Khai thác có thời hạn để bảo vệ nguồn lợi

Theo Việt Nguyễn/Báo Quảng Nam

Để quản lý chặt, bảo vệ nguồn lợi hải sản, khai thác có thời hạn là xu thế tất yếu. Khai thác có thời hạn còn để nâng cao ý thức của cộng đồng ngư dân, chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm theo quy định chặt chẽ của Luật Thủy sản.

Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều phương tiện đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Ảnh: Việt Nguyễn
Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều phương tiện đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Ảnh: Việt Nguyễn

Nguồn lợi suy giảm

Tại hội thảo trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đang giao Tổng cục Thủy sản xây dựng đề án “Cấm, hạn chế hoạt động khai thác hải sản có thời hạn ở các vùng biển Việt Nam”, tham mưu Chính phủ sớm ban hành nhằm quản lý và bảo tồn bền vững nguồn lợi hải sản. “Cấm khai thác hải sản có thời hạn là không thể khác” - ông Phùng Đức Tiến nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đồng tình với ý kiến trên và đề xuất: “Trong đề án, rất mong Bộ NN&PTNT thống nhất để Quảng Nam cấm khai thác hải sản hằng năm ở vùng biển ven bờ Cửa Đại (Hội An) phạm vi 67km2 và vùng biển phía nam Hòn Ông (Cù Lao Chàm, Hội An) phạm vi 76km2, thời hạn từ ngày 1.4 đến 30.6”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế thủy sản (đơn vị tư vấn chính dự thảo “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cho biết, sẽ giảm dần các tàu khai thác hải sản ven bờ, tiếp đến là khống chế các nghề nguy hại như lưới kéo. Cấm khai thác hải sản có thời hạn được thực hiện trên cơ sở rà soát kỹ nguồn lợi ở khu vực đó, tiến tới định hướng về số phương tiện, ngư cụ, đặc biệt sản lượng khai thác phù hợp với nguồn lợi sẵn có. Khai thác không thể tách rời bảo vệ nguồn lợi.

Khu vực ven biển Cửa Đại và phía nam Hòn Ông là ngư trường khai thác hải sản ven bờ của ngư dân Hội An, Điện Bàn và Duy Xuyên.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, nguồn lợi hải sản ở khu vực này suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài hải sản quý như cá hồng, cá mú rất hiếm khi bắt gặp, nguy cơ tuyệt chủng. Bởi vậy, giải pháp căn cơ là phải cấm khai thác từ ngày 1.4 đến 30.6, đây là thời gian sinh nở, sinh trưởng mạnh của các loài hải sản.

Ngư dân Võ Bảy (chủ tàu cá ở xã Duy Hải, Duy Xuyên) hành nghề lờ mực ở ven bờ biển Cửa Đại cho biết, sản lượng khai thác giảm mạnh trong các chuyến biển thời gian qua cho thấy trữ lượng hải sản suy giảm nghiêm trọng.

“Nhiều chuyến biển ở khu vực Cửa Đại từ tối đến sáng, tôi chỉ đánh bắt được vài ký mực, sinh kế bấp bênh” - ông Bảy nói.

Ông Ngô Xuân Đông - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, trên địa bàn hiện có 141 tàu công suất nhỏ khai thác hải sản đạt gần 3.000 tấn mỗi năm. Thống kê trên cho thấy, lượng hải sản ven bờ ngư dân khai thác được là rất lớn, gây áp lực đến việc sinh nở, tái tạo, bảo tồn nguồn lợi. Xã đã thông tin đến ngư dân là Quảng Nam sẽ cấm khai thác hải sản có thời hạn ở ven biển Cửa Đại và phía nam Hòn Ông. Các ngư dân đồng tình và mong được Nhà nước hỗ trợ về sinh kế.

Sẽ hỗ trợ thiết thực

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nghề cá thế giới. Luật Thủy sản áp dụng từ năm 2019 đã có những điểm mới là tiếp cận và quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái. Bởi vậy, cấm khai thác hải sản có thời hạn là xu hướng tất yếu, vừa bảo vệ nguồn lợi vừa nâng cao nhận thức của ngư dân về đánh bắt hải sản có trách nhiệm.

Cùng với hạn chế khai thác, Quảng Nam sẽ tạo các bãi đẻ, bãi giống, có nguồn gien mới để phục hồi nguồn lợi đã suy giảm, nhất là khôi phục các giống hải sản quý hiếm đã mất.

Theo ông Ngô Tấn, trong 3 tháng ngư dân không được khai thác hải sản, sẽ có các hình thức hỗ trợ sinh kế phù hợp. Sở NN&PTNT, ngành thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giúp ngư dân được đào tạo nghề mới, áp dụng trong thời gian nghỉ đi biển.

Về lâu dài, các ngư dân sản xuất ven bờ có thể chọn chuyển hẳn lên bờ để sinh sống bằng nghề khác. Khi áp dụng lệnh cấm đánh bắt hải sản có thời hạn, thanh tra thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, bảo tồn biển thường xuyên có mặt ở các vùng biển để tuần tra, kiểm soát, xử phạt nặng để đủ sức răn đe nếu phát hiện ngư dân đánh bắt hải sản trong thời gian cấm.

“Đồng quản lý bảo tồn biển đã được áp dụng thành công ở Cù Lao Chàm như là hình mẫu trong bảo tồn biển của cả nước và khu vực nên sẽ được vận dụng phù hợp với ngư dân Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên” - ông Ngô Tấn nói.