Đầu tư siêu lợi nhuận: Tỉnh táo trước "mồi nhử" quảng cáo

Theo Trang Anh/congthuong.vn

Từ ý định kiếm chút lời trong mùa dịch, tin vào lời quảng cáo "cam kết 100% có lời", "khả năng hoàn vốn nhanh, công việc đơn giản"… nhiều người đã mất hàng chục triệu đồng từ các ứng dụng "ấp trứng", "nuôi bò" online.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với sự hấp dẫn từ lời quảng cáo về mức siêu lợi nhuận, đầu tư vào tiền ảo ngày càng được nhiều người tham gia, tuy nhiên, hệ lụy từ những vụ đầu tư ảo này là thật và tăng theo cấp số nhân. Các ứng dụng đầu tư ảo có thể kể đến "nuôi bò trang trại tiết kiệm", "ấp trứng online Tamago"... tạo cơ hội "đầu tư" cho người dùng như một trò chơi. Người đầu tư sẽ tham gia các nhiệm vụ để nhận thưởng. Muốn nhận được nhiều thưởng hơn, người chơi phải nạp thêm một khoản tiền để nâng cấp gói đầu tư.

Một hình thức khác, người tham gia có thể "dễ dàng" kiếm tiền khi xem TikTok, YouTube, Facebook… Nhiệm vụ được giao gồm: Thả tim, follow, đăng ký các tài khoản TikTok, Facebook, YouTube. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, người tham gia phải chụp màn hình để xác nhận. Các tài khoản TikTok, YouTube, Facebook trong nhiệm vụ đều đến từ các kênh bán hàng online.

Ở cấp phổ thông, khi hoàn thành một nhiệm vụ, người tham gia được trả 1.000 đồng, mỗi ngày chỉ được tham gia 10 nhiệm vụ. Người tham gia có thể nạp thêm tiền để nâng cấp gói cao cấp hơn, số nhiệm vụ nhiều hơn và kiếm được thêm tiền. Bên cạnh nâng cấp gói, hình thức chơi này cũng khuyến khích người tham gia giới thiệu bạn bè để nhận thêm hoa hồng khi "cấp dưới" hoàn thành nhiệm vụ hay nạp tiền. Công việc này được những người giới thiệu khẳng định là "việc nhẹ, lương cao".

Tuy nhiên, theo một số người đã từng tham gia, khi đã nâng lên cấp cao, thu về nhiều tiền và chuẩn bị hoàn vốn, hội nhóm tham gia đều thông báo không thể rút được tiền nữa, coi như mất trắng. Trong hội nhóm "Bounty - kiếm tiền" trên mạng xã hội, có hàng trăm bài chiêu dụ thành viên được đăng tải. Mỗi ứng dụng được thiết kế cho các nhiệm vụ khác nhau từ tương tác, theo dõi TikTok, Facebook, YouTube đến ấp trứng, nuôi bò, nuôi heo đất, đào Dogecoin...

Bản chất của các nhiệm vụ cuối cùng cũng quay về nạp tiền để nâng cấp tài khoản. Sau khi nâng cấp, người chơi sẽ được tăng khoản thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, họ cũng được làm nhiều nhiệm vụ hơn trong một ngày. Đây là hai biến số chính giúp nhận biết bounty lừa đảo.

Hiện, hàng trăm ứng dụng khác đang bủa vây người dùng internet tại Việt Nam. Khi một nền tảng muốn thu hút thêm người tham gia, sẽ phát hành điểm thưởng nếu người dùng hoàn thành các nhiệm vụ. Thường những nhiệm vụ này sẽ giúp nền tảng đến với nhiều người hơn như chia sẻ, đánh giá…

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), các hoạt động như nuôi heo đất, nuôi bò online, trả thưởng bounty, kiếm tiền từ ứng dụng điện thoại, mua các gói bảo hiểm như "khoản đầu tư" được mô tả chủ yếu là các hình thức trả hoa hồng trực tiếp, huy động vốn để hưởng lãi suất và lợi nhuận cao; có các biểu hiện tuyển dụng người vào sau để hưởng thêm hoa hồng giống với mô hình kinh doanh đa cấp.

Cục và các cơ quan quản lý liên quan khác đã tích cực theo dõi, thu thập thông tin, phối hợp với đơn vị báo chí, truyền thông liên tục cảnh báo về hành vi có dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép để hạn chế rủi ro người dân. Các hoạt động kinh doanh đa cấp phải được đăng ký theo quy định, thông tin về các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng công khai trên trang thông tin điện tử của Cục: vcca.gov.vn

Hoạt động kinh doanh đa cấp không phép là trái pháp luật, thường có xu hướng lừa đảo rất cao, có thể bị xử lý hình sự 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật Hình sự). Do đó, người tham gia có rất nhiều rủi ro về tài chính và pháp lý khi tham gia các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương)