Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại Tết Đinh Dậu 2017

Theo baocongthuong.com.vn

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, mức luân chuyển hàng hóa sẽ tăng cao, hàng giá rẻ được tiêu thụ mạnh càng làm gia tăng tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại. Do đó, lực lượng quản lý thị trường nói chung và Đội quản lý thị trường số 16 nói riêng đã triển khai thực hiện một cách toàn diện nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Hữu Hòa - Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 16 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) - cho biết: Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Đội quản lý thị trường số 16 đã chủ động nắm bắt địa bàn, nắm bắt thông tin và cùng sự phối hợp của các lực lượng chức năng, cơ quan công an, thành phố….

Theo đó, Đội quản lý thị trường số 16 đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát, trong đó, đặc biệt chú trọng, đi sâu vào chống hàng nhập lậu, các hàng hóa liên quan đến an toàn thực phẩm như bánh, kẹo,… đồ chơi trẻ em không chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn huyện Gia Lâm. Trong quá trình đấu tranh, Đội quản lý thị trường số 16 đã thu giữ nhiều sản phẩm bánh kẹo có xuất xứ từ Trung Quốc không hóa đơn chứng từ, cùng các loại xe đồ chơi ôtô, môtô có giá trị, vải, giày dép, mỹ phẩm….

“Trong dịp ra quân Tết Đinh Dậu 2017, chúng tôi đã kiểm tra, thu giữ và xử lý rất nhiều vụ việc, lớn nhất là vụ thu giữ 6.400 thẻ nhớ với trị giá số hàng hóa trên 1,6 tỷ đồng, hơn 2 tấn vải xử phạt 150 triệu đồng, 58 chiếc ôtô, môtô đồ chơi loại to (giá 2-3 triệu/chiếc), 1,2 tấn bánh kẹo...”, ông Hòa chia sẻ.

Cũng theo ông Hòa, trong thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán, các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn với thời gian và địa điểm khác nhau, thường vào đêm khuya. Khi lực lượng chức năng phát hiện và kiểm tra, lái xe bỏ hàng từ 0h ngày hôm đó đến tận 9h sáng mới đến để tiếp cận đưa hàng hóa về trụ sở để giải quyết. Hàng hóa nhập lậu thường được các đầu nậu tập kết tại các tỉnh lân cận, sau đó được xé lẻ và vận chuyển bằng xe nhỏ về chạy ban đêm với tốc độ cao…

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả, ông Hòa kiến nghị, rất cần sự quan tâm của các cấp đối với lực lượng quản lý thị trường nói chung và lực Đội quản lý thị trường số 16 nói riêng.

Theo đó, cố gắng tạo điều kiện về cơ sở vật chất làm việc, trụ sở cũng như có những chính sách hỗ trợ cho anh em khi phải thực hiện làm đêm và làm quá giờ để tăng cường động viên anh em có sức khỏe, ý chí cao hơn thực hiện nhiệm vụ. “Hiện nay, đội đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trụ sở thuê, không có chỗ để hàng bắt giữ, nên việc thực hiện nhiệm vụ còn nhiều khó khăn”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cũng khuyến nghị, người dân khi mua hàng hóa ngoại nhập cần xem kỹ thông tin trên nhãn hàng hóa, vì đối với hàng hóa do nước ngoài sản xuất bao giờ cũng có nhãn phụ, trên nhãn phụ này thể hiện rõ thông tin rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, thời gian nhập, chất lượng chính xác nhất của sản phẩm hàng hóa đó... Đồng thời, người dân cần yêu cầu người bán hàng xuất hóa đơn chứng từ. Đặc biệt, người dân không nên mua hàng hóa ở những nơi không có cửa hàng cửa hiệu.

Chỉ tính riêng trong đợt ra quân Tết Đinh Dậu 2017, Đội quản lý thị trường số 16 đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ và xử lý 22 vụ với 22 đối tượng, chủ yếu là các sản phẩm vải, giày dép, mỹ phẩm… Tổng số lượng hàng hóa, thu giữ, xử phạt lên tới khoảng 2,6 tỷ đồng.