5 luật có hiệu lực chính thức từ đầu tháng 7

Theo kinhtetrunguong.vn

(Tài chính) Từ 1/7/2014, 5 Luật sẽ có hiệu lực thi hành, đó là các Luật Đất đai; Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Đấu thầu; Tiếp công dân; Phòng cháy và chữa cháy.

5 luật có hiệu lực chính thức từ đầu tháng 7
Từ 1/7/2014, 5 Luật sẽ có hiệu lực thi hành. Nguồn: internet

1. Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị và xã hội của đất nước. Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003.

Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Luật Đất đai năm 2013 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Luật cũng quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân.

Luật Đất đai đã bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người một giấy chứng nhận, hoặc cấp chung một sổ đỏ và trao cho người đại diện.

Trường hợp đất là tài sản chung của vợ chồng thì giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, nếu giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu.

Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Luật quy định cụ thể về những trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước phải thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như quy định tại Điều 54 của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật cũng quy định các chế tài mạnh để xử lý các trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng đó là do phép chậm tiến độ hơn so với quy định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng cho phép chậm tiến độ này mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.

Quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Yêu cầu về bảo đảm sinh kế cho người có đất thu hồi đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn trong Luật sửa đổi thông qua quy định về các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở và một số khoản hỗ trợ khác.

Luật Đất đai năm 2013 cũng bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động; quy định đăng ký đất đai trên mạng điện tử.

Việc quy định hình thức đăng ký điện tử nhằm góp phần tích cực vào tiến trình cải cách hành chính, khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký.

2. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên

Với 5 chương, 80 điều, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) kết cấu lại và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Về nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật bổ sung làm rõ nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cũng như tăng tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật, Luật đã bổ sung quy định công khai kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí.

Đáng chú ý, Luật bổ sung, làm rõ một số quy định liên quan việc phát hiện lãng phí và xử lý thông tin phát hiện lãng phí; định mức, tiêu chuẩn, chế độ; hành vi gây lãng phí. Theo đó, việc phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí là điểm mới quan trọng của Luật, tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí góp phần ngăn chặn lãng phí cũng như để xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra lãng phí.

Thông tin phát hiện lãng phí dưới mọi hình thức phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra lãng phí xem xét, xử lý, khắc phục kịp thời và thực hiện việc giải trình về việc để xảy ra lãng phí.

Luật hoàn thiện cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; bổ sung quy định đối với các trường hợp sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đi công tác... phải thực hiện kiểm toán nội bộ hằng năm để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hành tiết kiệm, tham gia phát hiện lãng phí, Luật bổ sung quy định việc khen thưởng và nguồn khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, tham gia phát hiện lãng phí, chống lãng phí. Đồng thời, Luật cũng quy định cụ thể các trường hợp phải xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước.

3. Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 với 13 chương, 96 điều.

Luật Đấu thầu chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.

Luật quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá để phù hợp với từng loại hình và quy mô của gói thầu; đồng thời khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

Nhằm tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu; quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định, các biện pháp phạt bổ sung như đăng tải công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên Báo đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, buộc phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định.

4. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân

Luật Tiếp công dân được coi là đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất về tổ chức và hoạt động tiếp công dân, gồm 9 chương, 36 điều.

Về trách nhiệm của người tiếp công dân, Luật quy định người tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật…

Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình; đồng thời trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan còn có trách nhiệm tiếp công dân đột xuất trong những trường hợp nhất định…

5. Tăng cường quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Luật bổ sung các quy định mới về kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy; phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân; phòng, chống cháy, nổ đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.

Luật nghiêm cấm các hành vi mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người và không báo cháy khi có điều kiện báo cháy, trì hoãn việc báo cháy.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.