TP. Hồ Chí Minh:

Vé xe Tết đi miền Trung “đội” giá lên gần 2,3 triệu đồng/vé

Theo Huyền Trâm/bizlive.vn

Người dân muốn có vé về quê dù đi chặng ngắn phải trả tiền vé cho cả chặng dài, với giá vé xe khách đội lên cao gần bằng giá vé đi máy bay!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đến nay, tại bến xe miền Đông (TP. Hồ Chí Minh) hầu hết các nhà xe đi miền Trung đều báo “cháy” vé Tết vào những ngày cao điểm (từ 24 đến 29 Tết). Và người dân muốn có vé đi đúng ngày mong muốn sẽ phải mua vé với giá rất “chát” được rao bán trên mạng.

Cụ thể, trên web chuyên bán vé xe vexere.com, chặng đường từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, giá vé ngày 31/1 (ngày 25 tháng Chạp, nhà xe Hoàng Long báo giá 1 vé lên tới gần 2,3 triệu đồng. Tìm hiểu kỹ được biết, nhà xe này thực hiện ghép khách vào các chuyến xe đường dài hơn.

Chẳng hạn, khách TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng sẽ ghép vào chuyến Cần Thơ – Lạng Sơn khởi hành lúc 19h ngày 25 Tết với giá vé 2,15 triệu/vé. Hay ghép khách đi Đà Nẵng vào chuyến TP. Hồ Chí Minh đi Quảng Ninh khởi hành lúc 21h ngày 25 Tết với giá vé 2,29 triệu đồng/vé…

Trong khi đó, giá vé chuyến TP. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng ngày thường Hoàng Long báo giá 400.000 đồng/vé.

Như vậy, giá vé Tết bị đội lên gấp hơn 5 lần ngày thường, và gấp gần 4 lần so với quy định. Bởi theo quy định hiện nay giá vé Tết nhà xe chỉ được tăng phụ thu tối đa 60% mức giá ngày thường. Tức giá xe Tết cao nhất chỉ là 640.000 đồng/vé!

Vé xe khách từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng lên tới gần 2,3 triệu đồng/vé - Nguồn: web vexere.com
Vé xe khách từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng lên tới gần 2,3 triệu đồng/vé - Nguồn: web vexere.com

Cũng trên web này, khi đặt vé ngày 26 tết từ TP. Hồ Chí Minh – Quy Nhơn (Bình Định) giá vé được báo với mức cao gấp nhiều lần so với quy định.

Theo đó, mức giá ngày thường chặng này bình quân là 250.000 đồng/vé giường nằm. Tức vé Tết tăng tối đa 60% thì vào khoảng 400.000 đồng/vé. Thế nhưng hiện có nhà xe báo giá tết lên tới 1,3 triệu đồng/vé, đội lên gấp hơn 4 lần ngày thường và gấp hơn 3 lần so với quy định.

Và cũng với “chiêu” như trên, nhà xe Tiến Mãi ghép khách TP. Hồ Chí Minh – Quy Nhơn trên chuyến TP. Hồ Chí Minh – Quảng Ngãi và lấy giá vé 800.000 đồng/vé với ghế ngồi và 950.000 đồng/vé với giường nằm.

Như đề cập, giá “đắng” nhất trên chặng này là nhà xe Khánh Ngân khi báo giá 1,3 triệu đồng/vé với giường nằm, ghép khách đi Quy Nhơn vào chuyến TP. Hồ Chí Minh – Quảng Bình.

Tương tự khi đặt vé xe Tết trên web chuyên bán vé xe, tàu, máy bay là easybook.com, các tuyến đi miền Trung cũng bị đội giá lên gấp nhiều lần so với giá quy định.

Giá vé xe Tết gần bằng vé máy bay - Nguồn: easybook.com 
Giá vé xe Tết gần bằng vé máy bay - Nguồn: easybook.com 

Liên hệ với tổng đài của trang bán vé Vé Xe Rẻ (vexere.com), nhân viên công ty này khẳng định vé trên web là vé của nhà xe đưa ra chứ không phải vé do công ty báo. Như vậy, người dân muốn có vé về quê dù đi chặng ngắn phải trả tiền vé cho cả chặng dài, với giá vé xe khách đội lên cao gần bằng giá vé đi máy bay!

Làm sao để chấm dứt loạn giá vé xe Tết?

Vừa qua, ông đặng trọng Hiền, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang Futa Buslines cho biết nhà xe này mới thu hồi hơn 400 vé xe Tết trên thị trường chợ đen. Đây là những vé được dân đầu cơ dùng “chiêu” lợi dụng chính sách bán vé xe của công ty, gom vé và rao bán lại trên mạng với giá gấp đôi. Như tuyến Bến xe Miền Đông đi Đà Nẵng, Phương Trang niêm yết giá ở mức cao nhất là 592.000 đồng/vé, các đối tượng bán chênh bỏ túi 500.000 – 700.000 đồng, tức từ gần 1,1 triệu đến 1,3 triệu/vé.

“Để chống vé chợ đen, Phương Trang đã liên hệ với các đối tượng mua vé Tết với số lượng lớn và yêu cầu trả lại vé cho hãng, nếu không vé sẽ bị hủy. Những người này sau đó đã đem vé tới công ty để trả lại và nhận lại tiền mua vé. Các vé thu hồi sẽ được đưa lên hệ thống để bán cho những hành khách thực sự có nhu cầu”, ông Hiền thông tin.

Lãnh đạo Futa Buslines cho rằng, việc đầu cơ vé như trên gây thêm gánh nặng về tài chính cho người dân có nhu cầu về quê trong dịp Lễ, Tết, gây bất ổn thị trường vé xe của công ty. Ngoài ra, việc làm này còn làm ảnh hưởng đến uy tín và tình hình hoạt động kinh doanh của Phương Trang. Đó là lý do công ty xử lý triệt để hành vi đầu cơ, tích trữ vé, bán sai giá vé theo quy định của công ty.

Mới đây, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở chỉ đạo các bến xe trên địa bàn và đơn vị liên quan huy động đầy đủ các loại phương tiện xe khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng không có xe phục vụ tại các bến xe khách trên địa bàn. Đồng thời, đảm bảo không để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp vận tải hành khách chèn ép giá, lợi dụng tăng giá không đúng quy định.

Theo Sở này, tính đến ngày 14/1, Sở đã tiếp nhận 27/53 hồ sơ kê khai tăng giá cước trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, với mức tăng tối đa từ 13% - 58%.

Ông Trần Quang Lâm cũng cho biết, trong dịp Tết này, Thanh tra Sở tăng cường công tác phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các nhà ga gồm sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, tại các bến xe khách liên tỉnh (Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga) nhằm xử nghiêm các hành vi vi phạm quy định về điều kiện an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện và người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến.

Theo đó, Sở công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và phản hồi 24/24 giờ để tiếp nhận các thông tin phản ánh về sự cố hạ tầng giao thông, vận tải hành khách và an toàn giao thông (ĐT 0388.247.247 tiếp nhận cuộc gọi thoại, tin nhắn SMS, Viber, Zalo). Đường dây nóng của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải là 028.3830.0701 hoặc 0913.880.906.