Năm 2018, đạt kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán

PV.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính đến ngày 18/12/2018, đã có 9 cá nhân bị phạt hành chính về hành vi vi phạm thao túng giá cổ phiếu với mức phạt lên tới 5,1 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt về tội thao túng giá chứng khoán chiếm hơn 25% trong tổng số tiền phạt của cả năm. Với kết quả này, 2018 được xem là năm kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán.

Năm 2018, đã có 9 cá nhân bị phạt hành chính về hành vi vi phạm thao túng giá cổ phiếu với mức phạt lên tới 5,1 tỷ đồng. Nguồn: Internet
Năm 2018, đã có 9 cá nhân bị phạt hành chính về hành vi vi phạm thao túng giá cổ phiếu với mức phạt lên tới 5,1 tỷ đồng. Nguồn: Internet

Mới đây nhất, ngày 18/12/2018, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 1140/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Quang Dũng (địa chỉ tại Hoài Đức, TP. Hà Nội), vì hành vi thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần May Phú Thành (mã chứng khoán: MPT).

Cụ thể, qua kết quả kiểm tra của UBCKNN, ông Nguyễn Quang Dũng đã sử dụng 24 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu MPT. Dù theo kết quả xác minh của Cơ quan công an, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu MPT của ông Nguyễn Quang Dũng gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng với mức độ vi phạm nói trên, ông Dũng bị phạt tiền 550 triệu đồng, theo quy định của pháp luật hiện hành tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 và Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ.

Trong số 9 cá nhân bị phạt về tội thao túng giá chứng khoán trong năm 2018, chỉ có 1 trường hợp phải thực hiện thêm biện pháp khắc phục hậu quả. Đó là trường hợp vi phạm của ông Bùi Ngọc Bút (địa chỉ tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), sử dụng 38 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC). Ngoài việc phải nộp phạt số tiền là 550 triệu đồng, nhà đầu tư này còn phải thực hiện thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm với số tiền gần 150 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền ông Bút phải nộp là gần 700 triệu đồng.

Theo UBCKNN,  năm 2018 được xem là năm kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán trên thị trường chứng khoán (TTCK), một phần là do Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) được bổ sung thêm các tội: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng TTCK (Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212). Trong đó, quy định đối với tội danh “Thao túng TTCK” đã được bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm là “thu lợi bất chính”. Cụ thể: Trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

Hiện nay dù cơ quan quản lý đã áp dụng mức xử phạt nặng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, tuy nhiên vẫn có không ít nhà đầu tư vi phạm. Theo UBCKNN, các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK còn thể hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn.

Thực tế này đặt ra yêu cầu mức xử phạt vi phạm chứng khoán cần mạnh mẽ hơn nữa, để tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm. Trong quá trình soạn thảo Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), UBCKNN đã kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung vào Dự thảo Luật các hình thức xử phạt mới có tính răn đe cao, với kỳ vọng giữ vững kỷ cương thị trường.

Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực chứng khoán, như: hành vi thao túng TTCK, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán, theo Dự thảo Luật ngoài việc bị xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị tịch thu toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và có thể bị áp dụng các biện pháp khác như: Đình chỉ/cấm giao dịch; Cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhận chức vụ...

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đầu tư, pháp luật ra thị trường để giúp thị trường lành mạnh hơn cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư trên TTCK.