Cục Hàng không VN bị tố làm khó Jetstar Pacific

.

Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét việc Cục Hàng không VN từ chối chỉ định thương quyền bay tới 10 điểm quốc tế của hãng. JPA cho rằng việc làm này là thiếu cơ sở, trái với giấy phép kinh doanh vận chuyển mà hãng được cấp trước đó.

 

Với lý do JPA chưa đáp ứng được yêu cầu về bộ máy điều hành (tỷ lệ người nước ngoài không được cao hơn một phần ba trong bộ máy điều hành), ngày 31/10 vừa qua, Cục Hàng không VN có văn bản từ chối đề nghị chỉ định và cấp quyền để JPA khai thác 10 đường bay đi quốc tế mới, gồm Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Lào.

Cũng tại văn bản này, Cục Hàng không VN tuyên bố: “Không cho phép JPA sử dụng các biểu tượng “chữ JET và ngôi sao màu vàng cam” và chữ “Jetstar ngôi sao màu vàng cam” trong khai thác và vận chuyển hàng không. Lý do là giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không mà Bộ Giao thông Vận tải cấp ngày 15/9/2008 cho JPA chưa có quy định về biểu tượng.

Cục Hàng không VN cho rằng trong thời gian chờ Jetstar Pacific Airlines (JPA) đáp ứng đủ các điều kiện về tỷ lệ người nước ngoài trong bộ máy điều hành thì hãng chỉ được bay tới 4 điểm đã được cấp phép từ trước gồm BăngKok (Thái Lan), Phnom Penh, Xiêm Riệp (Campuchia) và Singapore.

Phía Jetstar Pacific Airlines lại cho rằng việc không cấp thương quyền bay quốc tế cho hãng là không có cơ sở, bởi trong giấy phép kinh doanh, JPA được phép kinh doanh cả đường bay nội địa và quốc tế.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 20/11, JPA cho rằng Cục Hàng không không có chức năng quản lý Nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa và sở hữu trí tuệ và việc cho phép hay ngăn cấm một doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu phải được căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ và bởi các cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa các quy định về nhãn hiệu cũng được quy định bởi Luật Sở hữu trí tuệ chứ không phải Luật Hàng không. "Tại văn bản số 1410 ngày 14/5/2008 và số 1422 ngày 15/5/2008, Cục Hàng không VN cũng thừa nhận điều này và đã chấp thuận để JPA thực hiện việc vận chuyển", JPA nhấn mạnh.

Liên quan đến tỷ lệ người nước ngoài trong bộ máy điều hành, JPA cho rằng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xem xét trong quá trình cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển và chấp thuận cho hãng thời gian 2 năm để hoàn tất việc chuyển đổi.

Trong giấy phép cấp cho JPA cũng ghi rõ phạm vi vận chuyển của hãng là quốc tế và nội địa, mà không kèm theo bất kỳ hạn chế nào. Theo JPA việc Cục Hàng không VN ra quyết định cấm hãng bay đi quốc tế là đi ngược với các văn bản đã ban hành trước đó và không phù hợp với pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của hãng. Do vậy, JPA kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không VN thu hồi lại quyết đình cấm bay, đồng thời có ý kiến chính thức về việc sử dụng thương hiệu theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ.

Cũng trong ngày 20/11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - đơn vị chiếm cổ phần chi phối (81%) trong JPA là cổ đông nắm giữ 81% - có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem lại quyết định không xem xét chỉ định và cấp quyền mở đường bay quốc tế mới đối với JPA. SCIC cho rằng trong chiến lược tái cơ cấu Hãng hàng không Pacific Airlines cũ (nay là Jetstar Pacific Airlines) hãng được hoạt động theo mô hình giá rẻ và được cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử khi cấp thương quyền bay trong nước và quốc tế.

Vừa qua do hoạt động kinh doanh của JPA gặp khó khăn, SCIC đã phối hợp với các cổ đông chiến lược xây dựng kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2009-2013 trên cơ sở phát triển mạng đường bay quốc tế đi đôi với mở rộng đường bay nội địa. Theo SCIC, việc Cục Hàng không VN từ chối chỉ định và cấp thương quyền mở 10 đường bay quốc tế mới là không có cơ sở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của JPA. “Việc đặt lệnh cấm bay đối với JPA đã khiến cho nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về môi trường kinh doanh tại VN và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nguy cơ rút vốn, gây thiệt hại và tổn thất lớn với JPA, các cổ đông và SCIC”, SCIC nhấn mạnh.

SCIC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại ý kiến của Cục hàng không VN đã ban hành trước đó, đồng thời tạo điều kiện cho JPA được triển khai phục vụ mặt đắt cho các công ty trong hệ thống của hãng tại sân bay từ ngày 1/1/2009. “SCIC rất mong có cơ hội được trao đổi kỹ hơn về hoạt động của công ty, vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh và cơ chế chính sách ngành hàng không VN trong một buổi làm việc chính thức với Bộ Giao thông Vận tải và đại diện Chính phủ và các cơ quan có liên quan”, SCIC đề nghị.

Ngành hàng không VN tiếng là có tới 6 doanh nghiệp cùng tham gia kinh doanh song Vietnam Airlines vẫn chiếm vị trí thống lĩnh với trên 80% thị phần tại thị trường nội địa. Còn thị trường quốc tế thì ông lớn này gần như độc quyền. Hiện Nhà nước chỉ kiểm soát giá vé hạng phổ thông trên các chặng bay nội địa còn chiều đi quốc tế do các hãng hàng không tự cân đối trên cơ sở hoạt động kinh doanh của mình nên giá vé đi quốc tế của VN được xếp vào hàng cao ngất ngưởng.

Trên thực tế, các nước mà JPA đang xin chỉ định khai thác thương quyền đã có nhiều hãng hàng không được bay vào Việt Nam. Thái Lan có 4 hãng (Thai Airway, Thái Air Asia, Nok Air và Băngkok Airways). Malaysia có 2 hãng (Malaysia Airlines, Air Asia). Trung Quốc có 4 hãng (China Southern, Air China, Shanghai Airlines và Shengzhen Airlines). Hong Kong có 3 hãng (Cathay Pacific, Hong Kong Airlines, Dragon Air). Đài Loan có 4 hãng (China Airlines, Eva Airways, Uni Air, Mandarin Airlines). Hàn Quốc có 2 hãng (Korean Air, Asiana Airlines). Nhật Bản có 2 hãng (Japan Airlines, All Nippon Airways). Indonesia có 2 hãng (Garuda Indonesia, Lion Air). Trong khi đó trên các đường bay này, phía Việt Nam mới chỉ có một hãng khai thác là Vietnam Airlines.

Theo Hồng Anh (VnExpress)