Cảnh báo gia tăng tình trạng hàng Trung Quốc "đội lốt" mác Việt


Theo các chuyên gia, việc nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt không chỉ đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đến chỗ phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu.

Đột biến về kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ gặp lao đao, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, khiến hàng loạt doanh nghiệp Việt thuộc nhiều ngành hàng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chọn Việt Nam là nơi trung chuyển để "sơ chế" hàng hóa trước khi xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Hàng Trung Quốc gắn mác "made in Vietnam".
Hàng Trung Quốc gắn mác "made in Vietnam".

Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan - Tổng cục Hải quan cho biết đã "khoanh vùng" 15 nhóm hàng như: Dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; gỗ và các sản phẩm gỗ... có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ do có sự gia tăng đột biến về kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang thị trường như Mỹ.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính riêng trong 8 tháng năm 2019 đã có có 7 vụ việc điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra một số nước đang xem xét khởi xướng các vụ việc khác. Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là nhôm, thép, sợi đồ gia dụng điện tử thuỷ sản, gỗ ván ép, lốp xe, pin mặt trời…Nhìn chung các mặt hàng bị điều tra đều là các mặt hàng Mỹ, EU đã áp thuế phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm của Trung Quốc. 

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo 13 mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường Hoa Kỳ, EU và Canada có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế.

Trong Danh sách cảnh báo của Cục Phòng vệ thương mại cập nhật đến tháng 7/2019, đứng đầu là các sản phẩm gồm gỗ dán dùng nguyên liệu làm gỗ cứng, đá nhân tạo, đồ bằng sắt, nệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải/xe khách, thép chống ăn mòn, vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp, ruy băng trang trí...

Bộ Công Thương phân loại theo bốn mức độ cảnh báo. Các sản phẩm ở mức 4 và 3 là nhóm mặt hàng cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp liên quan. Nhóm sản phẩm ở mức cảnh báo 2 và mức 1 là nhóm cần quan tâm và tiếp tục theo dõi.

Trong đó, mức cảnh báo 4 có mặt hàng gỗ dán, đây là mặt hàng có nguy cơ cao bị gian lận xuất xứ. 

Theo Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), thực tế cho thấy có hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó gia công để xuất khẩu hoặc bán cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài “núp bóng” đầu tư lấy xuất xứ hàng hóa (C/O) để xuất khẩu gỗ dán sang thị trường Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Cụ thể, tháng 11/2018, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bằng hình thức chuyển tải đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở nghi ngờ Công ty Finewood Việt Nam có các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Từ tháng 10/2018 đến 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán nên USITC không công khai số liệu một số sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu cao từ Trung Quốc và Việt Nam để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra.

Danh sách cảnh báo mức 3 có mặt hàng đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn.  Sự gia tăng đột biến trong kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đối với sản phẩm đệm từ Việt Nam, do đó, sản phẩm này có khả năng xảy ra nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá hoặc chống lẩn tránh thuế.

Các sản phẩm ở mức cảnh báo 2 là vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp.

Các sản phẩm ở mức cảnh báo 1 gồm thép chống ăn mòn, ruy băng trang trí.

Đề nghị xử lý hình sự

Các sản phẩm được cảnh báo trên của Việt Nam đều là những mặt hàng mà Trung Quốc xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Tuy nhiên, sau khi bị Mỹ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp thuế rất cao, nhận thấy lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm nhưng từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng nên Mỹ nghi ngờ hàng Trung Quốc "núp bóng" xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế.

Trong thời gian tới, khi diễn biễn của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, nhiều dòng thuế của Trung Quốc sẽ chịu thuế đến 30% nên chênh lệch thuế so với hàng hoá từ Việt Nam càng lớn. Do vậy nguy cơ chuyển tải hàng hoá bất hợp pháp, gian lận xuất xứ cũng cần xác định rõ để có biện pháp phù hợp.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần siết chặt các quy chuẩn, quy định cụ thể cho định nghĩa hàng Việt. Điều này, cũng là điều cấp thiết để tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng kẽ hở, lập lờ trong việc nhập linh kiện từ nước ngoài về, chỉ gia công lắp ráp nhưng sau đó lại đề là sản phẩm của Việt Nam nhằm trục lợi niềm tin của người tiêu dùng.

Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, có hiện tượng buông lỏng cấp C/O, chính quyền xác nhận khống nguồn gốc sản phẩm cho việc cấp C/O, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa. 

Theo đó, đã đến lúc cần siết chặt việc cấp C/O để ngăn chặn nguy cơ lợi dụng xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam để lẩn tránh thuế từ nước khác. Trong đó, đề xuất không cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 chuỗi quy trình sản xuất tại Việt Nam.

Đặc biệt, trước khi cấp chứng nhận C/O, cơ quan chức năng cần lưu ý các doanh nghiệp nằm trong "danh sách đen", chỉ lập những cơ sở hoặc thuê mướn mặt bằng làm cơ sở, hay chỉ chọn Việt Nam làm các công đoạn gia công đơn giản (như đóng gói bao bì, dán nhãn...), các sản phẩm này không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Trước khi cấp chứng nhận C/O, cơ quan chức năng cần lưu ý các doanh nghiệp nằm trong "danh sách đen".
Trước khi cấp chứng nhận C/O, cơ quan chức năng cần lưu ý các doanh nghiệp nằm trong "danh sách đen".

"Ngoài ra, cần siết chặt kiểm tra đối việc các doanh nghiệp FDI tận dụng quy định chuyển đổi mã số HS hàng hóa để xin cấp C/O. Phải nắm thật chắc rằng doanh nghiệp có thật sự sản xuất, hoặc công đoạn nào là sản xuất thật sự chứ không chỉ làm những phần việc hết sức đơn giản rồi xin chứng nhận chuyển đổi" - một chuyên gia kinh tế đề nghị.

Trao đổi về các giải pháp chống gian lận và giả mạo xuất xứ hàng hóa, ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết, pháp luật hiện hành quy định mức xử phạt đối với tội danh này là phạt hành chính từ 3-30 triệu đồng. Tuy nhiên, trước tình trạng cấp bách hiện nay, phải tăng chế tài xử phạt, thậm chí là tội hình sự, chứ không chỉ phạt hành chính như hiện nay.

Ông Hùng chia sẻ, trong thời gian tới cơ quan hải quan sẽ tăng cường các biện pháp như giám sát tại cửa khẩu, kiểm soát chặt với các mặt hành có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bất thường. Ngoài ra sẽ lưu ý với một số doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để gia công đơn giản, "tráng men" hàng nhập để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo cơ quan hai quan các địa phương siết chặt quản lý đối với các mặt hàng có nguy cơ cao trong gian lận thương mại như xe đạp điện, gỗ, điện tử, linh kiện điện tử, sắt thép, các sản phẩm sắt thép... đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan để giám sát "sức khỏe" các doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp có lượng hàng xuất khẩu mang thương hiệu Việt rất lớn nhưng lại có chỉ tiêu thụ điện, nước, nhân công rất ít.