Vốn cho doanh nghiệp: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phi ngân hàng

Theo Trần Liễu/baoquocte.vn

Tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn cao trong khi tỷ trọng nguồn vốn trung và dài hạn thấp khiến nền kinh tế không đủ nguồn lực bảo đảm phát triển bền vững. Thị trường vốn vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng. Bởi vậy, gia tăng vai trò của nguồn vốn phi ngân hàng trong thị trường là rất quan trọng để phát triển kinh tế bền vững.

 Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phi ngân hàng. Nguồn: Internet
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phi ngân hàng. Nguồn: Internet

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - ViEF 2018 chuyên đề thị trường vốn - tài chính với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam - Giải pháp và thách thức” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Minh bạch thị trường cổ phiếu, chứng khoán

Tới thời điểm hiện tại, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, tỷ lệ vốn hóa từ các thị trường như bất động sản, chứng khoán… còn hạn chế. Cấu trúc thị trường trái phiếu mất cân bằng.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 31/2/2016, có đến 53% doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam không có lợi nhuận. Một trong những nguyên nhân là thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp hiện nay hoạt động chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, dự án đầu tư có vốn chủ sở hữu thấp, do đó chi phí tài chính rất cao.

Trong nỗ lực tái cấu trúc nguồn vốn, việc giảm dần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tăng nguồn vốn từ các tổ chức tài chính phi ngân hàng và từ thị trường vốn, nâng cao năng lực vốn dài hạn cho các doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch của thị trường cổ phiếu, trái phiếu được nhiều diễn giả nhắc đến.

Về nhóm giải pháp minh bạch hóa thị trường cổ phiếu, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, Việt Nam có thể tự hào khi giá trị vốn hóa đã tăng mạnh trong thời gian qua nhưng thực chất thị trường vẫn còn quá nhiều sự không minh bạch. Rất nhiều đợt chào bán cổ phiếu cũng như giao dịch trên thị trường thứ cấp có sự thao túng làm nản lòng các nhà đầu tư. Giải pháp sắp tới đặt gánh nặng lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước là có những hình phạt tương xứng để giảm thiểu tình trạng thao túng và siết chặt hơn quy định về công bố thông tin.

Nhóm giải pháp thứ hai là làm sao để trái phiếu doanh nghiệp thực chất là một thị trường vốn minh bạch? Điều này cần sự vào cuộc đánh giá của các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế có uy tín. Tiếp theo là quy định bắt buộc muốn phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố thông tin và có đánh giá tín nhiệm, niêm yết sau khi phát hành trái phiếu.

Cũng nói về giải pháp tái cấu trúc thị trường, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital đề cao môi trường pháp lý, chính sách minh bạch để gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho thị trường. Giám đốc điều hành VinaCapital cũng cho rằng, Việt Nam có thể chỉ định một quỹ ủy thác hoặc cơ quan ủy thác đứng ra trong việc mua bán trái phiếu của doanh nghiệp, tạo cảm giác thoải mái và an tâm khi nhà đầu tư mua trái phiếu, chứng khoán, cổ phiếu dưới những dạng thức đa dạng, đồng thời cần có môi trường pháp lý và chính sách minh bạch.

Hợp pháp hóa nguồn vốn phi chính thức

Tuy nhiên, nhóm giải pháp thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu vẫn chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp lớn, còn 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn phải tiếp cận vốn ngân hàng với những đòi hỏi khắt khe về tài sản đảm bảo hay buộc phải tìm đến những nguồn vốn phi chính thức khác với chi phí cao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần tái cấu trúc doanh nghiệp Việt nhấn mạnh, vốn thực của các SME chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa người thân trong gia đình, bạn bè. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức. “Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “cho vay vốn” trên Internet sẽ ra 20 triệu kết quả. Thị trường có nhiều loại hình cho vay, nhưng chi phí tương đối cao”, ông Hùng cho biết.

Đề cập đến giải pháp, ông Hùng mong Chính phủ có thể tạo ra khung pháp lý để giúp SME tiếp cận nguồn vốn này một cách hợp lệ bởi hiện nay, theo tính toán, chi phí sử dụng vốn không chính thức lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ.

Việc phát triển thị trường vốn thứ cấp, áp dụng công nghệ hiện đại để các SME có thể tiếp cận vốn phi chính thức cũng được các diễn giả đề cập. Theo ông Xuân Thành, có thể áp dụng công nghệ như blockchain để những tài sản của SME mà trong những kênh tín dụng chính thức không thế chấp được thì với công nghệ mới, những tài sản đó vẫn thế chấp được để vay vốn.

Ông Kim Hùng cho rằng, cần số hóa nền kinh tế, phát triển các thị trường vốn thứ cấp, các khoản tiền nhàn rỗi trong dân sẽ được sử dụng công nghệ số hóa như: blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hành trên một nền tảng nào đó phù hợp cho từng nhóm các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực. Những chuỗi cung ứng cùng nhau có thể chia sẻ tài sản với nhau, đồng vốn được đưa vào sử dụng hiệu quả. Thứ hai là nên có giải pháp để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Nếu làm được như vậy thì sẽ giảm áp lực cho ngân hàng. “Bởi trên thực tế, doanh nghiệp vẫn đang “đi cửa sau” để có được những nguồn vốn đó. Vậy thì có lý do gì để chúng ta không chính thức hóa thị trường vốn này và có biện pháp kiểm soát nó đi đúng hướng?”, ông Kim Hùng nhấn mạnh.