Vượt rủi ro từ làn sóng vốn FDI dịch chuyển

Theo Nhật Linh/vnbusiness.vn

Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc đón làn sóng vốn FDI dịch chuyển, tuy vậy bên cạnh những cơ hội sẽ có những rủi ro đi kèm như sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp nội ở "sân nhà" sẽ gay gắt, nguy cơ giả mạo xuất xứ hàng Việt xuất khẩu để tận dụng ưu đãi thuế quan lớn hơn...

Để chen chân vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp ô tô là câu chuyện khó với rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. 
Để chen chân vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp ô tô là câu chuyện khó với rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. 

Trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đặc biệt nhấn mạnh tới kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng quan trọng đối với dòng vốn FDI. Vốn thực hiện 6 tháng đầu năm đã vượt mức cùng kỳ 2019 (9,1 tỷ USD).

Sức ép cạnh tranh ở "sân nhà" sẽ gay gắt

Trong đó, một trong những điểm đáng chú ý khi phân tích về dòng vốn FDI, ông Dương đã đề cập tới việc khu vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm nay. Theo chuyên gia từ CIEM, những năm trước đây, khu vực bất động sản chỉ xếp thứ 3 ở danh mục ngành, lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nhất, nhưng nay đã vươn lên vị trí thứ 2.

"Câu chuyện không có gì đáng bàn khi cũng trong những tháng đầu năm nay nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước đang gặp khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị siết chặt, liệu rằng khi dòng vốn FDI đổ mạnh vào bất động sản có gây sức ép gì tới sức cạnh tranh của chính doanh nghiệp nội hay không", ông Dương chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Anh Dương, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng tích cực một phần do Việt Nam tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu ra khỏi Trung Quốc. Quá trình dịch chuyển này là do nhà đầu tư muốn thay đổi cách thức đầu tư, đa dạng hóa sản xuất, hướng đến mục tiêu gần với thị trường tiêu dùng. Đây là cơ hội rất tốt đối với Việt Nam nhưng chúng ta cũng cần chú ý sức ép cạnh tranh, sự tham gia của doanh nghiệp nội địa vào các chuỗi giá trị của khu vực FDI.

Thực trạng này cũng đã được bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đặt ra. Cụ thể, với ngành sản xuất xe máy, chuỗi của Honda nội địa hóa thành công nhất vì doanh nghiệp Việt chiếm số đông cung cấp linh kiện cho tập đoàn này. Tuy nhiên sang Piaggio, tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn.

Đối với lĩnh vực ô tô, hiện chỉ có 6 doanh nghiệp Việt cung cấp sản phẩm cơ khí, nhựa cho Toyota. Với ngành điện tử, đây là lĩnh vực doanh nghiệp FDI đầu tư vào nhiều nhưng tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Samsung vào Việt Nam kéo theo rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hàn Quốc, trong khi doanh nghiệp Việt Nam trước đó chưa làm lĩnh vực này bao giờ, nên xét về kinh nghiệm, kỹ năng, giá thành không đủ cạnh tranh để vào chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Bình cho rằng nếu không sớm có chính sách rõ ràng và chủ động trong phát triển các nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam thì có thể 5 năm tới, doanh nghiệp Việt khó có cửa.

Bà Bình cho hay từ trước đại dịch đã có nhiều nhà sản xuất linh kiện cung ứng lớp 1 trong ngành ô tô của Indonesia, Thái Lan sang Việt Nam tìm hiểu thị trường. Họ thấy thị trường chưa đủ lớn nên chưa rót vốn ngay. Tuy nhiên vài năm nữa, khi dung lượng thị trường lớn hơn, những doanh nghiệp này sẽ nhảy sang. Với sản lượng sản xuất quy mô lớn, lãi vay thấp, bề dày quản trị và kinh nghiệm hàng chục năm sẽ giúp họ dễ dàng giành cơ hội của những nhà cung ứng nội địa hiện có.

Chặn nguy cơ giả mạo xuất xứ

Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng cho hay, một trong những điểm hấp dẫn để thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam là việc chúng ta có thuận lợi lớn từ các hiệp định thương mại tự do. So với các nước Đông Nam Á khác, hàng hoá sản xuất tại Việt Nam có thể bán tới nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, EU... mà không phải chịu một mức thuế quá đắt đỏ.

Cụ thể, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM lưu ý tới dòng chảy của vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Vị chuyên gia này khuyến nghị Việt Nam cần thận trọng đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, cần giám sát chặt nguồn gốc xuất xứ của hàng Việt Nam xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ. Tuyệt đối tránh tình trạng, vốn ngoại vào Việt Nam chỉ để núp bóng, nhập hàng về gia công đơn giản để lấy nguồn gốc xuất xứ, đội lốt hàng Việt nhằm né tránh các đòn trừng phạt về thương mại.

"Chúng ta cần tỉnh táo tận dụng cơ hội, vượt qua rủi ro bằng cách quản lý phân tích kỹ các nguy cơ. Sớm hay muộn, chúng ta cũng cần tìm câu trả lời để chặn nguy cơ này trong bối cảnh dòng vốn FDI vẫn đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc", ông Doanh chia sẻ. 

Thực tế này không còn là cảnh báo khi ngành gỗ đang phải đối diện với khó khăn kép do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc. Đặc biệt là tại Mỹ - một thị trường lớn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam - sự biến động của thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành. Xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm nay tăng 3%, trong đó, xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng hơn 10% nhưng tại trường Mỹ lại giảm.

Không chỉ ngành gỗ, với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc công ty TNHH Việt thắng Jean (VitaJean) cũng đặt ra lo ngại về việc sản phẩm dệt may Việt Nam bị đội lốt xuất xứ khi xuất khẩu sang Mỹ, EU.

"Một số khách hàng Mỹ không lựa chọn sản phẩm Trung Quốc, chuyển hướng sang Việt Nam. Đây là thông tin vui nhưng nếu Việt Nam không giám sát chặt nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp không làm ăn chuẩn chỉnh thì sẽ bị họ điều tra chống bán phá giá", ông Việt cảnh báo.

Theo lãnh đạo VitaJean, nếu thực trạng này xảy ra sẽ rất nguy hiểm với ngành dệt may vì Mỹ hay châu Âu sẽ điều tra kỹ, nếu không chứng minh được thì bị áp thuế rất cao. Doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch sẽ hại các doanh nghiệp chân chính, thậm chí cả ngành hàng.

Theo đó, cần giám sát chặt điều này, vì hiện nay hoạt động trong ngành ông Việt nhận thấy đã xuất hiện những dấu hiệu về việc giả mạo xuất xứ, chuyển đổi xuất xứ để lấy xuất xứ của hàng dệt may Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.