Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá ống đồng Việt Nam

Theo PV/enternews.vn

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức điều tra chống bán phá giá sản phẩm ống đồng xuất xứ Việt Nam với biên độ phá giá cáo buộc lên đến 111,82%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng có xuất xứ từ Việt Nam, với biên độ phá giá cáo buộc lên đến 111,82%. Giai đoạn điều tra được tính từ 1/10/2019 đến 31/3/2020.

Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá ống đồng Việt Nam. Ảnh minh họa
Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá ống đồng Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo số liệu DOC ghi nhận, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra của Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2019 đạt 146 triệu USD.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết DOC sẽ quyết định lựa chọn bị đơn bắt buộc trong vòng 20 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng điều tra .Sau khi lựa chọn bị đơn bắt buộc, DOC sẽ gửi bản câu hỏi đầy đủ và thời hạn các bên trả lời trong vòng 30 ngày.

Trong khi theo quy định của Hoa Kỳ, trong trường hợp không nhận được thông tin trả lời đầy đủ và đúng hạn từ các doanh nghiệp có liên quan trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình điều tra, doanh nghiệp không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ đều bị DOC sẽ sử dụng dữ liệu sẵn có (thường là bất lợi với nhà xuất khẩu) để đưa ra kết luận.

Dự kiến, DOC có thể ban hành kết luận sơ bộ và áp dụng biện pháp tạm thời vào khoảng tháng 12/2020. Sản phẩm ống đồng cũng là mặt hàng thứ 5 bị Mỹ kiện phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tính từ đầu năm đến nay.

Thời gian gần đây, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam liên tục phải hứng chịu các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại. Bình luận về vấn đề này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Nguyễn Ngọc Hà, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Ngoại Thương nhấn mạnh, Việt Nam khó có thể tránh được các vụ kiện về phòng vệ thương mại, có chăng chỉ là hạn chế mà thôi.

“Có thể thấy một trong những lý do chính của việc hàng hóa Việt Nam là đối tượng của nhiều vụ việc về phòng vệ thương mại trong thời gian qua là việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu của mình, với hàng hóa có giá rẻ nhờ vào những điều kiện thuận lợi ở trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa được một số đối tác quan trọng như Hoa Kỳ và EU công nhận có nền kinh tế thị trường, nên tiếp tục gặp bất lợi trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại do các đối tác này tiến hành”, ông Hà nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp, để có thể ứng phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, ông Hà cho rằng, doanh nghiệp nên chú trọng một số vấn đề như: i) nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại; ii) thay đổi phương châm thực hiện các hoạt động kinh doanh, trong đó nhấn mạnh đến tính trung thực và sự hợp tác; iii) phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước khi kháng kiện.

Về phần mình, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị doanh nghiệp thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại và Hiệp hội để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.