TP. Hồ Chí Minh:

Kiểm soát gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa

Theo Báo Nhân dân.

Những tháng cuối năm, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh khiến việc kiểm soát gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa tại các cửa khẩu diễn biến rất phức tạp.

Lực lượng Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.
Lực lượng Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, hiện có nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong thông quan điện tử để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ; hay lợi dụng thương mại điện tử, hàng hóa vận chuyển theo hình thức vận chuyển độc lập để gian lận thương mại, trốn thuế. Điều này đã và đang diễn ra ở hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.

Nhiều chiêu thức “lách” xuất xứ

Cụ thể, ở chiều nhập khẩu, các đối tượng sử dụng chiêu thức thành lập nhiều doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu một loại linh kiện, phụ tùng tháo rời từ Trung Quốc. Sản phẩm được lắp ráp hoàn chỉnh thì công khai tiêu thụ nội địa là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài ra, còn có hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Việt Nam”, “Sản xuất tại Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên bao bì, nhãn mác, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Ở chiều xuất khẩu, có tình trạng các thương nhân Trung Quốc cấu kết với người Việt Nam thành lập các công ty có máy móc thiết bị sản xuất, lắp ráp giản đơn, nhập khẩu sản phẩm đã được tháo rời và sau khi lắp ráp, gia công giản đơn sẽ xuất sang các thị trường nước ngoài, xin giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam.

Đơn cử, ngày 26/5, Đội Kiểm soát hải quan phối hợp cùng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng chứa trong công-ten-nơ theo tờ khai ngày 9/4/2021 của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vĩnh Phước Thành, phát hiện các sản phẩm thời trang có gắn lô-gô các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; trong đó, có 190 đôi giày thể thao ghi nhãn hiệu Adidas; 210 đôi giày thể thao ghi nhãn hiệu Nike; 89 túi xách tay dùng cho phụ nữ nhãn hiệu Dior. Tuy nhiên, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ vừa xác định, các hàng hóa trên là hàng giả mạo nhãn hiệu.

Ngày 1/6/2021, Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh đã bị cơ quan chức năng xử phạt số tiền 360 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo thương hiệu. Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa thuộc tờ khai ngày 18/10/2020 của Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh cho thấy, ngoài số hàng hóa phù hợp nội dung khai báo thì cơ quan hải quan còn phát hiện một số hàng hóa không khai báo. Trong đó, có hơn 4.700 đôi dép nghi giả mạo các nhãn hiệu Nike, Louis Vuitton, Gucci, Adidas, Puma và hơn 2.500 ví túi xách tay nghi giả mạo các nhãn hiệu Dior, Chanel, Micheal Kors, Louis Vuitton.

Siết chặt kiểm soát hàng gian lận

Cho đến nay, hành lang pháp luật xử lý những sai phạm trong gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa vẫn còn những tồn tại gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Hoàng Thọ, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cho biết: “Hiện vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh nội dung ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, cách ghi xuất xứ hàng xuất khẩu, chưa có quy định về quy tắc xác định xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hàng hóa để xuất khẩu gian lận ghi nhãn xuất xứ Việt Nam hoặc xuất xứ từ nước khác, nhưng cơ quan hải quan thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm tra, xử lý. Mặt khác, việc quản lý ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu cũng gặp vướng mắc khi Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa không quy định rõ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn gốc tại thời điểm làm thủ tục hải quan cũng khiến cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc xử lý”.

Theo ông Phan Mạnh Lân, Đội trưởng đội Kiểm soát Hải quan, Điều 25 Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tự chứng nhận xuất xứ chỉ đưa ra khái niệm nhưng không có hướng dẫn trình tự, thủ tục, cũng như các tiêu chí cụ thể tại Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương. Do vậy, lực lượng chức năng khó kết luận vi phạm về hành vi tự chứng nhận xuất xứ, xác minh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, pháp luật chưa có Nghị định quy định cách xác định sản phẩm hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa là của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, trong đó quy định về các tiêu chí xác định hàng hóa nào là "sản phẩm của Việt Nam"; hình thức thể hiện nội dung là "sản phẩm của Việt Nam". Do đó, cần có sự thống nhất cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về các tiêu chí như thế nào là xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu.

Để kiểm soát gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ hải quan, từ khâu làm thủ tục hải quan đến công tác quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan; thường xuyên thu thập thông tin, rà soát doanh nghiệp nhập sản xuất xuất khẩu, gia công cho nước ngoài để điều tra, xác minh, xác định các giao dịch, công ty có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất.

Hải quan thành phố đề nghị Bộ Công thương cung cấp thông tin các doanh nghiệp, mặt hàng có nghi ngờ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau thông quan. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng xác định đối tượng doanh nghiệp có rủi ro cao, có dấu hiệu gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chú trọng nhóm mặt hàng nhập khẩu từ các nước.