Chủ động phòng chống gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo daibieunhandan.vn

Trước thực trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, BHXH TP. Hà Nội đã chủ động phối hợp các ngành chức năng triển khai các biện pháp kiểm soát tình trạng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phối hợp chặt chẽ

Theo BHXH TP. Hà Nội, những vi phạm pháp luật về BHXH như trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lớn; làm giả hồ sơ để lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người tham gia BHXH, BHYT và việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Chính vì vậy, ngay sau khi Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát) và BHXH Việt Nam ban hành Quy chế số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXHVN ngày 16/5/2012, BHXH TP. Hà Nội đã chủ động trao đổi với công an thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung phối hợp giữa hai ngành.

Ngay từ đầu năm 2013, hai ngành đã ban hành Hướng dẫn số 01/QCPH-CATP-BHXH, với mục đích tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin để nắm bắt các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các hành vi vi phạm pháp luật khác, nhằm phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót về quy trình nghiệp vụ, cơ chế, chính sách trong công tác quản lý để khắc phục hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Sau 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan công an trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh kịp thời các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo đảm an sinh xã hội

Theo  Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Vũ Đức Thuật, thời gian qua, BHXH Hà Nội và Công an thành phố đã chủ động, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu về thu nộp BHXH của các đơn vị sử dụng lao động, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nợ đọng BHXH, thông tin công tác xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Công an TP, mà trực tiếp là Phòng PC46, đã tích cực sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, bám sát tình trạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT để tham mưu ban hành Văn bản số 975/2015/ CAHN-PC46 về việc tổ chức công tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm trong lĩnh vực BHXH, xử lý nợ BHXH; qua đó đã kịp thời chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Đồng thời, BHXH thành phố đã chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động, phối hợp với công an cùng cấp đề xuất UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành để thanh, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm pháp luật, để nợ đọng BHXH.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành hoạt động rất hiệu quả, khiến việc chây ỳ đóng BHXH giảm đáng kể, nếu trong 6 tháng đầu năm 2014, thu hồi trên 30 tỷ đồng nợ đọng, thì tỷ lệ này đã giảm khá nhiều, khi 5 tháng đầu năm 2017, cơ quan BHXH chỉ phải tổ chức kiểm tra, xử lý 8 đơn vị cố tình chây ỳ, nợ đóng BHXH, thu hồi 7,8 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Đức Thuật, trong thời gian tới, BHXH TP. Hà Nội tiếp tục chủ động phối hợp với công an thành phố và các ngành đẩy mạnh tuyên truyền tới các đơn vị, tổ chức và cá nhân về pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra tại các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; đơn vị có dấu hiệu vi phạm Luật BHXH, BHYT để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm, bảo đảm quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, thực hiện tốt an sinh xã hội trên địa bàn.