Lo ngại gian lận xuất xứ hàng hóa gia tăng

Theo Nhật Minh/thoibaonganhang.vn

Gian lận xuất xứ hàng hóa khiến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam thua thiệt đủ đường

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), chỉ tính riêng trong năm qua, cơ quan này đã nhận được 110 thư yêu cầu thẩm tra lại 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Trong đó, các mặt hàng bị yêu cầu thẩm tra chủ yếu là quần áo, da giày, lốp xe, nguyên liệu thủy sản như tôm, cá, mặt hàng thực phẩm... từ các thị trường EU (chiếm 90%), Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông (khoảng 10%).

Các chuyên gia VIAC cho biết, nguyên nhân số vụ việc phải kiểm tra, truy xuất lại nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là do các đối tác nghi vấn về việc làm giả chữ ký có thẩm quyền ký C/O và tổ chức cấp phát C/O theo quy định pháp luật đối với hàng không đủ tiêu chuẩn về “xuất xứ Việt Nam”. Các mặt hàng bị “nghi” chưa đủ tiêu chuẩn “xuất xứ Việt” thường là đang bị áp thuế phòng vệ thương mại, được xuất khẩu với số lượng lớn sang các thị trường chính của Việt Nam.

Đáng lo ngại hơn, trong vòng vài năm trở lại đây, rất nhiều vụ việc hàng hóa của Việt Nam bị trả về do bị nhà nhập khẩu nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” khiến cho DN xuất khẩu trong nước thua thiệt đủ đường. Cụ thể, mới đây nhất, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU), áp dụng trong 5 năm kể từ 1/2019. Trước đó, EC cũng đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe khách và xe tải có xuất xứ từ Trung Quốc, khối lượng xuất khẩu mặt hàng lốp xe khách và xe tải từ Việt Nam sang EU tăng đột biến. Điều này đã khiến EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế và chống bán phá giá đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với thị trường EU, Hoa Kỳ là một trong những thị trường nhập khẩu chính của DN Việt Nam với nhiều mặt hàng đạt giá trị kim ngạch lớn như dệt may, thủy sản, sắt thép... Tuy nhiên, thời gian qua DN xuất khẩu cũng “lãnh đủ” những thua thiệt khi bị điều tra gian lận xuất xứ, áp thuế cao khiến lượng hàng xuất khẩu sụt giảm. Câu chuyện mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm qua bị áp mức thuế suất cao  do bị điều tra có xuất xứ từ Trung Quốc khiến không ít DN xuất khẩu sắt thép của Việt Nam lao đao.

Theo nhận định của các chuyên gia, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vừa qua đã khiến vấn đề về gian lận hàng hóa được nhiều nhà nhập khẩu đặt ra. Cùng với đó là các biện pháp gia tăng phòng vệ thương mại từ thị trường này đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến các DN làm ăn chân chính, cũng như kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam.

Một cán bộ quản lý hàng xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, thực tế cho thấy trong quá trình kiểm tra xuất xứ hàng hóa các DN Việt Nam còn gặp một số vấn đề về chứng từ, dữ liệu, cơ sở sản xuất... không đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình xác định xuất xứ. Chính vì vậy, để phòng tránh việc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hoá của nguyên liệu, sản phẩm hàng hóa, DN cần phải lưu trữ, quản lý chứng từ xuất xứ đầy đủ để sẵn sàng phục vụ cho quá trình kiểm tra khi có nghi ngờ về gian lận xuất xứ.

Mặt khác, một số hiệp hội như Hiệp hội Sắt thép, dệt may, da giày, thủy sản cũng có khuyến cáo đối với các DN không nên vì lợi ích trước mắt để cho những DN nước ngoài lợi dụng danh nghĩa hàng Việt nhằm gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế. Bởi về lâu về dài thua thiệt sẽ là các DN và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị đánh thuế cao, mất uy tín dẫn đến khó có đường thâm nhập sang thị trường các nước.