Ảnh hưởng của COVID-19 đến thị trường lao động và một số giải pháp khắc phục

ThS. Hoàng Thị Dung, Trường Đại học Quảng Bình/tapchicongthuong.vn

Ðại dịch COVID-19 đã và đang tác động lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta. Lúc này, những yêu cầu về nguồn nhân lực, lao động và việc làm luôn được đặt lên hàng đầu nhằm tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin dự báo thị trường lao động và chất lượng dịch vụ việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động cả về quy mô, chất lượng lao động; đổi mới chế độ tuyển dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước và đổi mới sáng tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết phân tích những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động và đề xuất một số giải pháp.

1. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường lao động

1.1. Tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp - nguồn cầu lao động

Dịch Covid-19 tác động mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm 2020, 33,4% doanh nghiệp đã phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động so với cùng kỳ năm trước là 36,4%.

Tính chung 9 tháng cuối năm 2020, những ngành có số lao động sụt giảm đáng kể như: ngành Vận tải hàng không và ngành Du lịch giảm 30,4%; ngành Dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; ngành Hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí giảm 17,4%; ngành Ăn uống giảm 15,4%; ngành Xây dựng giảm 14,1%.

Trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp được khảo sát tính đến thời điểm 10/9/2020, có 7,8% lao động bị giảm lương, 50% lao động giãn việc/nghỉ luân phiên và 2,4% lao động tạm nghỉ việc. Tỷ lệ lao động bị giảm lương trong các doanh nghiệp thuộc ngành Vận tải hàng không là cao nhất, 99,5%; ngành Du lịch là 43,2%; ngành Dịch vụ lưu trú là 27,8%.

Trong tháng 3/2021, cả nước có 11.171 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 113 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,8 nghìn người, tăng 39% về số doanh nghiệp, giảm 37,1% về vốn đăng ký và tăng 27,8% về số lao động so với tháng 2/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,1 tỷ đồng, giảm 54,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước còn 4.529 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước; 2.213 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 38,4% và giảm 9,7%; 3.458 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 32,7% và tăng 24,2%; 1.608 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 7,2% và tăng 22,2%.

Tính chung quý I/2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245,6 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đạt 15,3 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 525,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2021 là 973,1 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 14,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2021 lên 44 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong quý I/2021, có 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 23,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; 11,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; 5,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 26,4%. Trung bình mỗi tháng có 13,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là một con số rất lớn với số lượng người lao động sẽ mất việc làm và mất cơ hội tìm việc trên thị trường lao động.

1.2. Tác động của Covid-19 đến người lao động - nguồn cung lao động

Trong quý I/2021, tình hình lao động, việc làm cả nước chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 1. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với quý I/2020.Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2021 ước tính là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2021 ước tính đạt 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý I/2021 ước tính là 49,9 triệu người, bao gồm 14,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 28,2% tổng số, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,1 triệu người, chiếm 32,3%, giảm 2,6%; khu vực dịch vụ 19,7 triệu người, chiếm 39,5%, tăng 1%.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2021 ước tính là 2,19%, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,96%; khu vực nông thôn là 1,76%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2021 là 2,42%, trong đó khu vực thành thị là 3,19%; khu vực nông thôn là 1,98%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2021 ước tính là 7,44%, trong đó, khu vực thành thị là 10,34%; khu vực nông thôn là 5,99%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 ước tính là 2,20%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,52%; khu vực nông thôn là 2,60% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2020 tương ứng là 1,98%; 1,07%; 2,47%).

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2020 là 5,5 triệu đồng, tăng 258 nghìn đồng so với quý trước và giảm 115 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 83 nghìn đồng).

Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức trong 9 tháng cuối năm 2020 là 5,5 triệu đồng, thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức (8,4 triệu đồng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức giảm 1,9%, thu nhập của lao động phi chính chính thức giảm 0,8%.

Lao động có thâm niên làm việc càng cao thì mức giảm thu nhập càng thấp. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập 9 tháng cuối  năm 2020 của nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 năm trở lên có tốc độ giảm thấp nhất (giảm 0,6%), trong khi nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 tháng đến dưới 3 năm giảm 3,8%, nhóm lao động có thời gian làm việc dưới 3 tháng giảm 42,6%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị giảm so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2020 là hơn 1,2 triệu người, giảm 63,0 nghìn người so với quý trước và tăng 148,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2020 là 2,5%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 61,7%, cao hơn 23,2 điểm phần trăm so với nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật (38,5%). Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp trong 9 tháng cuối năm 2020 là 437,4 nghìn người, chiếm 35,4% tổng số người thất nghiệp (giảm 7,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 9 tháng cuối năm 2020 là 7,07%, tăng 0,45 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19. Đồng thời việc các doanh nghiệp gặp khó khăn phải thực hiện giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 như cắt giảm lao động, giảm lương đặc biệt với các ngành Vận tải hàng không là cao nhất, 99,5%; ngành Du lịch là 43,2%; ngành Dịch vụ lưu trú là 27,8%. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lao động.

2. Một số giải pháp khắc phục ảnh hưởng dịch Covid-19 đến thị trường lao động

Tác động của đại dịch Covid -19 đã khiến lao động gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tham gia thị trường lao động và đóng góp trong chuỗi sản xuất hàng hóa và dịch vụ.  Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất góp phần cải thiện tình hình lao động việc làm, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid -19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid -19 trong năm 2020. Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của đại dịch Covid -19, nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hai là, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP) của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-9 như ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Vận tải… Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu mới; đẩy mạnh kết nối cung, cầu lao động trong nước, gắn với thị trường lao động quốc tế. Đồng thời cũng hỗ trợ các nhóm lao động, bao gồm lao động chính thức và phi chính thức trong các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh (dân doanh, tư nhân/tổ hợp tác/hợp tác xã).  Ngoài ra có thể xem xét và xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho các nhóm lao động yếu thế (phụ nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức) để giúp họ có cơ hội tìm kiếm được việc làm.

Ba là, doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới. Các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức sắp xếp công việc để bảo vệ sức khỏe của người lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo điều tra lao động việc làm quý I năm 2020. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/08/BC-LDVL-Quy-1.2020pdf.
  2. Tổng cục Thống kê (2020d), Báo cáo điều tra lao động việc làm quý II năm 2020, truy cập tại  https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/08/BCLDVL_Q2.2020_finalf.pdf.
  3. Tống cục Thống kê (2020), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2020, truy cập tạihttps://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/10/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iii-va-9-thang-nam-2020/.
  4. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo kết quả kinh tế- xã hội quý I/2021, truy cập tạihttps://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/03/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-i-nam-2021