Việt Nam - Cơ hội trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất thế giới

Theo Công Phiên-Thanh Hải/saigondautu.vn

Ngày 7/12, tại hội thảo sự hình thành trung tâm đồ gỗ nội thất thế giới ở Việt Nam, tổ chức ở TPHCM, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), thông tin đến nay các doanh nghiệp (DN) đã hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD mặt hàng đồ gỗ và lâm sản, cuối năm 2018 con số này sẽ hơn 9,5 tỷ USD.

Chế biến gỗ xuất khẩu vươn lên thành một trong những xuất khẩu chủ lực.
Chế biến gỗ xuất khẩu vươn lên thành một trong những xuất khẩu chủ lực.

Tỉnh táo trước các xu hướng

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, xung đột thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có điểm chung là tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam. Sự kiện thứ nhất, một số chuyên gia nhận định đây là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, đơn hàng sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí lĩnh vực đầu tư chế biến gỗ cũng sẽ có xu hướng dịch chuyển. Vấn đề là xu hướng đó có thực sự lớn và lâu dài hay không, khi Mỹ và Trung Quốc thống nhất không leo thang trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày 1/1/2019. Điều cần lưu ý, nếu sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư diễn ra với ý đồ lợi dụng Việt Nam để “lẩn tránh” mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành gỗ Việt cũng bị vạ lây. Như vậy, cơ hội là có, nhưng có thể không lớn, đi kèm là rủi ro hành vi “lẩn tránh”.

Với CPTPP và EVFTA, nếu đưa vào thực thi năm 2019, sẽ có tác động tương đối lớn tới sự phát triển ngành gỗ. CPTPP mở ra các thị trường mới như Mexico, Canada, Peru. Các DN cần lưu ý tìm hiểu thị trường này và có sự chuẩn bị tiếp cận, bởi trong CPTPP, cơ hội sẽ lớn dần theo thời gian, khi mức thuế được giảm dần về 0% theo lộ trình. Nếu việc phê chuẩn EVFTA diễn ra suôn sẻ nửa đầu 2019 thì sẽ là tin vui, bởi EU là thị trường quan trọng với ngành (kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào EU năm 2017 gần 750 triệu USD, trong khi thị trường EU có dung lượng khoảng 80 - 90 tỷ USD/năm). Sản phẩm gỗ Việt Nam chiếm chưa đầy 1% thị trường này, nên tiềm năng phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất khi định hướng tiếp cận thị trường EU không phải là EVFTA. Người tiêu dùng tại Liên minh châu Âu, cũng như tại nhiều thị trường lớn và quan trọng khác, quan tâm tới việc bảo vệ và phát triển rừng, có yêu cầu rất cao về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp trong ngành chế biến gỗ. Vì vậy, các DN cần thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT về kiểm soát nguồn gốc gỗ (ký với EU tháng 10 vừa qua). Nếu thực thi thành công FLEGT, cơ hội lớn sẽ mở ra cho ngành chế biến gỗ, không chỉ thị trường EU mà cả các thị trường lớn khác như Mỹ và Nhật Bản. 

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ngành chế biến gỗ thực sự hiệu quả và chất lượng, đáp ứng quy tắc xuất xứ, nói không với hành vi “lẩn tránh”, thực sự quan tâm đến người tiêu dùng, đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, nói không với gỗ bất hợp pháp, thì sẽ là ngành phát triển mạnh trong dài hạn, không cần quá để ý đến việc Mỹ - Trung đang làm gì hay bao giờ thì EVFTA đưa vào thực thi. 

7 giải pháp cốt lõi 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, ngành lâm sản nói chung đứng vào tốp 6 mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn, với tỷ lệ tăng trưởng 16,6%/năm, được xây dựng trên nền tảng cốt lõi của ngành chế biến gỗ Việt Nam: Năng lực sản xuất. Khả năng chế biến gỗ và chế tác thủ công mỹ nghệ Việt Nam được ghi nhận, khi đồ nội thất “Made in Vietnam” dưới thương hiệu danh giá của các hãng nổi tiếng có mặt khắp thế giới, kể cả phân khúc cao cấp, cung cấp sản phẩm cho các công trình đẳng cấp quốc tế. Việc có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 25 tỷ USD năm 2025 là điều khả thi. Nhưng ngành gỗ cần có chiến lược khác biệt mới tạo nên bước phát triển tầm xa và bền vững, bởi nguồn lực ngành đã đủ lớn mạnh về sản xuất, đang dần hoàn thiện từ công nghệ đến quản lý, từ chuyển giao đội ngũ kế thừa đến nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo…

Lợi thế của người Việt là sự khéo tay, tiếp nhận công nghệ nhanh, đã và đang khẳng định yếu tố sản phẩm - công nghệ. Với chính sách phát triển nguồn nguyên liệu rừng trồng, ngành chế biến gỗ Việt đang có cơ hội lớn. Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, điều mà ngành chế biến gỗ Việt Nam cần là xây dựng được thị trường thiết kế và thương hiệu quốc gia - quốc tế.

Các DN bắt đầu hướng đến việc xây dựng 2 giá trị này, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cũng như từng bước tạo ra giá trị gia tăng từ gia công truyền thống. Nếu có chiến lược kinh doanh công nghiệp sáng tạo, sớm hình thành viện thiết kế nội thất, sẽ làm lực đẩy cho ngành chế biến gỗ tạo những giá trị gia tăng, giúp DN đạt giá trị thặng dư cao hơn. Vấn đề là làm thế nào để ngành này sớm gia tăng được 2 giá trị trên, tạo nên những mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh phát triển bền vững.

Đó là một chiến lược phát triển và tầm nhìn xa, để biến Việt Nam trở thành một trung tâm nội thất của thế giới. Trong đó, từng thành viên (Nhà nước, hiệp hội, DN) có vai trò liên đới trong việc triển khai các kế hoạch. Sự phân công cần được cụ thể hóa để có trách nhiệm và hỗ trợ nhau khi thực thi.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), tổng hợp các giải pháp cốt lõi từ phát biểu của các diễn giả: Đảm bảo tuân thủ gỗ hợp pháp với vai trò chủ đạo là yêu cầu của pháp luật, thị trường và 2 thành tố quan trọng là sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm. Với sự đầu tư công nghệ mới, hơn bao giờ hết, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực quản lý và công nhân kỷ thuật là rất cần thiết. Một trung tâm triển lãm cho các ngành kinh tế quốc dân là nhu cầu cấp bách.

Cả 3 giải pháp này cần có sự tác động của Nhà nước. Thời gian qua, việc khai thác các giá trị trong chuỗi giá trị sản xuất chưa được các DN chưa quan tâm đúng mức như: Thiết kế, thương hiệu, thương mại và công nghiệp hỗ trợ. Đây là 4 giải pháp mà các DN cần chú trọng khai thác trong thời gian tới. Điều quan trọng là phải giữ vững chiến lược, cần thời gian và có chương trình hành động cụ thể.