Xuất khẩu gỗ: Hướng tới mục tiêu 12,5 tỷ USD năm 2020

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các vụ việc cạnh tranh thương mại đã tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Vượt qua khó khăn, cùng với những nỗ lực của doanh nghiệp, ngành gỗ đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu từ 12,5 - 13 tỷ USD năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đạt gần 9 tỷ USD

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 15 ngày đầu tháng 9/2020 đạt 565,6 triệu USD, ước tháng 9 đạt 1,131 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019, trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng11,2 so với cùng kỳ.

Ngành gỗ hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD năm 2020
Ngành gỗ hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD năm 2020

 

5 thị trường xuất khẩu chính trong 8 tháng năm 2020 đạt 7,01 tỷ USD, chiếm 89,4% giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam là Hoa Kỳ; Nhật Bản; Trung Quốc; EU; Hàn Quốc.

Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - đánh giá, trong 9 tháng năm 2020, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, chế biến và giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản nhất là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các vụ việc cạnh tranh thương mại. Cụ thể, Bộ Thương mại (DOC) Hoa Kỳ đã quyết định khởi xướng điều tra, gửi bản câu hỏi khảo sát về số lượng và giá trị xuất khẩu ván dán sang Hoa Kỳ cho 55 doanh nghiệp Việt Nam và yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành và gửi câu trả lời về DOC trước ngày 24/9/2020. “Sau ngày 24/9/2020, DOC sẽ lựa chọn doanh nghiệp điều tra bắt buộc và tiến hành điều tra sơ bộ”, ông Nghĩa cho biết.

Một vụ việc khác liên quan cạnh tranh thương mại đó là Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá tạm thời với ván dán của Việt Nam. Ông Nghĩa cho biết thêm, việc Hàn Quốc điều tra, áp thuế tạm thời đối với xuất khẩu ván dán Việt Nam khiến xuất khẩu ván dán vào thị trường này có nhiều biến động. Cụ thể, 5 tháng đầu năm (Hàn Quốc chưa áp thuế chống bán phá giá tạm thời) giá trị xuất khẩu đạt 118 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019, sau khi áp thuế chống bán phá giá tạm thời, giá trị xuất khẩu ba tháng (tháng 6, 7 và 8) đạt 31,4 triệu USD, giảm 41,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - đánh giá, nhiều sóng gió như vậy nhưng xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2020 đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo, đồng hành chia sẻ của toàn ngành cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ. Sự sáng tạo trong bán hàng giúp doanh nghiệp cải tiến quản trị, hay đàm phán tìm kiếm khách hàng. Nhìn lại mục tiêu 7,5 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm 2020, hiện, ngành này đã vượt xa. Đây là cơ hội để ngành này đánh giá, xây dựng chiến lược cũng như thực hiện mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đưa ra đến năm 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt con số 20 tỷ USD. “Nếu chúng ta không cố gắng để đạt được kim ngạch xuất khẩu từ 12,5- 13 tỷ USD trong năm 2020, thì toàn ngành nông nghiệp cả nước khó đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ, xem xét những vấn đề về cơ chế chính sách và hài hòa hóa các quy định và thông lệ quốc tế để ngành gỗ phát triển bền vững hơn. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, góp phần có ý nghĩa vào việc phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.

Về phía Tổng cục Lâm nghiệp, ông Nghĩa cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội gỗ và lâm sản để có đánh giá cụ thể tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đạt mục tiêu xuất khẩu những tháng cuối năm 2020.

Đối với các vụ việc cạnh tranh thương mại, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương để hướng dẫn và kịp thời can thiệp theo thẩm quyền với phía bạn; phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội gỗ và lâm sản cùng chung tay với các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, có giải pháp ứng phó hiệu quả trong việc theo đuổi xử kiện thương mại của DOC, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời phát hiện và phản ánh kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, thương mại tới những cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, không làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành chế biến gỗ và lâm sản.

Kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại là vấn đề sống còn với ngành gỗ. Các Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, nắm bắt thông tin, kết nối với các cơ quan quản lý nhằm kiểm soát tốt tình hình.