Đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng đất đai hiện nay

Trương Tấn Sang - Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (tapchicongsan.org.vn)

Tham nhũng đất đai đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: tapchicongsan.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: tapchicongsan.vn

 

Nhưng nó lại trở thành cơ hội làm giàu nhanh chóng, phi pháp cho những cá nhân, tổ chức trong bộ máy công quyền được Nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng đất đai nhưng suy thoái phẩm chất đạo đức, lợi dụng quyền hạn được giao để liên kết với những cá nhân, doanh nghiệp, hình thành “nhóm lợi ích”, “thân hữu” gây bức xúc xã hội, làm thất thoát lớn tài sản của đất nước, của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước.

1- Những tháng vừa qua, dư luận xã hội nóng lên vì nhiều vụ, việc tham nhũng liên quan đến đất đai, có những vụ đã bị khởi tố, bị can bị bắt giam, có vụ còn đang được các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước thanh tra, kiểm tra. Thái độ xử lý kiên quyết của Đảng, Nhà nước đối với những sai phạm được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, số vụ bị phát hiện và xử lý chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tham nhũng đất đai trên thực tế còn nghiêm trọng hơn rất nhiều những gì đã được phát hiện và xử lý, bởi tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, từ thôn, xã, quận, huyện, tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị, các bộ ngành Trung ương, các đơn vị lực lượng vũ trang,... đến cả những cơ quan, đơn vị được giao quyền sử dụng đất và cơ quan được giao quyền quản lý đất đai. Tham nhũng đất đai đã và sẽ gây ra cho đất nước, cho xã hội những hậu quả nặng nề về nhiều mặt nếu chúng ta không kiên quyết đấu tranh ngăn chặn. 

Tham nhũng đất đai ở nước ta vừa qua diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến là các hình thức sau:

Một là, lãnh đạo tỉnh, thành phố bán nhà thuộc sở hữu nhà nước kèm theo đất cho tư nhân (cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân); giao đất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, xây dựng các khu dân cư, khu đô thị và xây dựng công trình hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT); đổi đất lấy hạ tầng, dựa trên đề án do chính doanh nghiệp xây dựng, đề xướng, không qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch. Điều đáng chú ý là, giá nhà, giá đất doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước rất thấp so với giá thị trường tại địa phương vào thời điểm đó. Rất nhiều ngôi nhà ở các vị trí đắc địa, rất nhiều khu đất “vàng” ở các đô thị lớn đã được bán, được giao cho cá nhân, cho doanh nghiệp theo cách thiếu công khai, minh bạch như vậy. 

Qua những vụ, việc đã được phát hiện, đã và đang xem xét xử lý cho thấy, những cá nhân, doanh nghiệp được mua nhà, được giao đất như vậy hoặc là người nhà, người thân, doanh nghiệp “sân sau” hoặc có quan hệ “thân hữu” với những người có thẩm quyền quyết định việc bán nhà, giao đất; hình thành các “nhóm lợi ích”. Những người được mua nhà, giao đất thu được lợi rất lớn, hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nhờ quan hệ “thân hữu” này. Khi được mua nhà, được giao đất, họ bán lại theo giá thị trường hay “phân lô, bán nền” diện tích đất được giao; thậm chí họ không thực hiện mà bán lại dự án ngay sau khi được giao cho doanh nghiệp khác thực hiện để thu về một khoản tiền chênh lệch rất lớn. Những người có thẩm quyền quyết định bán nhà, giao đất và cả những người tham mưu cho lãnh đạo làm việc này nhận được “hậu tạ” của doanh nghiệp dưới nhiều hình thức tinh vi không dễ phát hiện, như bằng tiền mặt, các căn hộ, các lô đất, bằng cổ phần của doanh nghiệp, bằng các chuyến du lịch, tham quan, nghỉ mát ở trong nước và nước ngoài... Đây chính là tham nhũng, làm giàu bất chính của một số người có chức, có quyền, làm thất thoát lớn tài sản của nhân dân, của đất nước.

Hai là, các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, nhà để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nhưng không sử dụng những tài sản này đúng mục đích mà cho thuê, chuyển nhượng (bán) nhà gắn liền với đất và đất cho các cá nhân, đơn vị khác không đúng thẩm quyền, sai pháp luật, không qua đấu giá, đấu thầu cạnh tranh, không công khai, thiếu minh bạch. Giá được cho thuê, chuyển nhượng thấp hơn nhiều giá thị trường, tiền thu được không nộp vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa, liên doanh, liên kết, giá trị quyền sử dụng đất không được tính đúng, tính đủ.

Rất nhiều vụ, việc khi thanh tra, kiểm tra đã phát hiện ra có tham nhũng, có “lợi ích nhóm”. Người được thuê, được nhận chuyển nhượng (mua) quyền sử dụng đất, được thuê, mua nhà thường là người có quan hệ “thân hữu” với lãnh đạo cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao sử dụng nhà, đất hay là “thân hữu” của cấp trên của lãnh đạo các cơ quan này. Tham nhũng của cán bộ cơ quan, đơn vị có nhà, đất cho thuê, chuyển nhượng diễn ra dưới nhiều hình thức, như nhận tiền hối lộ để cho thuê, chuyển nhượng với giá thấp; cho thuê, chuyển nhượng với giá cao nhưng thể hiện trong hợp đồng là giá thấp, tiền nộp cho cơ quan được tính theo giá thấp, họ chiếm đoạt khoản thu chênh lệch giữa hai loại giá này. Thậm chí, có trường hợp, họ còn chiếm đoạt cả một phần tiền cho thuê, chuyển nhượng nộp cho cơ quan, đơn vị để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Ba là, ở nhiều nông trường, lâm trường, ban quản lý rừng, công ty nông, lâm nghiệp, đất được Nhà nước giao cho quản lý bị cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị này chiếm đoạt làm đất ở, đất sản xuất của gia đình mình và cho thuê, chuyển nhượng cho cá nhân, đơn vị khác sai mục đích, trái pháp luật để thu lợi bất chính. Tình trạng này diễn ra từ lâu, kéo dài nhiều năm qua. Diện tích đất bị chiếm đoạt như thế ở các nông, lâm trường, ban quản lý rừng, công ty nông, lâm nghiệp trên cả nước là rất lớn, tới hàng nghìn héc-ta. Đất công ích ở các thôn, xã, hợp tác xã, ở nhiều nơi cũng bị cán bộ ở đây cho thuê, chuyển nhượng (bán) cho cá nhân làm đất ở, đất sản xuất không qua đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch, tiền thu được cũng bị cán bộ chiếm đoạt. 

Các hình thức tham nhũng đất đai kể trên đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tình trạng tham nhũng đất đai là hết sức nghiêm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân lớn tạo nên bức xúc xã hội, tình trạng khiếu kiện gay gắt, kéo dài của người dân, tạo nên những vấn đề phức tạp về xã hội, an ninh, trật tự ở nhiều địa phương, nhiều vùng của đất nước (70% - 80% các vụ, việc khiếu kiện ở nước ta trong những năm qua là có liên quan đến đất đai; khiếu kiện về thu hồi đất, về chính sách đền bù, giải tỏa, về tạo việc làm và tái định cư cho người bị thu hồi đất). 

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Từ ngày đất nước chuyển sang phát triển kinh tế thị trường, mặc dù đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là người đại diện quản lý, nhưng quyền sử dụng đất được giao cho các tổ chức và cá nhân, cho người dân, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp. Quyền sử dụng đất trở thành hàng hóa có giá trị lớn có thể cho thuê, chuyển nhượng (thực chất là bán). Giá trị của đất ngày càng tăng lên do đất đai thì có hạn nhưng nhu cầu về đất tăng lên rất nhiều, rất nhanh chóng bởi sự tăng lên của dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (đất cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; đất cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế; đất cho nhà ở các đô thị, các cụm dân cư,...). Mỗi mét vuông đất ở các đô thị lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là ở các khu vực trung tâm, có giá tối thiểu vài trăm triệu đồng. Luật pháp về đất đai chưa hoàn chỉnh; chất lượng quy hoạch sử dụng đất thấp, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các cấp, các ngành, các địa phương; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách, quy hoạch sử dụng đất đai bị buông lỏng... đã tạo ra nhiều kẽ hở cho những cán bộ suy thoái về phẩm chất đạo đức ở các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, ở cơ quan được giao quyền sử dụng đất và lãnh đạo các doanh nghiệp thông đồng, móc nối với nhau để tham nhũng. Đất bị chiếm đoạt, tham nhũng là đất công nên có một số ý kiến cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng đất đai. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho đất thuộc sở hữu nhà nước là nguyên nhân của tham nhũng đất đai. Trên thế giới, hầu hết các nước đều có đất công, đất thuộc sở hữu nhà nước, cũng như có các tài sản công khác, nhưng họ có luật pháp và sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và người dân, nên tham nhũng nói chung, tham nhũng đất đai nói riêng rất ít xảy ra. 

Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng tham nhũng đất đai ở nước ta những năm qua là do những kẽ hở của luật pháp, sự buông lỏng kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và sự suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

2- Đối với các dân tộc, các quốc gia trên thế giới, đất đai luôn là vấn đề hết sức hệ trọng, nhạy cảm. Đất đai là chủ quyền, nền tảng của quốc gia, là không gian sinh tồn của dân tộc, là thành quả khai phá, giữ gìn bảo vệ bằng biết bao mồ hôi, công sức, sự hy sinh xương máu của rất nhiều thế hệ tổ tiên, cha ông mới có được để trao truyền cho thế hệ hôm nay và muôn đời con cháu mai sau, do đó, rất thiêng liêng đối với mỗi người dân, với cả cộng đồng quốc gia, dân tộc. Trong lịch sử nhân loại, nguồn gốc của hầu hết các cuộc chiến tranh trên thế giới là do tranh chấp, xâm lược để chiếm đoạt, bành trướng mở rộng lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Điều này cũng vẫn còn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi trong thế giới văn minh ngày nay. 

Ở góc độ kinh tế, đất đai là tài nguyên, nguồn lực to lớn của một đất nước. Chúng ta thử hình dung, nếu 1m2 đất ở nhiều khu đô thị đang xây dựng ngày nay ở nước ta giá tới vài trăm triệu đồng, thì 1héc-ta (10.000m2), 10 héc-ta, 100 héc-ta đất ở các khu này giá trị lớn biết chừng nào; chưa kể những “khu đất vàng” ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế thì giá đất còn cao hơn nữa. Đất đai là nguồn lực ngày càng khan hiếm vì diện tích đất có giới hạn trong khi dân số ngày càng tăng, bình quân đất trên đầu người ngày càng giảm, nhu cầu đất cho phát triển kinh tế - xã hội lại ngày càng cao, nên giá trị của đất đai ngày càng cao. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, không thể thay thế, không chỉ đối với nông nghiệp mà còn đối với mọi ngành kinh tế; đất gắn bó với mọi gia đình, với mọi người, ở mọi thành phần xã hội. Đối với nông dân, những người nhiều đời gắn bó với đất đai, đất đai là nơi sinh ra, lớn lên, là nguồn sống, là tài sản lớn nhất của cả cuộc đời.

Chính vì vậy, tham nhũng đất đai đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng, tác động rất lớn đến sự ổn định, phát triển của đất nước, của chế độ. Đất nước ta đi lên từ trạng thái một nước nghèo, kém phát triển, bị chiến tranh tàn phá, thiếu vốn là một trong những khó khăn lớn nhất, trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển. Đất đai là một trong những nguồn lực lớn nhất có thể chuyển hóa thành nguồn vốn tài chính đầu tư cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng tham nhũng và cùng với tham nhũng là lãng phí, đã làm cho đất đai không phát huy được vai trò nguồn lực của mình mà đúng ra nó phải thực hiện, đúng với khả năng của nó; ngược lại, đất đai bị chiếm đoạt, trở thành cơ hội làm giàu nhanh chóng, phi pháp cho những cá nhân trong bộ máy công quyền được Nhà nước giao quyền quản lý đất đai, sử dụng đất đai nhưng suy thoái phẩm chất đạo đức, lợi dụng quyền hạn được giao liên kết với những cá nhân, doanh nghiệp, hình thành “nhóm lợi ích”, “thân hữu” gây thất thoát lớn tài sản của đất nước, của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Trong không ít trường hợp, để có đất giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án, cơ quan nhà nước phải thu hồi đất đã giao cho dân sử dụng, thậm chí việc thu hồi đất vượt quá cả quy hoạch được duyệt. Giá đất đền bù cho dân theo khung giá Nhà nước quy định, thấp xa so với giá thị trường; người dân mất đất ở, nhà ở, mất việc làm, thu nhập, nhưng việc tạo việc làm mới, chỗ ở mới cho người dân không được quan tâm; nhiều người, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đói nghèo. Trong khi đó, doanh nghiệp được giao đất, phân lô, bán nền theo giá thị trường, cao hơn giá đền bù cho dân hàng chục, hàng trăm lần hay chuyển nhượng lại dự án cho doanh nghiệp khác thực hiện cũng thu lời hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Những cán bộ, công chức có liên quan giàu lên nhanh chóng, có tài sản lớn không thể giải trình được. Tham nhũng đất đai làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị - xã hội của đất nước; làm giảm uy tín, làm xấu hình ảnh của đất nước ta, xã hội ta trong mắt bạn bè trên thế giới.

3- Cùng với đấu tranh với tình trạng tham nhũng trong các lĩnh vực khác, trong đầu tư công, mua sắm, quản lý tài sản công, trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, trong các hoạt động tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử,... các cấp ủy đảng, chính quyền ở các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị cần phải hết sức quan tâm đẩy mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng đất đai gây bức xúc xã hội hiện nay. Đây là việc rất quan trọng, rất cấp bách phải làm, nhưng cũng là việc rất khó khăn, phức tạp. Do đó, để làm có kết quả phải có quyết tâm chính trị cao, phải rất kiên quyết, đồng thời phải kiên trì, bền bỉ; vừa có những biện pháp cấp bách trước mắt, vừa có những biện pháp cơ bản, lâu dài; vừa xây, vừa chống rất đồng bộ và cần phải có sự tham gia tích cực của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng đất đai gây bức xúc xã hội đang là một yêu cầu, đòi hỏi cấp bách hiện nay. Để giải quyết những căn nguyên của tình trạng tham nhũng đất đai hiện nay, những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương cần làm ngay hiện nay là:

Thứ nhất, tập trung xem xét, giải quyết ngay các vụ, việc khiếu kiện, nhất là các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài về đất đai ở trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, trách nhiệm của mình. Tiến hành thanh tra, kiểm tra những vụ, việc, những đối tượng có đơn, thư tố cáo, có những sai phạm liên quan đến đất đai bị phát hiện, được đăng tải trên báo chí, các phương tiên truyền thông, nhất là những vụ, việc gây bức xúc xã hội. Những vụ, việc như vậy hiện nay khá nhiều, cần phân cấp việc xem xét, giải quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương; trên, dưới đều phải cùng làm, không để “trên nóng, dưới lạnh”. Việc thanh tra, kiểm tra, xem xét, giải quyết các vụ, việc phải khách quan, thẳng thắn, đúng pháp luật, chính sách, không nể nang, né tránh, không có vùng cấm, không bị tác động bởi sự can thiệp, bao che của ai, của cấp nào; đồng thời, phải nhanh chóng, dứt điểm, không để dây dưa, kéo dài.

Thứ hai, kiểm kê, rà soát, nắm đúng thực trạng tình hình đất đai đang được quản lý, sử dụng ở các địa phương, các ngành, các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, công ty nông, lâm nghiệp, hợp tác xã; đánh giá hiệu quả sử dụng, phát hiện những nơi sử dụng đất kém hiệu quả, sai quy hoạch, sai mục đích; những đất giao cho cơ quan, đơn vị nhưng không sử dụng, để hoang hóa; những đất thu hồi của dân để thực hiện dự án nhưng nhiều năm không triển khai; những đất bị chiếm đoạt, cho thuê, chuyển nhượng sai thẩm quyền, trái pháp luật; tìm ra nguyên nhân để chỉ đạo giải quyết, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, phát hiện ra những điểm chưa hợp lý, lạc hậu so với yêu cầu của thực tiễn, những kẽ hở trong luật pháp, chính sách, quy hoạch sử dụng đất để có biện pháp khắc phục.

Cùng với những việc cần làm cấp bách trước mắt, tập trung xem xét, giải quyết những vụ, việc tham nhũng, sai phạm gây bức xúc xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương cần phải thực hiện những việc có ý nghĩa cơ bản, lâu dài để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng đất đai.

Một là, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, hoàn hiện luật pháp, chính sách về đất đai; khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn giữa những nội dung liên quan đến đất đai trong các luật chuyên ngành (như Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Thủy lợi, ...) với các quy định trong Luật Đất đai, vừa gây khó khăn, vừa tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật. Xóa bỏ cơ chế xin - cho, thực hiện đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Nhà nước cho thuê đất, giao đất cho doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, cụm dân cư, khu đô thị, các công trình hạ tầng giao thông,... phải trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức sử dụng đất của Nhà nước, phải thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch. Nhà nước quy định rõ, chặt chẽ những trường hợp được thu hồi đất đã giao cho dân sử dụng để phục vụ cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; quy định rõ cấp có thẩm quyền, quy trình phải thực hiện khi thu hồi đất và nhất là các chế độ, chính sách phải thực thiện để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước (của xã hội), lợi ích của doanh nghiệp được quyền sử dụng đất và đặc biệt là lợi ích của người dân thuộc diện có đất thu hồi; đồng thời, có những quy định khuyến khích việc sử dụng đất có hiệu quả, thu hồi đất để hoang hóa hay sử dụng sai mục đích. Phân cấp hợp lý, đồng thời phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan được phân cấp trong quản lý đất đai và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp trên, của xã hội để đất đai được phân bổ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; xử lý nghiêm minh mọi sai phạm...

Hai là, nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất của các cấp, các ngành, các địa phương, mà quan trọng nhất là quy hoạch sử dụng đất trên phạm vi cả nước của Chính phủ. Đây là cơ sở, là căn cứ chung để xây dựng các quy hoạch sử dụng đất của các ngành, các địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn giữa quy hoạch sử dụng đất của địa phương với quy hoạch của ngành. Quy hoạch sử dụng đất phải bám sát, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng, các địa phương của Chính phủ, phục vụ cho việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển đó. Quy hoạch phải khoa học, có tầm nhìn dài hạn, để việc phân bổ, sử dụng đất đai hợp lý, đạt hiệu quả cao nhất cho đất nước. Quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển các cây, con có giá trị kinh tế cao, phát huy tiềm năng, lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp, dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thông tin, thủy lợi, các công trình văn hóa, các cơ sở giáo dục đào tạo, khám, chữa bệnh, công viên, cây xanh; bảo đảm yêu cầu về nhà ở, phát triển các khu, cụm dân cư, các đô thị, phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, cần phải nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, thực hiện quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Ba là, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin điện tử về đất đai trên phạm vi cả nước, ở các địa phương, các ngành, phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và mở rộng cho nhân dân có quyền tiếp cận các cơ sở dữ liệu thông tin này (như cung cấp một dịch vụ). Các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp phải cập nhật kịp thời, chính xác những thay đổi, biến động về đất đai vào hệ thống cơ sở dữ liệu, để các cơ sở dữ liệu phản ánh đầy đủ, kịp thời những thay đổi này.

Bốn là, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, định mức về sử dụng đất cho các công trình, dự án, các nhiệm vụ, mục tiêu ở các ngành, lĩnh vực khác nhau. Để tạo điều kiện cho thị trường quyền sử dụng đất (thị trường đất đai) vận hành, phát huy vai trò trong việc phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, cần phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho việc ra đời, hoạt động của các tổ chức tư vấn pháp luật, tư vấn tài chính, đánh giá chất lượng đất và thẩm định giá đất, tiến tới hình thành ngân hàng đất đai có khả năng bảo lãnh cho các giao dịch về đất đai, cung cấp thông tin về đất đai, các dịch vụ tài chính, luật pháp cho các bên giao dịch đất đai trên thị trường.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về đất đai; đồng thời, tăng cường thông tin về tình hình đất đai, thị trường đất đai một cách công khai, minh bạch; trừng trị thích đáng hành vi tham nhũng đất đai, nhất là những vụ, việc nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, cả phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ tham mưu, nghiệp vụ quản lý đất đai. Củng cố, kiện toàn các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở các ngành, địa phương tinh, gọn, hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao; rà soát, cắt bỏ ngay những thủ tục hành chính không hợp lý trong quản lý đất đai gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đất đai - sở hữu toàn dân, vấn đề này đang được báo động đỏ. Tham nhũng đất công vẫn được hợp pháp hóa nhờ những kẻ biến chất có quyền lực, các nhóm lợi ích thao túng.

Với quyết tâm cao nhất, với sự nghiêm minh, nghiêm túc trong công cuộc chống tham nhũng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức đang được đẩy mạnh hiện nay, với quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là từ Trung ương và hành động mạnh mẽ, có hiệu quả cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng, tình trạng tham nhũng đất đai gây bức xúc xã hội hiện nay nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi./.