Vàng SJC vượt 48 triệu đồng/lượng, VN-Index giảm gần 34 điểm, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng

Theo Hạnh Nhung/sggp.org.vn

Mặc dù giá vàng thế giới lùi về sát 1.600 USD/ounce nhưng giá vàng SJC trong nước ngày 30/3 tiếp tục tăng khoảng 600.000 đồng, vượt xa 48 triệu đồng/lượng.

Vàng SJC vượt 48 triệu đồng/lượng, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng.
Vàng SJC vượt 48 triệu đồng/lượng, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng.

Ghi nhận giá vàng SJC vào khoảng 15 giờ 30 tại TP. Hồ Chí Minh (TPHCM), Công ty SJC niêm yết vàng SJC ở mức 47,5 triệu đồng/lượng mua vào và 48,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng chiều mua và 600.000 đồng chiều bán. Tại Hà Nội, Công ty Bảo Tín Minh Châu giao dịch giá vàng ở mức 47,2 triệu đồng/lượng mua vào và 48,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng chiều mua và 500.000 đồng chiều bán. 

Trên thị trường thế giới, giá vàng trong ngày đầu tuần đã giảm mạnh. Giá vàng tại thị trường châu Á trưa 30/3 (giờ Việt Nam) giảm 10 USD/ounce, còn 1.610 USD/ounce. Mức giá này sau khi quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước đến 2,2-2,5 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân kéo giá vàng SJC và giá vàng thế giới chênh lệch lớn trở lại do giá vàng thế giới giảm trong khi giá vàng SJC tiếp tục tăng. Dù giá vàng biến động mạnh nhưng lượng giao dịch vàng không nhiều, đa số khách hàng mua vàng nhiều hơn bán. Một số cửa hàng kinh doanh vàng ở TPHCM, Hà Nội tạm đóng cửa để phòng tránh dịch Covid-19. Việc này cũng khiến cho thanh khoản thị trường vàng giảm.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có phiên giao dịch đầu tuần giảm mạnh trong bối cảnh giá dầu và TTCK châu Á tiếp tục lao dốc. Có thời điểm, VN-Index mất luôn mốc 660 điểm vì lực bán lớn trên thị trường do tâm lý nhà đầu tư lo lắng về diễn biến dịch Covid- 19. Hàng loạt cổ phiếu (CP) lớn giảm sàn như VHM, VRE, PNJ, CTG… Cùng với đó, các CP trụ khác như SAB, BID, FPT, GAS, VIC, MWG… đều giảm hơn 6% khiến VN-Index mất thêm gần 34 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/3, VN-Index giảm 33,8 điểm (4,86%), xuống còn 662,26 điểm với 47 mã tăng, 339 mã giảm và 36 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 4,07 điểm (4,18%) xuống còn 93,28 điểm với 31 mã tăng, 125 mã giảm và 35 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường đạt gần 295 triệu CP, tương ứng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, thấp hơn so với phiên trước. Sau phiên mua ròng trước đó, khối ngoại lại quay đầu bán ròng khoảng 160 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Ngày 30/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.230 đồng, giảm 5 đồng so với phiên cuối tuần trước nhưng giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tăng 10-20 đồng USD so với cuối tuần trước. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.530 đồng/USD mua vào và 23.560 đồng/USD bán ra, tăng 20 đồng cả 2 chiều mua bán. Eximbank mua bán giá USD ở mức 23.570 đồng/USD mua vào và 23.710 đồng/USD bán ra, tăng 10 đồng chiều mua và 20 đồng chiều bán.

Ghi nhận giá USD tại các điểm thu đổi ngoại tệ tại TPHCM cho thấy, giá giao dịch phổ biến ở mức 23.700 đồng/USD mua vào và 23.800 đồng/USD bán ra. Trên thị trường thế giới, chỉ số DXY (USD-Index) đang giao dịch quanh 98,74 điểm, sau khi mất mốc 100 điểm vào cuối tuần trước. Tính từ đỉnh ngày 19/3, chỉ số này đã mất gần 4%.