Dự án xây dựng cầu Nhật Tân: Vẫn nỗi lo cũ

Theo hanoimoi.com.vn

Cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu đang được Bộ GTVT tập trung thi công để hoàn thành, thông xe vào quý IV/2014. Tuy nhiên, dự án sẽ khó có thể về đích đúng tiến độ và kết nối hiệu quả với hệ thống giao thông của Thủ đô chỉ bởi một lý do rất cũ: Vướng mặt bằng.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân: Vẫn nỗi lo cũ
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân đang chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu hoàn thành sẽ kết nối trung tâm Thủ đô với các khu công nghiệp ở phía Bắc như Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng - Yên Viên, đồng thời hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và rút ngắn đường từ trung tâm thành phố đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Toàn bộ dự án dài gần 9km, trong đó cầu Nhật Tân dài hơn 3,7km được chia thành 3 gói thầu xây lắp. Gói thầu số 1 xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía bắc. Gói thầu số 2 xây dựng cầu và đường dẫn phía nam. Gói thầu số 3 xây dựng đường dẫn phía bắc. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 13,6 nghìn tỷ đồng, sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật bản (JIBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án (QLDA) 85 thuộc Bộ GTVT (đơn vị chủ đầu tư), so với kế hoạch đề ra, tiến độ thi công tổng thể của toàn dự án bị chậm hơn 2 năm do sự chậm trễ về bàn giao mặt bằng.

Trong đó, gói thầu số 1 đã ký phụ lục gia hạn tiến độ hoàn thành đến tháng 10/2014, kéo dài 24 tháng so với hợp đồng gốc. Ban QLDA 85 đang làm việc với đơn vị tư vấn và nhà thầu để tính toán chi phí bổ sung do kéo dài tiến độ của gói thầu. Gói thầu số 3 dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2014, kéo dài 27 tháng so với hợp đồng gốc. Giãn tiến độ như vậy, nhưng dù sao hai gói này còn "dễ thở" bởi mặt bằng đã cơ bản không còn vướng mắc. Đây chính là tiền đề quan trọng để chủ đầu tư và các nhà thầu khẳng định sẽ hoàn thành và thông xe kỹ thuật phần cầu chính cùng hệ thống cầu dẫn, đường chính tuyến vào tháng 10/2014.

Ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc dự án xây dựng cầu Nhật Tân (thuộc Ban QLDA 85) cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở gói thầu số 2. Phần chính tuyến dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7/2014 theo đúng tiến độ hợp đồng gốc. Nhưng tuyến nhánh kết nối với tuyến đường Âu Cơ có nguy cơ không kịp về đích cùng với tiến độ chung vì không có mặt bằng. Dù vẫn có thể kết nối với đường Vành đai 2 (đường Lạc Long Quân), nhưng hiệu quả khai thác của công trình cầu Nhật Tân sẽ giảm đi đáng kể, bởi tuyến đường lên, xuống kết nối với đường Âu Cơ chính là trục đường ngắn nhất từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Khu vực nút giao Phú Thượng (quận Tây Hồ) vẫn đang vướng 163 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng dù chính quyền địa phương đã cam kết sẽ bàn giao phần mặt bằng này trước ngày 30/6/2013. Đại diện Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn (đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ thực hiện giải phóng mặt bằng) và UBND quận Tây Hồ lý giải việc chậm trễ này là do các hộ dân chưa đồng thuận với giá đền bù của Nhà nước.

Để tránh ảnh hưởng tiến độ thi công, Ban QLDA 85 đã yêu cầu đơn vị tư vấn hướng dẫn nhà thầu gói thầu số 2 lập tiến độ riêng cho phần mặt bằng đã giải phóng, yêu cầu nhà thầu cam kết thực hiện đúng theo tiến độ hợp đồng (tháng 7/2014).

Với phần diện tích còn đang vướng 163 hộ dân, Ban kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ trong quá trình làm việc với Hà Nội để đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư đang rất lo ngại phải bỏ kinh phí lớn để bù đắp cho những khoản phát sinh của nhà thầu nước ngoài do chậm trễ về mặt bằng. Lo ngại này là có cơ sở, bởi trước đây tại gói thầu số 3 cũng của dự án này, do mặt bằng bàn giao quá chậm làm ảnh hưởng lớn tới kế hoạch thi công, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đã gửi yêu cầu hỗ trợ lên tư vấn và chủ đầu tư đề nghị bổ sung khoảng 200 tỷ đồng phát sinh ngoài hợp đồng gốc. Đầu tháng 6/2013 vừa qua, chủ đầu tư đã phải ký phụ lục bổ sung kinh phí do kéo dài tiến độ cho nhà thầu này.