Xây dựng tiêu chí xác định lợi thế cạnh tranh tỉnh ở Việt Nam

Theo tapchicongthuong.vn

Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, các địa phương/tỉnh luôn cố gắng phấn đấu tận dụng những lợi thế cạnh tranh của chính mình để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, tiêu chí để xác định lợi thế cạnh tranh của địa phương/tỉnh thì chưa được các tỉnh quan tâm xác định rõ. Trong bài báo này, tác giả tiến hành nghiên cứu để có thể đưa ra những tiêu chí xác định lợi thế cạnh tranh của địa phương/tỉnh.

I. Sự tồn tại khách quan lợi thế cạnh tranh tỉnh

Lợi thế cạnh tranh quốc gia đã được nghiên cứu từ lâu trên thế giới. Trong số đại biểu nổi bật nghiên cứu về vấn đề này là M.Porter. Tư tưởng và quan điểm của M. Porter đã giúp nhiều quốc gia lý giải và vận dụng lợi thế cạnh tranh của mình trong quá trình phát triển kinh tế.

Porter cũng đã từng đến Việt Nam (2008) và có những khuyến nghị về chính sách và nhận dạng lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam. Tuy nhiên đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác, việc thảo luận về xác định lợi thế cạnh tranh ở cấp độ nhỏ hơn (vùng/tỉnh) chưa được nghiên cứu đúng mức. 

Porter cho rằng lợi thế cạnh tranh có nhiều cấp độ. Porter đã khái quát lợi thế cạnh tranh ở cấp độ quốc gia có thể được áp dụng vào cấp độ khu vực, bang và thành phố. Điều này có thể hiểu rằng, mở rộng những khái niệm, công cụ nghiên cứu từ cấp độ quốc gia đến cấp độ nhỏ hơn thuộc khu vực địa lý là có thể. Lý thuyết này cũng đã mở rộng dưới dạng liên kết các quốc gia, các khu vực địa lý rộng lớn hơn.

Một trường phái cho rằng không tồn tại lợi thế cạnh tranh quốc gia với đại diện là nhà kinh tế học nổi tiếng P.Krugman. Ông cho rằng lợi thế cạnh tranh của một quốc gia không thể định nghĩa như lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp.

Cạnh tranh quốc tế không thể đẩy một quốc gia ra khỏi hoạt động kinh doanh nếu họ không thành công giống như doanh nghiệp. Một quốc gia không thể bị phá sản như một doanh nghiệp. Krugman cho rằng không tồn tại lợi thế cạnh tranh quốc gia mà chỉ có lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp. Chính phủ đầu tư bất hợp lý với danh nghĩa “cải thiện tính cạnh tranh”. Điều này rõ ràng khi mà một Chính phủ không nhận ra đâu là yếu tố mang lại lợi thế hay năng lực cạnh tranh của mình.

Krugman cho rằng các chính phủ nêu vấn đề cạnh tranh chỉ là công cụ chính trị để biện minh cho những khó khăn hoặc né tránh chúng. Ông cho rằng “khả năng cạnh tranh là một khái niệm vô nghĩa bị lạm dụng để khai thác trong các chính sách được cho là tốt của các chính phủ. Sự vô nghĩa này khi áp dụng cho nền kinh tế quốc gia và điều này sai, nguy hiểm.

Việt Nam có 63 tỉnh và thành phố với sự phân cấp đáng kể trong việc điều hành kinh tế nói chung. Trong quá trình phát triển, các tỉnh đặc biệt chú trọng phát huy lợi thế của mình bao gồm cả lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Sự tồn tại khách quan của các lợi thế này đối với cấp tỉnh đã được thể hiện dưới nhiều hình thức, cũng như ở cả năng lực cạnh tranh.

- Lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh tỉnh: Sự phát triển của lợi thế so sánh ở mức tuyệt đối sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh tỉnh. Lý thuyết lợi thế so sánh chỉ gán cho mỗi nước một công việc một cách khiên cưỡng, gọi là phân công lao động toàn cầu.

Không lẽ các nước không đóng vai trò gì để cải thiện số phận đã được phân công cho mình? Với việc toàn cầu hóa đã đạt đến qui mô chưa từng có, nhưng vẫn còn đó những rào cản rất lớn như khác biệt văn hóa, cách trở địa lý, quyền lợi dân tộc... Chính sách bảo hộ của nhiều nước cho thấy, quyền lợi người dân gắn liền với sinh mệnh chính trị của các đảng phái làm cho lý thuyết lợi thế so sánh không phải lúc nào cũng đúng. 

Để đạt được lợi thế cạnh tranh, các nước và doanh nghiệp phải chủ động trong xây dựng các yếu tố, trong đó có một yếu tố quyết định là năng suất lao động. Từ việc nhận ra nhu cầu của thị trường, trước tiên là thị trường trong nước, kết hợp với các lợi thế trong lao động, tài nguyên, vốn liếng, kỹ thuật, một ngành công nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh nếu có năng suất lao động cao hơn ngành khác đồng thời những ngành công nghiệp liên quan hỗ trợ, địa lý, sự khác biệt hay chuỗi giá trị.

Lợi thế cạnh tranh càng củng cố nếu được sự hỗ trợ của chính quyền trong việc tháo bỏ những rào cản hành chính, xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, tiên liệu được để doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện mình qua cạnh tranh, nâng cao năng suất tổng thể.

- Lợi thế cạnh tranh tỉnh được hiểu là khả năng hoặc điều kiện mà một tỉnh hơn một tỉnh về một hay nhiều mặt nào đó. Bởi vì lợi thế còn có định nghĩa khác là điều kiện có lợi hơn người khác, bên khác; do đó lợi thế cần có đối tượng so sánh về một hay nhiều tiêu chí nào đó cấu thành lợi thế.

II. Xác định lợi thế cạnh tranh tỉnh

Đối với vai trò riêng của địa điểm đối với lợi thế cạnh tranh, Porter đề cập đến lợi thế cạnh tranh quốc gia. Đối với quốc gia, Porter cho rằng lợi thế cạnh tranh được tạo ra và duy trì thông qua một quá trình địa phương hóa cao độ. Yếu tố cấu thành và tác động đến lợi thế cạnh tranh quốc gia cũng tương tự như đến lợi thế cạnh tranh vùng/tỉnh.

Để hình thành nên lợi thế cạnh tranh tỉnh, cần xây dựng trong bối cảnh quốc tế hóa cao độ, khi mà những ngành công nghiệp đã phát triển và biên giới quốc gia về mặt địa lý đã bị xóa nhòa. Cùng với đó là nhiều ngành công nghiệp và yếu tố sản xuất tạo nên lợi thế cạnh tranh cũ đã không còn tồn tại. (Bảng 1)

Xây dựng tiêu chí xác định lợi thế cạnh tranh tỉnh ở Việt Nam - Ảnh 1Dựa trên cấu trúc hình thoi nổi tiếng của M.Porter về lợi thế cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh quốc gia, có thể thấy rằng để hình thành và xác định lợi thế cạnh tranh tỉnh cần có những yếu tố chủ yếu sau:Xây dựng tiêu chí xác định lợi thế cạnh tranh tỉnh ở Việt Nam - Ảnh 2

Vậy lợi thế cạnh tranh tỉnh hình thành từ những yếu tố vĩ mô của hình thoi nhưng cụ thể hóa vào thành những yếu tố đặc trưng của tỉnh. Những lợi thế cạnh tranh tỉnh này khác biệt hoặc tương đồng với lợi thế cạnh tranh quốc gia tùy thuộc vào từng yếu tố nhưng mang tính chất và quy mô nhỏ hơn và đặc trưng hơn so với quốc gia. 

Ngoài các yếu tố kể trên có thể nhận thấy một vài yếu tố khác như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, yếu tố hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam để xem xét các yếu tố vượt trội, hơn kém của tỉnh này so với tỉnh khác.

Vị trí địa lý: Tầm quan trọng của sự tập trung địa lí đặt ra những câu hỏi thú vị về việc liệu một tỉnh hay lãnh thổ có phải là đơn vị phân tích phù hợp? Những điều kiện làm nền tảng cho cạnh tranh thực tế thường được địa phương hóa trong một quốc gia, mặc dù ở những địa điểm khác nhau cho những ngành công nghiệp khác nhau.

Thực tế, lí do tại sao một thành phố hay khu vực nhất định thành công trong một ngành công nghiệp cũng được lí giải bằng chính những nhân tố trong “hình thoi”, chẳng hạn, đó là nơi tập trung những khách hàng khó tính nhất, nơi sở hữu những cơ chế tạo yếu tố sản xuất riêng có và nơi có nền tảng ngành cung cấp địa lí, cạnh tranh càng toàn cầu hóa càng làm cho vai trò của trụ sở chính quan trọng hơn, chứ không kém đi.

Tài nguyên thiên nhiên: Là sự dồi dào, chất lượng, khả năng tiếp cận và chi phí cho đất, nước, khoáng sản, năng lượng, biển hay những đặc điểm vật chất khác của tỉnh. Điều kiện khí hậu cũng được xem như một phần nguồn tài sản vật chất của tỉnh. 

Nguồn nhân lực: Số lượng, kĩ năng và chi phí tuyển dụng (bao gồm quản lý), tính cả những giờ làm việc tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp. Nguồn nhân lực có thể được chia ra thành vô số loại, như thợ sửa công cụ, kĩ sư điện với tiến sỹ, người lập chương trình ứng dụng,…

Khoa học công nghệ: Là nguồn kiến thức về khoa học, công nghệ và thị trường được chuyển hóa vào hàng hóa và dịch vụ. Nguồn kiến thức tập trung trong các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu tư nhân, cơ quan thống kê, các nghiên cứu khoa học và kinh doanh, các báo cáo và cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường, các hiệp hội thương mại và các nguồn khác.

Nguồn kiến thức khoa học và các lĩnh vực khác có thể chia nhỏ thành vô số ngành khoa học khác nhau. Thực tế sự phát triển của khoa học công nghệ và hạ tầng làm chi phí giao thông liên lạc giảm; giảm những rào cản đối với thương mại và cạnh tranh quốc tế đã làm nổi bật cho vai trò của những lợi thế địa lí đối với đổi mới trong ngành; thậm chí còn quan trọng hơn bởi vì các doanh nghiệp với lợi thế cạnh tranh thực sự sẽ thâm nhập thị trường khác dễ hơn.

Trong khi các yếu tố sản xuất cổ điển ngày càng dễ tiếp cận nhờ toàn cầu hóa, lợi thế cạnh tranh trong những ngành công nghiệp tiên tiến ngày càng được quyết định bởi khác biệt về kiến thức, kĩ năng và tốc độ đổi mới, phụ thuộc vào trình độ lao động và tập quán của tổ chức. Sự phát triển khoa học công nghệ làm thay đổi cấu trúc của cạnh tranh.

Vốn: Là tổng số và chi phí của vốn có thể sử dụng để tài trợ cho các ngành công nghiệp, dịch vụ. Vốn không đồng nhất, và có nhiều loại như nợ không bảo đảm và nợ có bảo đảm, trái phiếu “mạo hiểm” (rủi ro cao, lợi nhuận cao), cổ phiếu và vốn đầu tư mạo hiểm. Đi kèm theo mỗi loại có rất nhiều kỳ hạn và điều kiện.

Tùy theo nhu cầu quy mô vốn của một tỉnh, các loại vốn được sử dụng, chịu ảnh hưởng bởi tỉ lệ tiết kiệm và cấu trúc của thị trường vốn quốc gia. Còn đối với cấp tỉnh thì do yếu tố thu hút vốn đầu tư và cơ chế đủ hấp dẫn đối với dòng vốn này. Đây là những yếu tố khác nhau rất lớn giữa các địa phương. Toàn cầu hóa thị trường vốn, và sự luân chuyển vốn lớn giữa các quốc gia làm các điều kiện quốc gia dần dần trở nên giống nhau.

Tuy nhiên, những khác biệt cơ bản vẫn còn và dường như sự đồng nhất còn lâu mới xảy ra. Thị trường vốn về cơ bản hình thành ở tầm quốc gia và tác động đến các địa phương. Đối với mỗi địa phương, thu hút vốn đầu tư từ các thị trường vốn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đầu tư ở các khu vực ngoài nhà nước cho phát triển. Vốn của khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc vốn cho đầu tư phát triển mỗi địa phương.

Cơ sở hạ tầng: Loại, chất lượng và chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng đã có ảnh hưởng đến cạnh tranh, bao gồm cả hệ thống giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính, thanh toán chi trả, dịch vụ y tế,… Cơ sở hạ tầng cũng bao gồm nhà cửa và thể chế văn hóa, những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sống và sự hấp dẫn của một địa phương như một nơi để sinh sống và làm việc.

Doanh nghiệp của một địa phương giành được lợi thế cạnh tranh nếu họ có được những loại yếu tố sản xuất cụ thể với chi phí thấp hoặc chất lượng cao đặc biệt ảnh hưởng đáng kể đến cạnh tranh trong một ngành công nghiệp nhất định. Sự gắn kết giữa các ngành công nghiệp và những yếu tố sản xuất hiện hữu trong một địa phương là chủ đề chính của lý thuyết chuẩn về lợi thế cạnh tranh.

Khả năng cạnh tranh của tỉnh sẽ quyết định đến sự thịnh vượng của khu vực đó. Mặt khác, khả năng cạnh tranh này lại phụ thuộc vào năng lực sáng tạo để nâng cao năng suất. Theo M. Porter và một số nhà khoa học khác, cạnh tranh là tạo ra năng suất và năng suất là giá trị sản lượng do một đơn vị lao động hoặc vốn sinh ra, nó phụ thuộc vào chất lượng và đặc điểm của sản phẩm (yếu tố quyết định giá của sản phẩm).

Như vậy, có thể có thể xem xét: năng suất của người lao động? Năng suất của người nắm đồng vốn? Năng suất tỉnh (rộng hơn là vùng, địa phương hay quốc gia) được hiểu là mức sống tăng dần của xã hội phụ thuộc vào khả năng tăng năng suất theo thời gian của các doanh nghiệp, thể hiện cụ thể: năng suất của người lao động, năng suất của đồng vốn được sử dụng, nguồn thu nhập của quốc dân từ thuế để chi trả cho các dịch cụ công ích (y tế, giáo dục, an sinh xã hội...) góp phần đẩy mạnh nâng cao mức sống người dân. Có thể nói khả năng cạnh tranh và năng suất mới có thể đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế lâu dài.

Do đó, các nền kinh tế cần xây dựng và nuôi dưỡng môi trường kinh doanh kinh tế vi mô có tính cạnh tranh, cho phép các doanh nghiệp cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc giải phóng sức cạnh tranh trong nội bộ. Đồng thời, năng suất cũng là yếu tố quyết định năng lực và lợi thế cạnh tranh của một ngành hay một tỉnh. Đây là mối quan hệ có sự tương hỗ lẫn nhau và là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của tỉnh hay một ngành.

Thể chế: Để có thể xây dựng và nuôi dưỡng môi trường kinh doanh kinh tế vi mô có tính cạnh tranh cần biết được một tỉnh đang ở giai đoạn phát triển kinh tế nào với các ưu tiên chính sách khác nhau. Nền kinh tế lấy điều kiện sẵn có làm động lực tạo ra giá trị nhờ khai thác tài nguyên và các điều kiện sẵn có, do đó sẽ không đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Giai đoạn hai nền kinh tế sẽ dựa vào nguyên vật liệu đầu vào để tạo ra hàng hóa và dịch vụ có giá trị hơn. Còn giai đoạn cuối cùng đó là tạo ra giá trị độc đáo cho nhiều khách hàng, giúp cho năng suất cao hơn thông qua tổng hợp các yếu tố.

Chính sách của chính phủ cũng như chính quyền địa phương như luật pháp, điều kiện thị trường tài chính, chi phí yếu tố sản xuất và nhiều đặc trưng khác là giống nhau trong biên giới quốc gia. Các giá trị và chuẩn mực xã hội, chính trị cũng gắn với các tỉnh và chậm thay đổi.

Song, chính sự kết hợp giữa các điều kiện quốc gia và điều kiện tỉnh là thứ nuôi dưỡng lợi thế cạnh tranh. Chỉ riêng chính sách quốc gia là không đủ. Chính quyền tỉnh có thể đóng vai trò nổi bật trong phát triển ngành công nông nghiệp. Điều này càng đúng với các quốc gia có thể chế chính quyền liên bang và có sự phân cấp mạnh mẽ về quyền lực đối với chính quyền địa phương.

Cùng với định hướng rõ ràng các yếu tố lợi thế cạnh tranh tỉnh thì cũng khẳng định vai trò của các yếu tố lợi thế cạnh tranh đối với việc định hướng phát triển các ngành chủ lực trong tỉnh. (Bảng 2)

Xây dựng tiêu chí xác định lợi thế cạnh tranh tỉnh ở Việt Nam - Ảnh 3
Xác định lợi thế cạnh tranh của một quốc gia đã khó, xác định trong một không gian hẹp hơn là tỉnh trong bối cảnh Việt Nam còn khó hơn. Tuy nhiên sự tồn tại khách quan của lợi thế cạnh tranh tỉnh và việc chính quyền tỉnh phát huy những yếu tố lợi thế cạnh tranh đó trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mình. Xác định đúng để phát huy lợi thế cạnh tranh vừa là yếu tố khoa học, lại vừa là động lực cho các tỉnh phát triển mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, chính quyền và người dân.

Tài liệu tham khảo:
1. M. Porter (1990), Lợi thế cạnh tranh quốc gia, NXB Trẻ (sách dịch), Hà Nội.
2. M. Porter (1998), Lợi thế cạnh tranh, NXB Trẻ (sách dịch), Hà Nội.
3. P.Krugman (1994), Competitiveness: A Dangerous Obsession, Foreign Affairs, March/April 1994, Volume 73, No2
4. D.Acemoglu và J.Robinson (2013), Tại sao các quốc gia thất bại, NXB Trẻ, Hà Nội
5. Ngân hàng thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Việt Nam 2035, NXB Hồng Đức, Hà Nội