Chống khai thác vi phạm luật IUU

Theo Nguyễn Phú/ Báo Cà Mau

Ðến cuối năm 2021 sẽ chấm dứt tình trạng tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài - đây là mục tiêu thể hiện quyết tâm rất lớn của tỉnh Cà Mau trong chống khai thác thuỷ sản vi phạm Luật IUU. Hội đồng Liên minh châu Âu (EC) coi những hoạt động này là bất hợp pháp và là một trong những nguyên nhân gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường biển, tính bền vững của các đàn cá và tình hình kinh tế - xã hội của ngư dân.

 Do điều kiện làm việc trên biển nên việc ghi nhật ký khai thác ngư dân gặp khó khăn. Ảnh: Nguyễn
Do điều kiện làm việc trên biển nên việc ghi nhật ký khai thác ngư dân gặp khó khăn. Ảnh: Nguyễn

Vùng biển Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước và được đánh giá có nguồn lợi thuỷ sản phong phú, thuận lợi cho việc phát triển nghề khai thác thuỷ sản. Theo ghi nhận, ngoài hơn 140 loài cá với nhiều loài hải sản quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, vùng biển Cà Mau còn đa dạng các loài nhuyễn thể, giáp xác, động vật thuỷ sinh.

Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có tổng số 4.582 tàu cá. Trong đó, 1.517 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, nhiều tàu cá được trang bị các thiết bị hiện đại và bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn. Sản lượng khai thác đến hết tháng 9/2021 đạt 201.116 tấn.

Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định, mặt hàng thuỷ sản, trong đó có khai thác, đã và sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế của địa phương trước tác động nặng nề của dịch Covid-19 thời gian qua.

Những con số ấy cho thấy ngành khai thác chiếm vị thế quan trọng trong ngành thuỷ sản của tỉnh nói riêng và trong phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung. Tuy nhiên, hiện nay nghề khai thác đang đối diện với nhiều khó khăn từ những quy định trong chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Trong đó, đặc biệt là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, việc ghi chép nhật ký khai thác...

Dù rất nỗ lực với nhiều giải pháp đã được triển khai những năm qua nhưng tình trạng ngư dân vi phạm các quy định về chống khai thác thuỷ sản của IUU vẫn còn diễn ra, đặc biệt vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thuỷ sản. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 8 tàu cá với 51 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó có 7 tàu với 45 thuyền viên bị lực lượng hải quân Thái Lan bắt giữ, 1 tàu với 6 thuyền viên vi phạm đánh bắt vùng biển Thái Lan qua hệ thống giám sát tàu cá. Theo đó, đến nay đã có 2 tàu cá với 19 thuyền viên được thả về địa bàn, còn lại 5 tàu với 26 thuyền viên đang bị tạm giữ tại Thái Lan.

Một trong những nỗ lực tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.505 trong tổng số 1.516 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,27%. Còn 11 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, là do số phương tiện này hiện nay thuộc diện nằm bờ dài hạn nên không thể bắt buộc lắp đặt thiết bị theo quy định.

Thiết bị giám sát hành trình được xem là giải pháp quan trọng mà các cơ quan quản lý dựa vào nó, sử dụng nó để tiến tới việc chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Sử đánh giá, số lượng tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt cao nhưng tỷ lệ thiết bị sau lắp đặt bị mất kết nối trên thực tế vẫn còn khá lớn. Thời gian qua, việc xử lý phương tiện mất kết nối của tỉnh vô cùng khó khăn do chưa xác định rõ nguyên nhân là do sự cố ý của người sử dụng hay xuất phát từ lỗi kỹ thuật của thiết bị.

Ðể chấm dứt tình trạng này, ông Lê Văn Sử cho rằng, cần có bộ quy chế về quản lý thông tin thống nhất trong cả nước để làm cơ sở cho các địa phương xử lý được bất kể phương tiện mất kết nối nào tránh nhầm lẫn giữa phương tiện mất kết nối do khách quan với mất kết nối do cố ý và cả do vi phạm vùng biển nước ngoài. Ðảm bảo thiết bị giám sát hành trình là lớp “lưới” cuối cùng có thể giăng được tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Một khó khăn khác trong công tác chống khai thác thuỷ sản vi phạm của IUU là nhật ký khai thác. Nhật ký khai thác là một trong những nhân tố quan trọng việc gỡ thẻ vàng của EC mà còn là điều kiện cần thiết để truy xuất nguồn gốc, giúp việc tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm khai thác thuận lợi, đúng quy định và an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai thực hiện nhật ký gặp nhiều khó khăn, từ chính quyền địa phương cho đến doanh nghiệp và cả ngư dân.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Bỉnh, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, khó khăn lớn nhất trong ghi nhật ký chính là mọi thứ đều quá chi tiết, đặc biệt là khối lượng của từng loại hải sản, trong khi điều kiện làm việc trên biển ngư trường không ổn định...

Theo quy định trong Luật Thuỷ sản năm 2017, đối với tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m phải nộp báo cáo khai thác thuỷ sản, còn tàu dưới 24 m và trên 24 m buộc phải có nhật ký khai thác.

Theo đó, các chủ tàu cá phải ghi rõ thông tin mỗi chuyến vươn khơi và nộp về ban quản lý cảng cá nơi cập cảng. Nếu muốn xuất cảng, chủ tàu cá phải gặp ban quản lý cảng để đăng ký, xin giấy phép. Nhưng thực tế, số lượng tàu cập cảng và thực hiện theo quy định đạt tỷ lệ rất thấp.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay tỉnh đã cấp 163 giấy chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác, với khối lượng chứng nhận trên 3.500 tấn sản phẩm. Dù đã tăng 132 trường hợp với gần 3.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn còn quá thấp so với sản lượng thuỷ sản khai thác.

Hiện tại, tỉnh Cà Mau có 2 cảng cá là Sông Ðốc và Rạch Gốc, được Bộ NN&PTNT chỉ định đủ điều kiện, tiêu chí để bốc dỡ sản phẩm thuỷ sản, hàng hoá phục vụ cho truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác và xác nhận, chứng nhận sản phẩm thuỷ sản khai thác. Ðây là điều kiện khá thuận lợi, thế nhưng số lượng tàu cập cảng và thực hiện theo quy định đạt tỷ lệ rất thấp.

Qua tìm hiểu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có một số lý do cơ bản như điều kiện thời tiết trên biển; trình độ chủ tàu, thuyền trưởng còn hạn chế; tâm lý sợ lộ ngư trường, luồng cá; không thể thống kê sản lượng, loài thuỷ sản…

Ngành khai thác đã và sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là chiếm vai trò rất lớn trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng ven biển, hải đảo. Các đội tàu khai thác thuỷ sản không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động tỉnh nhà mà còn thể hiện vai trò quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.