Xây dựng đồng bộ hệ thống cảng nội địa

Theo Thành Nam, Hà Nguyễn/Báo Thời Nay

Trong hệ thống kho cảng của TP. Hồ Chí Minh, mạng lưới cảng thủy nội địa đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng và năng lực của ngành dịch vụ logistics. Tới đây, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy nhanh nâng cấp các tuyến luồng, cảng và bến cảng thủy nội địa phù hợp quy hoạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Cụm cảng Trường Thọ mang lại hiệu quả rất lớn từ cảng nội địa.
Cụm cảng Trường Thọ mang lại hiệu quả rất lớn từ cảng nội địa.

Vai trò đầu tàu

Những ngày cuối tháng 10/2021, sau khi TP. Hồ Chí Minh dần mở cửa trở lại khi dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế và kiểm soát, hằng ngày đã có nhiều xe tải, xe container nối đuôi nhau vào khu vực cụm cảng Trường Thọ để giao nhận hàng.

Theo Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, với lợi thế ba mặt giáp sông Sài Gòn, cụm cảng Trường Thọ là trung tâm kết nối hàng hóa với hai cụm cảng Cát Lái, cụm Cái Mép - Thị Vải và được xem là cụm cảng cạn lớn nhất Việt Nam. Mặc dù cụm cảng này sẽ được di dời theo quy hoạch của thành phố nhưng Trung tâm xếp dỡ container cảng thủy nội địa mới vẫn sẽ được đặt tại TP. Thủ Đức.

Trong khi đó, tại cảng Terminal Cát Lái Giang Nam (trong cảng Cát Lái), hiện Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV đã đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa với diện tích bãi container gần 30 ha, cầu cảng chiều dài gần 200 m, đáp ứng tàu có tải trọng đến 2.200 tấn.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, theo kế hoạch phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, cảng này sẽ được mở rộng thêm 20 ha. Dự báo năng lực thông qua hàng hóa sẽ đạt 130.000 - 195.000 TEU. Năng lực thông qua hàng hóa năm 2030 trở đi 294.000 - 392.000 TEU.

Trao đổi ý kiến với phóng viên báo Thời Nay, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, cảng cạn ICD là một mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức; đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa thương mại, hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống cảng biển thành phố hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng và năng lực của ngành dịch vụ logistics. Những cảng này có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến và có khả năng thực hiện tích hợp nhiều dịch vụ logistics trọn gói…

Theo ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP. Hồ Chí Minh, phương thức vận tải đường thủy đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy nội địa và kết nối với các cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, cảng thủy nội địa hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa container từ sâu trong nội địa cho các tàu biển lớn và ngược lại, khi mà các luồng bị bồi lắng, không đạt độ sâu để cho tàu biển vào sâu trong nội địa. 

“TP. Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh nâng cấp các tuyến luồng, cảng và bến cảng thủy nội địa phù hợp quy hoạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, từ đó, phát huy tối đa năng lực vận chuyển hàng hóa cho các cảng biển”, ông Hà Ngọc Trường góp ý.

Thu hút đầu tư, nâng cấp cảng thủy nội địa

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản, cảng thủy nội địa có vai trò chủ đạo trong việc kết nối, trung chuyển hàng hóa, container giữa đường bộ với đường thủy để đến các cảng biển nhanh chóng và thuận lợi.

Việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy qua các cảng này góp phần giảm tải giao thông vận tải hàng hóa bằng đường bộ, giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống cảng thủy nội địa chưa được đầu tư theo quy hoạch là một trong những nguyên nhân chính khiến hệ thống này đang bị lãng phí dù giao thông vận tải đường bộ tắc nghẽn. 

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho biết, để phát triển hệ thống cảng thủy nội địa thời gian tới, trong đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030” mà UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành đã dành rất nhiều “đất” cho phát triển giao thông thủy, với tổng vốn đầu tư cho hệ thống các cảng trên địa bàn gần 22.100 tỷ đồng. 

Đặc biệt, trước tình trạng quá tải hàng hóa tại cụm cảng Trường Thọ, TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch di dời cụm cảng này sớm nhất vào năm 2022. Việc di dời này sẽ thực hiện song song việc xây dựng cụm cảng trung chuyển ICD Long Bình. Để sớm xây dựng cảng ICD Long Bình, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND TP. Thủ Đức khẩn trương lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án song song việc triển khai xây dựng khu đô thị Trường Thọ. 

Về nguồn vốn đầu tư, kinh phí thực hiện sẽ được huy động từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trung ương, vốn vay ODA, vốn doanh nghiệp… Trong đó, khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…

Đánh giá cao vai trò của hệ thống cảng thủy nội địa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo, cần nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nâng cấp, xây mới và bố trí các thiết bị cần thiết như cần cẩu để có thể vận chuyển hàng container lên tàu và từ tàu ra cảng biển.

Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển các đội tàu, hình thành công ty, tổng công ty lớn về vận tải biển... Tới đây, các cảng biển lớn cần bố trí những vị trí thuận lợi để xây dựng cảng thủy nội địa, thực hiện chức năng gom container từ sâu trong nội địa cho các tàu biển lớn và ngược lại.