Báo động trục lợi bảo hiểm phi nhân thọ

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Trục lợi bảo hiểm luôn là vấn đề đối với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Tỉ lệ trục lợi bảo hiểm càng cao thì hiệu quả kinh doanh của DN càng thấp. Do vậy các DNBH luôn cố gắng hết mức để ngăn chặn các hành vi trục lợi bảo hiểm, đặc biệt là hành vi trục lợi bảo hiểm phi nhân thọ.

 Báo động trục lợi bảo hiểm phi nhân thọ
6 tháng đầu năm 2013 đã có 6 vụ trục lợi bị phát hiện và một số vụ lớn đã đưa ra tòa án để phân xử. Nguồn: internet
Ngày càng tinh vi

Theo thống kê của Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, năm 2012 doanh thu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) đạt 22.757 tỉ đồng tăng trưởng 10,33%, bồi thường đạt 8.873 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 39%. Trong 6 tháng đầu năm 2013, thị trường bảo hiểm tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của toàn ngành kinh tế. Tổng doanh thu thị trường BHPNT đạt 12.225 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 6%.

Bồi thường toàn thị trường là 5.110 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường là 41,8%. Với tiền bồi thường hợp đồng hằng năm lên tới hàng ngàn tỉ đồng thì chỉ với tỉ lệ nhỏ số tiền trục lợi được cũng rất lớn.

Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - cho biết theo thống kê của các DNBH thuộc hiệp hội thì tỉ lệ hồ sơ nghi vấn trục lợi bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 10%, tăng đáng kể so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong 10% số hồ sơ mà DNBH đưa vào diện nghi vấn thì có 50% hồ sơ DN phát hiện được bằng chứng, còn 50% các DN buộc phải thanh toán.

“Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sau khi nhận đủ hồ sơ, chứng từ thì trong vòng 15 ngày DN buộc phải giải quyết bồi thường. Nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Do vậy các DN thường không có đủ thời gian để xác minh” – ông Lộc nói.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện của BHPNT Bảo Việt cho rằng các DNBH hiện gặp nhiều khó khăn trong chống trục lợi bảo hiểm do nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Hành vi trục lợi không chỉ gây thiệt hại tài chính cho các DNBH và còn thiệt hại tới người mua bảo hiểm chân chính vì làm tăng phí bảo hiểm.

“Các DNBH hiện nay chống trục lợi chỉ như hình thức tự vệ và nhược điểm rất lớn trong chống trục lợi bảo hiểm là chưa có sự quan tâm cũng như hành lang pháp lý đầy đủ. Ngoài ra, mối liên kết giữa các DNBH để chống trục lợi rất hạn chế và DNBH cũng chưa có hệ thống, bộ máy cũng như con người chuyên nghiệp về chống trục lợi bảo hiểm”- vị đại diện này cho biết.

Thống kê của riêng Bảo Việt, trung bình mỗi năm có hơn 10 vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện với số tiền trục lợi ở mỗi vụ từ 200-300 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã có 6 vụ trục lợi bị phát hiện và một số vụ lớn đã đưa ra tòa án để phân xử.

Bài học từ Nhật Bản

Trục lợi bảo hiểm không chỉ là vấn đề nhức nhối đối với DNBH Việt Nam mà với ngay cả nước có thị trường bảo hiểm phát triển như Nhật Bản, số vụ và số tiền trục lợi bị phát hiện hằng năm rất lớn. Từ 2001-2011, mỗi năm các DNBH Nhật phát hiện hàng trăm vụ trục lợi bảo hiểm từ tai nạn giao thông, số tiền trục lợi lên tới hàng trăm triệu yen.

Theo ông Hiroshi Kinoshita - chuyên gia Học viện BHPNT Nhật Bản - để đối phó với trục lợi bảo hiểm, cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp với quyết tâm cao. Trước hết là đẩy mạnh hiểu biết của người dân về tác dụng ngược của trục lợi bảo hiểm, bởi không chỉ DNBH mà cả người tham gia đều là nạn nhân. Thiết lập mạng lưới thu thập thông tin hiệu quả.

Ví dụ Hiệp hội BHPNT Nhật Bản (GIAJ) có 1.600 văn phòng xử lý khiếu nại, bồi thường với 32 ngàn chuyên viên xử lý khiếu nại bồi thường. Tại Nhật Bản, GIAJ có 2,4897 chuyên gia về đánh giá tổn thất tài sản và 8.766 chuyên viên giám định bảo hiểm ôtô. Các DNBH thuộc GIAJ liên kết trao đổi cơ sở dữ liệu  thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và khiếu nại đòi bồi thường tránh giao kết hợp đồng không phù hợp hay hợp đồng gian lận như bảo hiểm trùng...

Để chống trục lợi bảo hiểm hiệu quả, các DNBH phải có biện pháp ngăn ngừa ngay từ khâu khai thác như giám định, đánh giá chất lượng tài sản không hư hỏng mới chấp nhận bảo hiểm. Khi có dấu hiệu gian lận trục lợi bảo hiểm cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan công an để vào cuộc điều tra kịp thời.

Để răn đe các đối tượng trục lợi bảo hiểm, cả đại diện DN cũng như Hiệp hội Bảo hiểm đều cho rằng cần có quy định luật pháp với chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn. Hiện nay các vụ trục lợi bị phát hiện chỉ dừng lại ở việc rút đơn đòi bồi thường chứ chưa có hình thức xử phạt nào thêm.

Ông Phùng Đắc Lộc (Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam)