Chính sách pháp luật tạo đà phát triển ngành dự trữ

TS. Phạm Phan Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

(Tài chính) Việc xây dựng cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về Dự trữ Quốc gia (DTQG) là công tác trọng tâm, được lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) coi là điểm đột phá, tạo sức bật mới cho toàn ngành. Nhờ đó, những hoạt động liên quan tới DTQG đều được thông suốt, giúp vận hành các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh của đất nước ta.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cùng các thành viên Tổ biên tập Luật DTQG, tại Hội nghị phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật DTQG. Nguồn: HS.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cùng các thành viên Tổ biên tập Luật DTQG, tại Hội nghị phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật DTQG. Nguồn: HS.
Luật DTQG vào cuộc sống

Điểm nổi bật trong giai đoạn này là Luật DTQG được Quốc hội khóa 13 kỳ họp thứ 4 thông qua (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013) thay thế cho Pháp lệnh DTQG. Đây là một thành công rất lớn đối với hoạt động DTQG, là kết quả sự nỗ lực tập trung của toàn ngành, cùng với sự giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan đầu ngành, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG.

Việc Luật DTQG được Quốc hội thông qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của ngành DTNN được giao. Đó là một bước tiến dài trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG; góp phần khẳng định vị trí, vai trò của ngành DTQG trong nền kinh tế xã hội. Đã tạo thêm nhiều cơ chế mới cho hoạt động DTQG; giải quyết được một số vướng mắc trước đây như nguồn vốn để mua hàng dự trữ vượt dự toán; chuyển kinh phí sang năm sau đối với việc mua một số mặt hàng đặc thù; các trường hợp mua hàng cần chỉ định thầu để đáp ứng yêu cầu khẩn trương, cấp bách; quy định về nguồn ngân sách chi cho DTQG.

Chỉ sau một năm Luật DTQG có hiệu lực thi hành, để luật thực sự đi vào đời sống đem lại hiệu quả cao, năm Tổng cục DTNN đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành đồng bộ hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật DTQG như Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013. Bên cạnh đó, để đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn luật và nghị định, Tổng cục DTNN đã xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành 8 thông tư hướng dẫn. Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật DTQG đến nay về cơ bản đáp ứng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động DTQG theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn, hoạt động đặc thù của DTQG.

Đánh giá về nỗ lực đưa Luật DTQG vào đời sống, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí khẳng định: “Nhờ sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao, Tổng cục DTNN đã phát huy vai trò tham mưu cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai đưa Luật DTQG vào cuộc sống. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm luật có hiệu lực, ngành DTQG đã có bước trưởng thành đáng khích  lệ”.

Chính sách, pháp luật phục vụ cải cách, tháo gỡ khó khăn

Tổng cục DTNN luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực chính sách pháp chế của ngành Tài chính. Điển hình như trong giai đoạn 2009- 2013, Tổng cục DTNN đã chủ động xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị được phân công quản lý hàng DTQG để giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực chính sách, pháp chế liên quan. Hàng loạt các thông tư quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG, các quy định nội ngành, các định mức kinh tế kỹ thuật, chiến lược phát triển DTQG, quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG được ban hành.

Cùng với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG,  Tổng cục DTNN còn được xem là đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật DTQG và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành được thực hiện thường xuyên liên tục, đổi mới, hoạt động đi vào chiều sâu...

Trong thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, thực hiện Luật DTQG: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức nhập, xuất, bảo quản đối với hàng DTQG. Xây dựng tiêu chuẩn đối với hệ thống kho DTQG theo quy hoạch. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành: cơ chế quản lý và huy động vốn cho DTQG; cơ chế chính sách đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học - kỹ thuật…; cơ chế chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động DTQG.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước, kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Tài chính, của chính phủ. Đặc biệt, thường xuyên rà soát và kiến nghị thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực DTQG, nhất là những thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Riêng trong lĩnh vực chính sách pháp chế, Tổng cục DTNN đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ,  Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đó là, năm 2013 Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, năm 2012 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc 5 năm liên tục 2009-2013, năm 2011 được tặng Cờ thi đua của Bộ Tài chính.