Án tham nhũng kinh tế làm “nóng” nghị trường

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Tội tham ô, môi giới hối lộ và nhận hối lộ được phát hiện ở nhiều lĩnh vực, tập trung trong quản lý tài sản công, đầu tư công; quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; y tế.

 Án tham nhũng kinh tế làm “nóng” nghị trường
Tội tham ô, môi giới hối lộ và nhận hối lộ được phát hiện ở nhiều lĩnh vực. Nguồn: internet

Báo cáo công tác của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp trước Quốc hội cho thấy, tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm kinh tế, tham nhũng đang diễn biến rất phức tạp.

Số vụ án tham nhũng tăng 12,9%

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động, làm gia tăng các loại tội phạm và các vụ án cũng có tính chất nghiêm trọng hơn.

Số vụ án khởi tố mới tăng 1,23% so với năm 2012. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn giáp ranh ở một số địa phương.

Các tội xâm phạm trật tự, quản lý kinh tế tăng 5,19% về số vụ, 7,53% về số bị can so với năm 2012, nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Tội phạm về tham nhũng đã phát hiện, khởi tố, điều tra tăng 12,9% về số vụ và tăng 15,56% về số bị can so với năm 2012.

Trong đó, tội tham ô, môi giới hối lộ và nhận hối lộ được phát hiện ở nhiều lĩnh vực, tập trung trong quản lý tài sản công, đầu tư công; quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; y tế.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng cho biết, chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm có chuyển biến tốt hơn.

Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 76,6%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90%.

Về thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, tỷ lệ giải quyết án của Viện Kiểm sát đạt 93,3%, số án trả hồ sơ điều tra bổ sung giảm 0,07%, số bị can đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn mà không chứng minh được tội phạm giảm mạnh ở cơ quan điều tra 49,3%, ở Viện Kiểm sát giảm 51%.

Về xét xử, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, toàn ngành giải quyết 364.800 vụ án các loại trong số 395.400 vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ 92,3%; số án còn lại mới thụ lý và còn thời hạn giải quyết. Số vụ án tăng thêm 34.400 vụ, giải quyết tăng hơn 31.000 vụ.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tội phạm ở nước ta đã được kiềm chế một bước quan trọng.

Các lực lượng công an, quân đội, hải quan... đã phối hợp trong tuần tra bắt giữ và xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Mọi cấp, mọi ngành cần phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nơi nào tội phạm hoành hành thì ở đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, mà trước nhất là ngành công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và chính quyền”. 

Án treo trong tham nhũng kinh tế còn nhiều

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hiện cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 6 vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, dư luận quan tâm gồm vụ án Dương Chí Dũng, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Dương Đình Trọng, Vũ Quốc Hảo, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Thị Thanh Huyền. Trong đó, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Vũ Quốc Hảo, Dương Đình Trọng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng và chuyển hồ sơ đến tòa án.

Dự kiến, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử hai vụ án vào đầu tháng 11/2013, các vụ còn lại xét xử từ nay đến cuối năm. Các án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng còn lại đang được các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra.

Tuy nhiên, trong xét xử án tham nhũng, có tình trạng án treo trong tham nhũng kinh tế nhiều, cần có sự đánh giá để áp dụng án treo đúng hơn.

Theo Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thuộc thẩm quyền Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và đã có nhiều vụ án hình sự bị kháng nghị theo hướng đề nghị hình phạt nặng hơn với các trường hợp án treo hoặc xử không đúng.

Đối với tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát còn thấp, Trung tướng Trần Văn Độ đề nghị là phải xử lý nhanh khi phát hiện các vụ tham nhũng.

Nguyên nhân là do án tham nhũng thường được phát hiện từ khâu thanh tra, kiểm tra, sau đó mới chuyển sang các cơ quan tiến hành tố tụng để điều tra, khởi tố, xét xử. Bởi vậy, các đối tượng có thời gian tẩu tán tài sản.

Cũng theo Trung tướng Trần Văn Độ, trong công tác phòng chống tham nhũng, quan trọng nhất là phải có biện pháp, cơ chế ngăn ngừa hành vi phạm tội. “Để tham nhũng xảy ra rồi mới đuổi theo điều tra xét xử là không ổn. Đó chỉ là biện pháp tạm thời.

Muốn chống tham nhũng từ gốc rễ, cần phải có chính sách pháp luật để tham nhũng không còn đất sống”, Trung tướng Trần Văn Độ nói.