Bán hàng đa cấp nở rộ và biến tướng

Theo Bùi Phú/enternews.vn

Trong những năm qua, cơ quan quản lý đã xử phạt, rút giấy phép nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp biến tướng. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng bán hàng đa cấp lại phát triển sang nhiều hình thức khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp đa cấp trở lại

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CTVBVNTD), Bộ Công Thương, sau kiểm tra chuyên ngành đã liên tiếp đưa ra 2 cảnh báo về các sai phạm trong bán hàng đa cấp.

Cụ thể, Cục CTVBVNTD đã xử phạt 605 triệu đồng và quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Công ty TNHH Morinda Việt Nam (địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội; bán hàng đa cấp sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm).

Nguyên nhân do doanh nghiệp này vi phạm quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về trách nhiệm thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; về vận hành và cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt để cung cấp thông tin về doanh nghiệp (DN) và hoạt động của DN; vi phạm quy định về trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, công ty vi phạm quy định về lưu hành hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không có đầy đủ thông tin cơ bản; trách nhiệm thông báo sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi.

Công ty cũng vi phạm quy định trách nhiệm thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký; về cấm duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng, vị trí kinh doanh, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương...

Đặc biệt, công ty này đã cung cấp thông tin gian dối trong hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Mới đây, Công ty đa cấp Mỹ phẩm Thường Xuân (phân phối Oriflame) đã chấm dứt hoạt động. Đây từng là một trong 4 công ty đa cấp có doanh thu lớn nhất Việt Nam, nhưng cũng có nhiều  vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp

Cục CTVBVNTD cũng cảnh báo người dân cảnh giác với tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global. Hiện nay Cục CTVBVNTD chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho DN, tổ chức nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global, nhưng đã có hàng loạt hội nghị, hội thảo giới thiệu về các sản phẩm và mời gọi người tham gia vào mạng lưới này.

Luật không theo kịp biến tướng

Báo cáo mới nhất của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết, tính đến hết tháng 6-2019, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, tổng số lượng người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là 817.034 người, giảm 35% so với cuối tháng 12 năm 2018.

Trong đó, chỉ có 294.877 người có hoạt động bán hàng và có hoa hồng (chiếm 36%). Số người tham gia còn lại nhiều khả năng chỉ ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp để được mua hàng với mức giá ưu đãi dành cho người tham gia mà không có hoạt động bán hàng.

Tính đến tháng 1/2020, trên thị trường chỉ còn 23 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, giảm mạnh so với những năm trước.

Nguyên nhân được cho là bởi cơ quan quản lý đã siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, xử phạt nặng hàng loạt doanh nghiệp đa cấp vi phạm. 

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa kiểm soát được những hình thức lách luật tinh vi của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo.

Về cơ bản, Nghị định 40/2018/NĐ-CP nhìn nhận bán hàng đa cấp là là một hình thức bán lẻ hàng hóa: Công ty bán hàng đa cấp có thể là công ty trực tiếp sản xuất và tiếp thị, bán lẻ sản phẩm hoặc phân phối hàng hóa do các công ty khác sản xuất. Công ty đa cấp bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới tiếp thị.

Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện nhiều loại hình đa cấp khác, như kêu gọi vốn đầu tư với đối tượng không phải là hàng hóa. Cụ thể như đầu tư tiền vào các dự án tài chính, khóa học, ví điện tử… đây là hình thức đầu tư đa cấp nhưng không mua bán hàng hóa thực sự, sử dụng công nghệ số, thương mại điện tử - là những lĩnh vực không thuộc phạm vi quản lý của Nghị định 40/2018/NĐ-CP – để qua mặt cơ quan điều tra, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Nhiều hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép (không đăng ký hoạt động chính thống) cũng có xu hướng phát triển, đặc biệt là các hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động tài chính sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp trong khi Bộ Công Thương không có thẩm quyền quản lý các đối tượng này...

Không chỉ biến tướng trên nhiều lĩnh vực, tội phạm đa cấp cũng mở rộng mạng lưới hoạt động theo mô hình đa quốc gia, xuyên quốc gia. Chúng thường thành lập các "tập đoàn ma" tại một số quốc gia cởi mở trong các quy định của luật doanh nghiệp hoặc các "thiên đường thuế". Sau đó, các công ty này mở rộng chân rết lừa đảo đa cấp của chúng tới nhiều quốc gia khác, nhất là những nước có nền kinh tế đang phát triển, dân trí còn hạn chế, nhiều người dân còn thiếu hiểu biết. 

Hơn nữa, tồn tại nhiều mặt hàng đang đứng giữa ranh giới hợp pháp và bất hợp pháp như tiền kỹ thuật số, vàng ảo, penny stock cũng đang là điểm “cư ngụ” cho giới lừa đảo đa cấp tiến hành hoạt động.

Do đó, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, pháp lý, thực tiễn và nguồn nhân lực.

Do đó, người dân cần nhận thức rõ các dấu hiệu lừa đảo như mời chào tham gia đầu tư, nộp tiền, hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường; hay khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được thì đến lấy; kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không có sản phẩm hàng hóa.