Lợi dụng chính sách ân hạn thuế: Doanh nghiệp trốn thuế hàng trăm tỉ đồng

Số nợ thuế của DN bỏ trốn, ngưng hoạt động do Cục Hải quan TP.HCM quản lí chủ yếu là thuế NK đối với hàng kinh doanh. Phần lớn hàng hóa NK DN bán hết ngay trong thời gian ân hạn thuế, rồi “xù” luôn tiền thuế, tự giải thể, bỏ trốn hoặc ngưng hoạt động.

Lợi dụng chính sách ân hạn thuế: Doanh nghiệp trốn thuế hàng trăm tỉ đồng

Theo Phòng Thuế XNK, Cục Hải quan TP.HCM, hiện có tổng cộng 1.114 trường hợp DN bỏ trốn, mất tích, không kinh doanh tại địa chỉ đăng kí, ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh còn nợ thuế tại Cục Hải quan TP.HCM, với tổng số nợ 416 tỉ đồng.

Theo phân tích của Cục Hải quan TP.HCM, nguyên nhân nợ thuế phần nhiều do DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế để NK hàng hóa rồi tiêu thụ nội địa hết, sau đó tự giải tán, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh. Trong đó có những trường hợp lộ rõ mục đích trốn thuế. Chẳng hạn như trường hợp DN tư nhân Kiều Tuấn (TP.HCM) chỉ tồn tại vỏn vẹn 2 tháng sau khi được cấp giấy phép thành lập, nhưng trong thời gian này, các đối tượng thành lập DN đã nhanh chân NK gần chục lô hàng, rồi tự xóa sổ bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Cụ thể, trong thời gian từ tháng 7, tháng 8-2005, Công ty liên tiếp NK 7 lô hàng kinh kiện máy vi tính, vải quần áo (trong đó có 2 lô NK qua Cục Hải quan Đồng Nai), nợ gần 1,5 tỉ đồng tiền thuế. Theo luật định, toàn bộ số thuế NK và thuế GTGT của 7 tờ khai nêu trên của DN tư nhân Kiều Tuấn được ân hạn trong vòng 30 ngày. Quá thời gian ân hạn thuế, cơ quan Hải quan đã có công văn nhắc nợ nhiều lần nhưng DN tư nhân Kiều Tuấn không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và cũng không liên lạc gì với cơ quan Hải quan.

Một trường hợp khác là 2 chị em ruột Hà Thị Hồng Điệp và Hà Minh Phương thành lập 5 DN NK hàng hóa, nợ hơn 6,4 tỉ đồng tiền thuế rồi bỏ trốn. Điều đáng nói, 5 công ty (gồm: Công ty TNHH TM Na Rì, Công ty TNHH Sông Vân, Công ty TNHH Nguyễn Sinh, Công ty TNHH XNK Hàng Việt và Công ty TNHH Hạo Lâm) đều có trụ sở đăng ký tại Hà Nội, nhưng đăng kí làm thủ tục NK hàng hóa tại cửa khẩu cảng Sài Gòn từ năm 2004.

Việc thành lập DN cũng được các đối tượng tính toán kỹ lưỡng, DN này thành lập cách DN kia một đến vài tháng, với mục đích, khi DN này làm thủ tục NK nhiều lô hàng đưa ra thị trường tiêu thụ trong thời gian ân hạn thuế, đến thời hạn nộp thuế thì ngưng hoạt động, tự giải tán chuyển sang DN khác để lấy pháp nhân tiếp tục NK hàng hóa. Khi cả 5 DN giải tán, bỏ trốn cũng là lúc hơn 6,4 tỉ đồng tiền thuếâ của Nhà nước rơi vào tình trạng khó đòi.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm trường hợp DN nợ thuế tại Cục Hải quan TP.HCM đã bỏ trốn, ngưng hoạt động, để lại những khoản nợ khó có khả năng thu hồi, mặc dù Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt thuộc thẩm quyền của mình.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Trọng Hùng, có nhiều nguyên nhân nợ đọng thuế, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến việc nợ thuế trây ỳ, khó đòi là do chính sách thuế thời kỳ trước 31-12-2006 khi Quốc hội chưa ban hành Luật Quản lý thuế. Nghĩa là ở thời điểm đó tất cả các DN XNK hàng hóa đều được hưởng chính sách ân hạn thuế, nên một số đối tượng đã lợi dụng chính sách này thành lập nhiều DN để nhập hàng sau đó đến hạn nộp thuế thì trây ỳ hoặc bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh không chịu nộp thuế. Có thể dẫn chứng bằng con số cụ thể, trước 31-12-2006, số nợ chuyên thu tại Cục Hải quan TP HCM là 852 tỷ đồng, chiếm 76,41% số nợ chuyên thu hiện nay.

Mặt khác, hiện nay do DN gặp khó khăn về tài chính, khó có khả năng tiếp cận được nguồn vốn vay dẫn đến giải thể, phá sản. Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, năm 2011, trên địa bàn TP.HCM có 3.150 DN chưa đóng mã số thuế, nhưng đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng kí kinh doanh; 13.748 DN giải thể, phá sản. Trong đó các DN ở tình trạng trên bao gồm cả DN có hoạt động XNK hàng hóa. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh số nợ thuế lớn tại Hải quan TP.HCM.

Theo Báo Hải quan (Đăng ngày 14/05/2012 )