Khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp tỉnh Bình Định

Theo Hoài Thu - Ngọc Nhuận/Báo Bình Định

Trong triển khai Luật Thủy sản 2017 và các giải pháp khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Bình Định, bên cạnh nhiều kết quả tích cực, thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế tồn tại cần có thêm giải pháp khắc phục đặc biệt là về quản lý tàu cá và đầu tư cho các cảng cá.

Tàu cập Cảng cá Quy Nhơn bốc dỡ cá, vận chuyển đi tiêu thụ vào tháng 9.2021. Ảnh: Hoài Thu
Tàu cập Cảng cá Quy Nhơn bốc dỡ cá, vận chuyển đi tiêu thụ vào tháng 9.2021. Ảnh: Hoài Thu

Giải quyết tồn tại, khắc phục khó khăn

Theo đánh giá chung của UBND tỉnh Bình Định và các sở, ngành địa phương liên quan, vấn đề nổi cộm còn tồn tại là quản lý hoạt động của tàu cá Bình Định khai thác vùng lộng, nhất là quản lý các tàu di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam có nguy cơ vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Xử lý tàu cá bị cảnh báo hoạt động ngoài vùng tự do đánh bắt còn hạn chế.

Nguyên nhân theo các đơn vị chức năng, địa phương là đa số các tàu cá này hoạt động xuất bến, về bến ngoài tỉnh... Bên cạnh đó, tình hình tàu cá mất tín hiệu kết nối (bị gián đoạn tin nhắn báo cáo vị trí tàu về hệ thống giám sát tàu cá) còn nhiều, gây khó khăn cho công tác quản lý và thực hiện chính sách của ngư dân.

Việc tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định và xử lý vi phạm; đồng thời theo dõi, nắm tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp dân vận, động viên cộng đồng ngư dân không vi phạm pháp luật, đề cao tinh thần ngăn chặn, tố giác các hành vi vi phạm có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn cần có thêm tính đột phá để làm thay đổi sâu sắc nhận thức của ngư dân.

Để duy trì và phát huy kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu giám sát hành trình đối với tàu cá; phối hợp xác minh để xử lý nghiêm đối với các trường hợp phát hiện vi phạm.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, CA tỉnh thống kê, lập danh sách tàu cá (hoạt động dài ngày trên biển, thường xuyên xuất, nhập bến tại các địa phương khác (nhất là các tỉnh ở phía Nam); các tàu cá bị cảnh báo, tắt thiết bị giám sát hành trình) có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, thông báo cho các Đồn/ Trạm kiểm soát Biên phòng, các Ban quản lý cảng cá, Tổ IUU trong và ngoài tỉnh để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác IUU tổ chức giữa tháng 7/2021, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị: Bộ NN&PTNT xem xét, đề xuất bổ sung quy định đối với các tàu khai thác vùng lộng di chuyển ngư trường phải được tỉnh có ngư trường chấp thuận và quản lý (do hạn ngạch khai thác vùng lộng theo quy định do UBND tỉnh có ngư trường công bố).

Đặc biệt, đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản xem xét, tổ chức kiểm tra, đánh giá lại phầm mềm Hệ thống giám sát tàu cá tại Tổng cục Thủy sản và các thiết bị giám sát hành trình của các đơn vị cung cấp để có kết luận chính thức về vấn đề quá nhiều tàu cá mất tín hiệu kết nối mà đến nay nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng.

Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh ven biển phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bình Định quản lý các tàu cá của Bình Định thường xuyên đánh bắt và cập bến tại các cảng cá phía Nam, nhất là các tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động ở vùng lộng không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.

Đầu từ nâng cấp cảng cá

EC đã rút từ khuyến nghị “thẻ vàng” thủy sản đối với Việt Nam từ 9 xuống còn 4 khuyến nghị, trong đó có khuyến nghị: Kiểm soát, giám sát tàu cá, giám sát thủy sản qua cảng, cải thiện quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về nghề cá.

Trong Luật Thủy sản cũng quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức quản lý cảng cá: Thực hiện thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng...

Ở tỉnh Bình Định, hiện Cảng cá Quy Nhơn và Cảng cá Đề Gi đạt loại II, đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, nhưng cơ sở hạ tầng đang xuống cấp... cần được đầu tư thêm để phục vụ tốt hơn chống khai thác IUU.

Cảng cá Tam Quan chỉ đạt loại III nên chưa đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, đang được đầu tư từ UBND tỉnh, UBND TX Hoài Nhơn đầu tư thêm để nâng cấp lên cảng cá loại II. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí cũng ảnh hưởng nhiều đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trong công tác này.

Ông Đào Xuân Thiện - Giám đốc Ban quản lý cảng cá tỉnh Bình Định, cho biết: Các cảng cá phải giám sát 100% tàu cá cập bến, lên cá, đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, Ban quản lý cảng cá tỉnh là đơn vị sự nghiệp, cơ chế tự thu, tự chi, nhưng nguồn thu được hằng năm của 2 Cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi đến nay vẫn đang hạn chế. Do đó, khó hợp đồng thuê nhiều lao động thực hiện, dẫn đến chưa giám sát tốt được số lượng của toàn bộ tàu thuyền cập cảng...

Để góp phần giải quyết vấn đề trên, có thể ứng dụng khoa học và công nghệ phù hợp thực tế cảng cá, như tỉnh Khánh Hòa đang quan tâm triển khai qua đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2022: “Nghiên cứu, thiết kế và xây dựng hệ thống điều khiển tàu cá ra, vào cảng và giám sát sản lượng khai thác thủy sản thông qua các cảng cá tại tỉnh Khánh Hòa”.

Đáng chú ý hơn nữa, đơn vị thực hiện đề tài này lại là Viện Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học và Công nghệ thuộc Trường Đại học Quy Nhơn; một trong những ủy viên của Hội đồng chuyên ngành tư vấn, đánh giá đề tài là TS. Trần Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.

“Việc thực hiện các nội dung nghiên cứu của đề tài này sẽ giúp cải thiện, đổi mới quy trình kỹ thuật và phương thức quản lý nghề cá phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa nghề cá Việt Nam. Qua đó, chuyên môn hóa công tác quản lý giảm sát tàu cá ra vào các cảng cá; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định...”, TS. Vinh cho biết.