Chống thực phẩm bẩn và câu chuyện niềm tin của người tiêu dùng

Theo THỦY BÍCH/doanhnhansaigon.vn

Có quá nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ là một trong những yếu tố khiến việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trở nên khó khăn tại Việt Nam.

Vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam đang được quan tâm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam đang được quan tâm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam đang được quan tâm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội 2018 đang đến gần. Hàng lậu, hàng giả, hàng nhái và các sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.

Trong những năm gần đây, mặc dù có nhiều nỗ lực từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận không những không suy giảm mà còn có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2017, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.869 người mắc, 3.700 người đi viện và 24 trường hợp tử vong.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ cho rằng, muốn chống thực phẩm bẩn phải truy xuất được nguồn gốc.

“Chúng ta cần phải truy xuất rõ nguồn gốc mới chống được thực phẩm bẩn. Đây sẽ là cơ sở để phát hiện thực phẩm này xuất xứ từ đâu, từ đó người sản xuất mới gắn được trách nhiệm của họ vào việc sản xuất”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, bên cạnh việc phát hiện thực phẩm bẩn, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn là một yếu tố then chốt trong việc tăng cường các chuỗi giá trị và xây dựng lòng tin với sản phẩm, với chuỗi giá trị thông qua việc tuân thủ các quy định của ngành hàng.

Truy xuất nguồn gốc cung cấp thông tin xác thực về sản phẩm tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ; cho biết liệu đơn vị cung cấp có nỗ lực trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hay sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ quá trình hay không.

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn gặp không ít khó khăn.

Bà Trần Việt Nga - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm không đạt chất lượng vẫn chưa nghiêm. Bởi ngay từ ban đầu phải có hệ thống kiểm soát thì mới truy xuất và thu hồi được, nhưng do Việt Nam có quá nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ nên việc kiểm soát rất khó khăn.

Có cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, nguồn thực phẩm chính là nhỏ lẻ ở nông dân và được bán ở các chợ nên việc quản lý rất khó khăn. Nhà nước cũng đã và đang có chủ trương làm thế nào để sản xuất nhỏ lẻ tăng quy mô vì có nâng tầm thì quản lý mới tốt hơn được. Tuy nhiên, đó vẫn là câu chuyện rất khó vì còn có nhiều vấn đề liên quan tới quy mô, chất lượng. Đây đang là thực trạng chi phối rất lớn tới việc quản lý an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề xuất việc tạo lập chuỗi và quan tâm kiểm soát quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến lưu thông sản phẩm trên thị trường vì kiểm soát được chuỗi thì mới có cơ sở để truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, để truy xuất được là một chuyện, để người dân hiểu và chấp nhận sản phẩm sạch và an toàn lại là một câu chuyện khác. Nhiều doanh nghiệp cho rằng người dân thường không quan tâm hay để ý đến giấy chứng nhận hoặc tem truy xuất nguồn gốc mà phải nhìn bằng mắt, sờ bằng tay thì mới an tâm.

Đại diện cho các doanh nghiệp về chống thực phẩm bẩn, bà Nguyễn Thùy Dương - Tổng giám đốc Siêu thị SEIKA Mart cho biết niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm vẫn chưa có khi bản thân nhiều sản phẩm đã có chứng nhận.

Từ góc độ nhà sản xuất, ông Lê Khánh Mạnh - TGĐ Công ty CP Đầu tư và xây dựng DELCO cho biết để có được sản phẩm an toàn không hề dễ dàng. “Chúng tôi phải đầu tư rất nhiều cho công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc từ đầu tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi có tem truy xuất nguồn gốc thì chỉ có 20% khách hàng có thể hiểu được truy xuất nguồn gốc đó”, ông Mạnh chia sẻ.

Theo ông Mạnh, việc truy xuất này với từng doanh nghiệp sản xuất thì không quá khó nhưng để nhân rộng cho hộ cá thể, bà con nông dân làm được thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều.