Đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế?

Theo Trí thức trẻ.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2020, việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cần thiết phải thống kê khu vực này bởi chỉ có như vậy, mới có thể nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác và đầy đủ hơn về quy mô của nền kinh tế.

Khu vực kinh tế ngầm ở Việt Nam có quy mô quá lớn, mà theo một nghiên cứu của đại học Fulrright có thể lên tới 23-30% GDP. Điều này đã khiến lâu nay có rất nhiều quan điểm cho rằng cần thiết phải thống kê khu vực này. Khi cập nhật lại quyền số tính GDP thì GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2020, việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức thực hiện. Khu vực này, theo Đề án, bao gồm 5 nhóm hoạt động kinh tế chưa được quan sát: kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong quá trình thu thập dữ liệu thống kê. Như vậy, "kinh tế ngầm" nếu xét theo đúng định nghĩa chỉ là một phần của khu vực kinh tế chưa được quan sát.

GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết: "Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát là nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế".

Sau khi thực hiện thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, hàng năm, các số liệu này sẽ được cập nhật vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.

Số liệu ước tính, số liệu sơ bộ, số liệu chính thức,... sẽ lần lượt được công bố vào quý I, quý II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và cả năm theo Luật Thống kê. Như vậy, kể từ năm 2020, bức tranh kinh tế của Việt Nam sẽ chân thực và hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, việc trên được cho là không dễ, bởi muốn thống kê được khu vực kinh tế này, cần phải có các hệ thống quản lý, quy định xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương. Hơn nữa, thống kê được thì quan trọng là sau đó phải quản lý được, đánh thuế được. 

Việc thống kê khu vực kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp là rất khó khăn, ngay cả với các nước phát triển. Doanh nghiệp thường có 2 loại báo cáo: báo cáo thuế và báo cáo nội bộ. Sự chênh lệch số liệu giữa 2 báo cáo này có thể coi là kinh tế ngầm và loại này thì không thể thống kê được trừ khi doanh nghiệp bị điều tra.

Khó khăn nhất là thành tố thuộc kinh tế ngầm, kinh thế phi pháp và kinh tế phi chứng thức. 3 loại hình kinh tế này thường khó lộ diện do hoạt động đa phần là "cố tình che dấu". Vì vậy, ngành thống kê không tham vọng xác định được hết các nội hàm của 5 thành tố khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhưng sẽ bóc tách các nhân tố xác định được và đưa ra lộ trình tính toán đảm bảo khả thi.

Bên cạnh đó, hiện có một số hoạt động không được công nhận tại Việt Nam dù mang lại thu nhập và theo thông lệ phải tính toán, thu thập dữ liệu, như mại dâm hay tham nhũng,... sẽ không nằm trong diện thu thập thông tin trong quá trình triển khai đề án khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Trong đó, đối với mại dâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Đây là hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam nên dù nhiều nước cập nhật vào GDP nhưng Việt Nam sẽ không tính vào GDP.

Với hoạt động tham nhũng - đây không phải là hoạt động sản xuất nên cũng không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin, tính toán của cơ quan thống kê lần này.