Xuất siêu “dồn toa”

Theo Nguyễn Duy Nghĩa/saigondautu.com.vn

Tin lạc quan về xuất khẩu quý I/2020 đã đến, song đó là trên bề mặt, là thuần túy về con số, còn thực tế chúng ta đang phải đối mặt với việc “dồn toa” cho những tháng cuối năm.

 Xuất siêu của khối doanh nghiệp FDI là của nước ngoài sản sinh tại Việt  Nam.
Xuất siêu của khối doanh nghiệp FDI là của nước ngoài sản sinh tại Việt  Nam.

Sáng nhưng chưa tỏ 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), xuất khẩu quý I/2020 tăng 0,5% so với cùng kỳ 2019. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một số lĩnh vực suy giảm khá mạnh nhưng xuất khẩu lại đạt 2,8 tỷ USD (lớn hơn xuất siêu của quý I/2019 là 1,5 tỷ USD), được coi là điểm sáng. Năm 2019, xuất khẩu đã sáng, năm nay quý mở màn lại sáng. Song điểm sáng này chỉ đúng về con số. 

Khi Quốc hội giao chỉ tiêu năm 2020 xuất khẩu phải tăng 7% so với 2019, đấy là chưa kể nếu vẫn chốt mốc kim ngạch 300 tỷ USD tỷ lệ tăng 11% của quý I mở màn chỉ tăng nửa phần trăm (0,5%) sẽ không có gì đáng nói. 

Đáng nói là việc hụt hẫng của quý I năm nay sẽ “dồn toa” cho 9 tháng còn lại, theo mức tăng 7% (bình quân mỗi tháng phải xuất khẩu 24,7 tỷ USD) đã khó. Chưa kể nếu theo mốc 300 tỷ USD, mỗi tháng bình quân phải xuất khẩu được 26,7 tỷ USD sẽ càng khó. Quý I vừa qua bình quân mỗi tháng chỉ xuất khẩu suýt soát 20 tỷ USD, đấy là khi tình tình dịch Covid-19 nửa đầu quý đã tạm “quy hàng”, còn như binh tình hiện thời chưa thể nói trước được diều gì.   

Bởi lẽ, trong quý I năm nay, chỉ riêng tháng 3 đã giảm 12,1% so với tháng 3/2019, và giảm 4,1% so với tháng 2/2020, dù tháng 3 nhiều ngày hơn tháng 2 và không vướng vào Tết Nguyên đán. Hay như ngay tháng 1, chưa dính dịch bệnh nhưng vẫn hụt 14% so với tháng 1-2019 (18,6 tỷ USD/21,5 tỷ USD), đây là điều phải lưu ý.

Cũng trong quý I, có 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì 2 nhóm giảm. Nhóm thứ nhất là nhóm nông thủy sản giảm 8,3% với 7/9 mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong 7 mặt hàng giảm có 5 loại gồm thủy sản - rau quả - cà phê - hạt tiêu - cao su giảm tới 2 con số. Riêng xuất khẩu gạo tăng nhưng không biết cảm thán, chia sẻ thế nào, có lẽ do tăng đáng ngờ vực, nên trong chỉ vài ngày điều hành lập tức  dừng - rồi không dừng - nhưng lại dừng. 

Nhóm thứ 2 là nhóm nhiên liệu khoáng sản cũng giảm 15,9% với 3/4 mặt hàng giảm. Duy nhất chỉ có than đá tăng “khủng” tới 527%, song giá trị chỉ 23 triệu USD. Nhóm công nghiệp chế biến chỉ tăng 1,7% vì có 21/32 mặt hàng trong nhóm giảm. Có 5 mặt hàng trong nhóm anh cả xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên, dệt may giảm 8.9%. giày dép giảm 1,9%.

Trong hình cảnh ấy, quý I-2020 lại xuất siêu 2,8 tỷ USD quả là hơi lạ. Phải viết “lại xuất siêu” vì năm 2019 xuất siêu kỷ lục tới 9,9 tỷ USD.

Mất cân đối

Thực tế từ nhiều năm nay cho thấy, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam được tạo nên bởi 2 thành phần chủ yếu là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối doanh nghiệp trong nước. Nên muốn rạch ròi số xuất siêu 2,8 tỷ USD trong quý I năm nay thiết nghĩ chỉ bằng 3 phép tính trừ. 

(1) Khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 7,2 tỷ USD (xuất khẩu 40,4 tỷ USD – nhập khẩu 33,2 tỷ USD). (2) Khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD (nhập khẩu 23 tỷ U SD – xuất khẩu 18,6 tỷ USD). (3) Xuất siêu 2,8 tỷ USD là hiệu số giữa xuất siêu của doanh nghiệp FDI 7,2 tỷ – số nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước 4,4 tỷ USD. 

Do đó, “chân dung” thặng dư thương mại quý I-2020 hiện hữu là vậy, không chỉ quý này mà mấy năm nay đã vậy. Nghĩa là khối bên ngoài liên tiếp hưởng thụ thặng dư, còn khối doanh nghiệp trong nước liền mạch hứng chịu thâm hụt. 

Nông phẩm khó về đầu ra, bị “quá lứa nhỡ thì”, nhà nông bất ổn, kinh tế sa sút, xuất nhập khẩu không ngoài vòng cương tỏa, trong khi xuất siêu con số vẫn cao như vậy, không biết nên mừng hay lo.

Ngay cả khi khối doanh nghiệp FDI được coi là một trong các thành phần của kinh tế Việt Nam, quyền sở hữu vẫn không thể nhập nhằng. Xuất siêu của khối doanh nghiệp FDI là của nước ngoài sản sinh tại Việt  Nam, đương nhiên thuộc quyền định đoạt của họ. Còn nhập siêu của khối doanh nghiệp Việt Nam mới thực là thâm hụt thương mại của chúng ta.

Điều này cũng đồng nghĩa nếu chúng ta bị “lẹm” phải tự mình gánh. Đấy mới thực chất của thương mại thuần Việt nhiều ý kiến cho rằng đó là thứ “bệnh kinh niên” và đến nay vẫn chưa chuyển biến đáng kể. 

Khi nhìn cảnh từng đoàn container chở hoa quả tươi ròng rã từ miền Nam ra Bắc, rồng rắn nằm chờ đợi trước cửa khẩu; rồi nguyên liệu đầu vào không về; hàng xuất khẩu đến thời hạn giao hàng, khách xin hoãn nhận, máy móc chờ người, người ngóng đơn hàng; Tết qua rồi, thợ thuyền vẫn rềnh rang ngồi chơi vì không có việc; cách ly xã hội; phố sá thưa thớt; chợ búa hôm vắng hoe, phiên nháo nhác… không lo lắng sao được. 

Nông phẩm khó về đầu ra, bị “quá lứa nhỡ thì”, nhà nông bất ổn, kinh tế sa sút, xuất nhập khẩu không ngoài vòng cương tỏa, trong khi xuất siêu con số vẫn cao như vậy, không biết nên mừng hay lo.