Muôn vàn hệ luỵ từ sổ đỏ giả

Theo Trâm Hiền/cstc.cand.vn

Giấy tờ giả - đặc biệt là sổ đỏ giả, đang là một vấn nạn, gây ra nhiều nguy cơ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân và gây hoang mang xã hội. Việc sở hữu được các loại giấy tờ giả như chứng minh thư, bằng đại học, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất (sổ đỏ), hộ khẩu… quá dễ dàng.

Sổ đỏ được làm giả một cách tinh vi.
Sổ đỏ được làm giả một cách tinh vi.

Chỉ vài triệu đồng đã có thể mua cho mình được các loại giấy tờ giả giống y như thật này. Cũng vì thế, có nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra, xuất phát từ các loại giấy tờ được làm giả.

Quảng cáo làm giấy tờ giả công khai

Chỉ với vài cú kích chuột trên mạng, người có nhu cầu có thể tìm thấy hàng chục trang web bán giấy tờ giả được quảng cáo ở phần đầu giao diện tìm kiếm Google. Các trang web này có một điểm chung đó là được quảng cáo rất bùi tai và không bao giờ thể hiện mình làm giấy tờ giả.

Thay vào đó, các đối tượng này sử dụng các từ như "Nhận làm tất cả các loại giấy tờ theo yêu cầu", "Nhận làm sổ hồng, sổ đỏ"… với quảng cáo giấy tờ làm ra giống y như thật. Để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng chỉ giao dịch thông qua ứng dụng zalo, số điện thoại tìm kiếm được đăng tải công khai trên trang web.

Liên hệ với một đối tượng nhận làm giấy tờ giả tên Phi, người này cho biết, giá cả của các loại giấy tờ dao động từ 2 triệu cho đến 40 triệu, tùy theo chủng loại, chất lượng và tỉnh thành muốn in trong giấy. Người này khẳng định, chỉ cần sau 2 ngày có thể giao giấy tờ đến tận nơi nếu ở trong TP. Hồ Chí Minh. Còn nếu tại Hà Nội, phải tính thêm thời gian chuyển phát, mất khoảng 4-5 ngày.

Khi đặt vấn đề muốn làm một quyển sổ hộ khẩu, một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ hồng, sổ đỏ), Phi cho biết: "Hộ khẩu giá 5 triệu, sổ đỏ giá 30-40 triệu tùy khu vực. Nhưng nếu anh làm cả 2 em bớt cho 5 triệu. Chỉ cần đặt cọc một ít tiền phôi, khi nào xong thì thanh toán số còn lại, khoảng 2 ngày là có giấy tờ, sẽ có người giao tận nơi".

Khi PV hỏi, sổ giả có đem đi cầm đồ, đặt cọc lấy tiền có sợ bị phát hiện không, Phi khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Anh yên tâm, em sẽ làm cho anh cả bản photo công chứng, giống y như thật".

Tiếp tục liên hệ một đối tượng khác tên Thiệu Phong, người này báo giá "mềm" hơn so với đối tượng Phi khi chỉ yêu cầu 12 triệu cho cuốn sổ đỏ, có cùng địa chỉ với sổ hộ khẩu. Người này cho biết, giấy tờ giả làm đúng tỷ lệ 1:1, từng chi tiết được làm tỉ mỉ nên rất khó phát hiện thật giả.

Những trò lừa tinh vi

Do các đối tượng nói trên chỉ hoạt động trên mạng, yêu cầu chuyển khoản trước rồi mới làm giấy tờ nên chưa rõ độ xác thực được hành vi. Nhưng cho tới nay, đã có nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản được Công an xử lý, một trong các phương tiện dùng để gây án chính là các loại giấy tờ được làm giả giống đến mức khó có thể phân biệt.

Các loại giấy tờ do một đối tượng nhận làm giả gửi cho PV.
Các loại giấy tờ do một đối tượng nhận làm giả gửi cho PV.
 

Sự việc xảy ra gần đây nhất phải kể đến vụ đánh tráo giấy tờ giả lấy giấy tờ thật xảy ra tại quận Long Biên. Đầu năm 2020, Công an quận Long Biên nhận được đơn thư tố cáo của gia đình anh Lý Văn Việt và vợ là chị Nguyễn Minh Lệ (trú quận Long Biên, Hà Nội) về việc mình bị lừa đảo trong giao dịch mua bán đất.

Theo đơn trình báo của vợ chồng anh Việt, vào khoảng cuối tháng 12-2019, anh thấy thông tin một người đang rao bán mảnh đất tại địa chỉ khu hồ Cầu Đuống (xã Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội), có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD875253 do UBND huyện Gia Lâm cấp ngày 19/12/2006.

Do thời điểm đó đang có nhu cầu mua đất, anh Việt đã liên hệ với người môi giới để gặp chủ đất là ông Lê Đức Lương. Qua thỏa thuận, hai bên đi tới thống nhất sẽ mua bán mảnh đất trên với giá hơn 3,2 tỷ đồng. Đến ngày 26/12/2019, ông Lương đến nhà vợ chồng anh Việt, chị Lệ nhận đặt cọc 50 triệu đồng.

Ngày 27/12/2019, tại Văn phòng công chứng Long Biên (số 120 Ngô Gia Tự, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội), vợ chồng anh Việt cùng ông Lương ký hợp đồng giao dịch mua bán mảnh đất trên. Tại đây, anh Việt đưa thêm cho ông Lương 150 triệu đồng. Ngày hôm sau, chị Lệ đến ngân hàng rút tiền và giao trực tiếp cho ông Lương 3 tỷ đồng.

Đến ngày 3/1/2020, chị Lệ đến Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Gia Lâm làm thủ tục sang tên. Đến ngày 16/1, vợ chồng anh Việt nhận phản hồi về việc mảnh đất trên có vấn đề về thủ tục sang tên, do có giấy đề nghị tạm ngừng giao dịch mảnh đất trên của anh Lê Đức Bình con trai ông Lương lập vào tháng 7/2019.

Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Gia Lâm đã mời ông Lương, Bình và vợ chồng anh Việt đến làm việc. Tại buổi làm việc, vợ chồng anh Việt hốt hoảng khi chủ đất lại không phải người đã giao dịch, nhận tiền của hai vợ chồng. Ông Lương thì cho biết mình không ký bất kỳ hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên cho ai.

Nhận thấy có vấn đề đáng nghi, vợ chồng anh Việt đã gửi đơn lên Công an quận Long Biên. Qua quá trình điều tra, thu thập tài liệu Công an quận Long Biên đã làm rõ hành vi của hai đối tượng trong băng nhóm lừa đảo là Đinh Đức Hiệp và Nguyễn Mạnh Cường.

Thủ đoạn của các đối tượng này đó là thu thập các thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rao bán trên mạng Internet. Sau đó giả danh là người môi giới, liên lạc với những người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để tìm hiểu và xem giấy tờ có liên quan.

Nhóm đối tượng yêu cầu người bán gửi các giấy tờ như sổ đỏ, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu… qua mạng xã hội. Sau đó, các đối tượng sẽ tiến hành làm giả các giấy tờ này rồi hẹn gặp người bán đất để xem giấy tờ đất trước khi tiến hành mua bán.

Trong lúc chủ đất sơ hở, các đối tượng sẽ đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng giấy tờ giả. Tiếp đó các đối tượng sẽ làm giả hồ sơ để bán chính những mảnh đất trong giấy tờ vừa đánh tráo được.

Khi gặp khách, các đối tượng sẽ cho người mua xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và giấy các giấy tờ có liên quan để trao đổi, thỏa thuận giá cả mua bán. Sau đó tiến hành chuyển nhượng tại phòng công chứng và chiếm đoạt tiền của người mua. Các đối tượng tham gia "phi vụ" cũng được Hiệp và Cường "dựng" lên để làm thủ tục. Mỗi người đóng thế sẽ được trả công khoảng 400 triệu đồng. Người mua chỉ biết bị lừa khi gặp chủ đất thật sự hoặc mảnh đất đã được "đóng băng" khi chủ đất nhận ra giấy tờ bị đánh tráo.

Ngày 7/3, Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đinh Đức Hiệp về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối tượng Nguyễn Mạnh Cường cũng bị Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) khởi tố và tạm giam về cùng hành vi trên. Vụ án vẫn được tiếp tục điều tra làm rõ.

Có thể nhận biết thật giả?

Qua các vụ việc diễn ra trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện đang có hai dạng sổ đỏ giả phổ biến đó là sổ làm từ phôi thật được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp cho các địa phương. Các phôi này bị đánh cắp rồi tuồn ra ngoài, cung cấp cho các đối tượng làm giả. Loại thứ hai là giấy tờ giả hoàn toàn nhưng được thực hiện một cách tinh vi từng chi tiết. Sau nhiều vụ việc có thể nhận thấy, các loại giấy tờ giả này làm tinh vi đến mức, có thể qua mắt được công chứng viên.

Tuy nhiên để phòng tránh, không trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm này, người dân phải hết sức tỉnh táo trong việc mua bán. Để dễ tìm "con mồi" các đối tượng mua bán bằng giấy tờ giả thường hạ giá tài sản thấp hơn so với thị trường. Khi mua bán, chúng thường "dễ dãi" một cách đáng ngờ để thúc đẩy giao dịch diễn ra nhanh chóng.

Ngoài ra, các loại giấy tờ giả đôi khi vẫn có điểm khác biệt so với giấy tờ thật. Đó là những sơ xuất khi các đối tượng làm giả mắc phải như tên địa danh, địa chỉ lô đất, phường, xã… Người mua cũng có thể xem xét kĩ các chữ ký trên giấy tờ giả. Do được làm giả nên phần chữ ký này thường không dứt khoát, thường bị run, không sắc nét như chữ ký thật.

Khi cấp sổ đỏ cho người dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi trong hồ sơ lưu số phôi và số quyết định cấp. Chỉ cần so sánh hai số này, nếu một hoặc cả hai đều không có trong hồ sơ lưu tại các địa phương thì đó là sổ giả, kể cả trường hợp sổ giả được in trên phôi thật.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu khả nghi, người mua phải thận trọng hơn và có sự kiểm chứng giấy tờ thật kỹ lưỡng tại các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện giao dịch mua bán. Nên thực hiện theo nguyên tắc tìm hiểu kỹ pháp lý lô đất, ngôi nhà (chủ sở hữu lô đất, tình trạng lô đất có thế chấp, tranh chấp gì hay không) và chỉ thực hiện giao dịch trực tiếp với chủ sở hữu bất động sản đó.

Người có hành vi làm, sử dụng sổ đỏ giả để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị truy tố hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hình phạt cao nhất đối với hành vi này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra còn có thể bị truy tố tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với hình phạt cao nhất là phạt tù 3-7 năm.