Hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ: Nhờn thuốc?

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Tình hình gian lận về xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước và người tiêu dùng Việt Nam.

Sản xuất hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn rất phức tạp. Nguồn: congthuong.vn
Sản xuất hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn rất phức tạp. Nguồn: congthuong.vn

Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT), đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Nội) đồng loạt tiến hành kiểm tra 3 địa điểm sản xuất, kinh doanh quần áo do bà Nguyễn Kim Hoài là chủ tại địa bàn xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội). Lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 15.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý vụ việc.

rước đó, vào cuối tháng 4/2019, Cục QLTT Hà Nội cũng phát hiện cơ sở sản xuất nước giặt giả (thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn) do ông Thái Văn Tâm làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 524 chai nước giặt (dung tích 3,6kg) mang thương hiệu của Công ty TNHH LABICO Ánh Dương (trụ sở tại phường Đức Giang, quận Long Biên). Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ thêm 25kg nhãn mác, 240 thùng carton và 170 chai nước giặt đã dán nhãn, nhưng chưa đóng hàng. Cơ sở này còn sản xuất thêm loại nước giặt, xả mang thương hiệu "Paris", nhưng không đúng theo đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ.

Đó chỉ là một vài trong số nhiều vụ được lực lượng chức năng phát hiện xử lý trong thời gian qua. Điều đó cho thấy, tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn rất phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng.

Đối với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; đối với hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề…

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý hành chính. Công tác phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa chặt chẽ, chồng chéo. Có những vi phạm có thể xử lý được nhưng phải chờ kết luận của nhiều cơ quan liên quan khác nhau, dẫn đến vụ việc kéo dài...

Theo ông Chu Xuân Kiên - Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, để việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng văn bản bảo đảm tính thống nhất thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về tác hại của việc tiêu thụ hàng giả, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ… là hết sức quan trọng. Về phía doanh nghiệp, cần xác lập quyền sở hữu trí tuệ để được pháp luật bảo vệ.

Trong 2 tháng 4 và 5/2019, lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại Hà Nội đã phát hiện và xử lý 1.977 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ với tổng số 978,4 tỷ đồng tiền phạt hành chính, truy thu thuế và bán hàng tịch thu.