm tra giám sát và hỗ trợ đưa ra quyết định. Trong khi đó, vì sử dụng ngân sách nhà nước nên yêu cầu về sử dụng nguồn lực tài chính gắn với công tác kiểm tra, giám sát phải được đề cao. Thực tế cho thấy, việc thiếu các thông tin tài chính và phi tài chính đang gây cản trở rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản trị nội bộ đơn vị, điều hành của các nhà quản lý, nhất là trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ. Do vậy, hoàn thiện công tác KTQT công ở các ĐVSNCL là rất cần thiết.

Ba là, xây dựng tổ chức bộ máy kế toán và đội ngũ cán bộ KTQT là điều cần cân nhắc vì số lượng nhân sự của ĐVSNCL cũng phải theo các quy định của Nhà nước. Việc xây dựng một bộ máy kế toán với các KTQT tách biệt dường như không khả thi đối với các ĐVSNCL, do đó cần thực hiện theo mô hình kết hợp, không làm phát sinh thêm số lượng nhân sự và bộ máy kế toán công kềnh.

Bốn là, hiện nay hệ thống báo cáo và tài khoản kế toán của ĐVSNCL được quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Tuy nhiên, đơn vị sự nghiệp có thể xây dựng các loại báo cáo nội bộ trên cơ sở phân tích so sánh kết quả hoạt động thực tế với số liệu dự báo, dự đoán để phù hợp với tình hình thực tế của mỗi đơn vị.   

Tài liệu tham khảo:

1.Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;

2.Quốc hội (2010), Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2010;

3.Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;

4.Trần Đức Chung (2016), Kế toán quản trị đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong nền kinh tế hội nhập, Tạp chí Tài chính kỳ II, số tháng 7/2016.

(*) Nguyễn Văn Hòa - Trường Đại học Kinh Bắc.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2021.