Luật Doanh nghiệp: Cần xóa bỏ rào cản từ "giấy phép con"

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần giảm thiểu các qui định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật doanh nghiệp mở ra trong khi các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại

 Luật Doanh nghiệp: Cần xóa bỏ rào cản từ "giấy phép con"
Cần tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Nguồn: internet

Ái ngại tình trạng mỗi ngành, địa phương lại có "qui định riêng"

Ngày 17/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ngay từ phiên thảo luận đầu tiên về dự thảo Luật này vào ngày 1/6, vấn đề được các đại biểu quan tâm đó là cần làm rõ được quy định doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, nhằm hạn chế sự ra đời giấy phép con, hay các điều kiện kinh doanh của các ngành, địa phương đang được xem là rào cản của các doanh nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã phải lao đao hay bị gây khó vì quy định của các ngành, địa phương. 

Một ví dụ điển hình gần đây là một doanh nghiệp nuôi gián đất ở Bắc Ninh đã phải dừng hoạt động và thiệt hại hàng tỷ đồng, dù đã được Sở kế hoạch và Đầu tư của địa phương cấp phép kinh doanh. Nguyên nhân là do gián đất là động vật không thuộc danh mục vật nuôi được sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Hay mới đây, để dễ quản lý xe taxi, góp phần chống ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm thiểu taxi dù, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tính đến việc từ 1/7 đến 30/9 năm nay, Sở này sẽ cho ngừng sử dụng phù hiệu cũ và thí điểm dùng phù hiệu mới. Đến 30/6/2017, toàn bộ taxi của Hà Nội sẽ được cấp phù hiệu mới.

Hiệu quả của việc triển khai cấp phù hiệu mới với taxi của riêng Hà Nội chưa biết đến đâu, nhưng phiền toái xảy ra với taxi ngoại tỉnh khi đến Hà Nội thì có thể nhìn thấy ngay. Đây giống như phát sinh thêm một điều kiện kinh doanh mới, tạo điều kiện cho thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông ở Hà Nội có thể “làm phiền” bất kỳ xe taxi nào trên địa phận Hà Nội không có phù hiệu mới này, mà không cần biết đó là xe chỉ chạy qua hay làm ăn lâu dài ở Hà Nội.

Đấy là chưa kể, nếu các địa phương khác, cũng cấp phù hiệu riêng cho tỉnh mình, gây khó cho xe taxi các tỉnh khác đến đón, trả khách hoặc đi qua địa bàn, thì môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng mà luật doanh nghiệp đang tạo ra, có nguy cơ bị vô hiệu hóa...

Cần xóa bỏ rào cản từ "giấy phép con"

Từ thực tiễn trên, nhiều Đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đều cho rằng, luật doanh nghiệp sửa đổi lần này, cần minh định thủ tục, quy trình các cơ quan quản lý nhà nước ban hành bổ sung các điều kiện kinh doanh. Giảm hẳn tình trạng các bộ, ngành và các địa phương tùy tiện trong việc ban hành các danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), cần giảm thiểu các qui định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật doanh nghiệp mở ra trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại.

Ông Lộc cũng cho rằng, cần quy định công bố công khai, rõ ràng danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa bởi nó giúp doanh nghiệp không phải tự tìm khắp nơi trong cả một rừng pháp luật hiện nay, để biết được về những lĩnh vực họ không được kinh doanh, hay họ kinh doanh với những điều kiện nhất định.

Theo Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình), hiện nay các giấy phép con dưới các hình thức điều kiện kinh doanh đang có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy quy định về điều kiện kinh doanh phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không giao cho các văn bản dưới luật, trong trường hợp cấp bách cần sửa đổi, bổ sung hoặc quy định thêm các điều kiện kinh doanh nhưng chưa thể sửa luật, pháp lệnh, nếu xét thấy cần thiết Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để thực hiện

Đại biểu Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) đề nghị, cần cụ thể hóa những ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện ngay trong dự thảo luật, hoặc để có sự linh hoạt khi giao cho Chính phủ quy định thì trong luật có những nguyên tắc xác định các ngành nghề cấm kinh doanh là như thế nào.

Rõ ràng, để Luật Doanh nghiệp sửa đổi được thực hiện theo đúng tinh thần soạn thảo là tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng hơn thì cần phải có nhiều quy định cụ thể hơn trong luật, nhằm hạn chế cơ hội cho các loại giấy phép “con” ra đời. Quyền tự do kinh doanh của người dân không thể bị hạn chế bởi các văn bản dưới luật và càng không thể bị hạn chế do năng lực quản lý của một ngành hay địa phương nào đó.