Cải thiện môi trường kinh doanh: Đồng bộ các quy định pháp luật

Theo Bùi Việt/congthuong.vn

Môi trường kinh doanh là điều kiện rất quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Dù vậy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện vẫn còn những bất cập, vướng mắc...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhận diện rào cản

Về nguyên nhân của tình trạng này, tại tọa đàm “Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh” diễn ra mới đây, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) - chỉ rõ: Các văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo bởi nhiều cơ quan khác nhau, phân tán và không phải văn bản nào cũng nằm ở cấp nghị định mà có văn bản nằm ở cấp Luật. Chính điều này dẫn tới rủi ro cho cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước khi thực hiện hoạt động quản lý.

Bà Nguyễn Chi Lan- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế (Bộ Tư pháp) - bày tỏ: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo và chậm được khắc phục. Trong đó, khách quan là do kinh tế- xã hội biến động nhanh, khó dự báo nên việc sửa đổi, bổ sung các loại văn bản bị kéo dài, chậm ban hành. Về chủ quan, các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa chủ động thực hiện quy định dẫn tới mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, ở một số cơ quan, cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế.

Đồng thuận từ các bộ, ngành

Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 được ban hành mới đây được kỳ vọng như “đòn bẩy” đủ mạnh khiến các bộ, ngành chủ động và tích cực hơn trong hoạt động rà soát, phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định pháp luật để giải phóng mọi nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế-xã hội.

Đáng chú ý, thông qua Nghị quyết 68, Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu rất cụ thể cho các đơn vị liên trong hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đó, mục tiêu trong 5 năm tới, phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, đây là mục tiêu khó. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, thủ tục nào có thể bỏ được nên bỏ; thủ tục nào có thể hậu kiểm được nên chuyển sang hậu kiểm; thủ tục nào có thể sử dụng bằng điện tử, tin học thì nên sử dụng thì còn nhiều dư địa để cải cách giúp các quy định pháp luật theo kịp thực tiễn. “Cải cách thủ tục hành chính liên quan mật thiết đến cải cách bộ máy hành chính nhà nước, mà muốn đi nhanh thì phải có sự đồng tốc và thống nhất cao của các bộ, ngành” - ông Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu trên, ngoài việc đặt các mục tiêu cụ thể cho từng mốc thời gian, nhận diện rõ rào cản, còn phải rất cẩn trọng trong việc ban hành các văn bản, quy định mới để tránh tình huống tự tạo ra những vướng mắc mới rồi lại bắt tay vào xử lý tiếp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập Tổ công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở sự phát triển; từ đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.