An Giang kiểm soát vận chuyển lợn ở khu vực biên giới

Theo Thanh Sang/TTXVN

UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc, sát trùng phương tiện vận chuyển lợn.
Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc, sát trùng phương tiện vận chuyển lợn.

Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh An Giang yêu cầu sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua khu vực biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Việc làm này nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới Việt Nam - Campuchia từ đây đến cuối năm, đặc biệt là dịp lễ, tết.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không đảm bảo an toàn. Cách làm này nhằm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn từ An Giang qua Campuchia và ngược lại.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trường hợp bắt giữ lô hàng động vật, sản phẩm động vật, nhất là thịt lợn vận chuyển bất hợp pháp phối hợp cơ quan thú y, cơ quan liên quan xử lý ngay theo quy định; trong đó, gửi mẫu đến Chi cục Thú y vùng VII xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan thú y thanh tra, kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến, kho bảo quản sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Danh sách, địa chỉ cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh vi phạm được công khai trên phương tiện truyền thông.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung truyền thông về nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn nhập khẩu trái phép ra, vào địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, những tháng cuối năm, nhất là dịp lễ, tết ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường biện pháp vệ sinh, sát trùng phương tiện vận chuyển theo quy định qua lại tại các cửa khẩu biên giới.

Cơ quan này phối hợp cơ quan chức năng xử lý trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào trên địa bàn tỉnh nhất là khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm 2019 đến ngày 5/10/2019, tỉnh An Giang ghi nhận 1.223 điểm dịch tả lợn châu Phi, xảy ra tại 129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/11 huyện, thị xã, thành phố.

Hiện 47 xã, thị trấn dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng chưa tái phát bệnh và 29 xã, phường dịch tả lợn châu Phi qua 30 ngày nhưng lại tái phát bệnh với tổng số lợn bị tiêu hủy 5.520 con. Đến hết ngày 5/10/2019, tỉnh An Giang tiêu hủy gần 28.000 con lợn mắc bệnh tả châu Phi, tổng trọng lượng lợn tiêu hủy gần 1,8 triệu kg.

Theo ông Trần Tiến Hiệp, hiện ngành nông nghiệp tỉnh An Giang khuyến cáo người dân trên địa bàn tỉnh cẩn trọng trong việc tái đàn lợn vì virus dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa bị khống chế, chưa có vắc xin phòng bệnh.

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh tả lợn châu Phi, tiếp theo là ở các xã đã hết dịch bệnh (ổ dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày) và ưu tiên tái đàn ở các trang trại lớn đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Hiện tỉnh An Giang có nguồn con giống đủ cung cấp cho các cơ sở, hộ nuôi trên địa bàn tỉnh tái đàn lợn. UBND tỉnh An Giang đã có quyết định hỗ trợ mua gần 2.000 con lợn cái giống chất lượng cao cho người dân tái đàn lợn.