Mua nhà trên giấy: Khách hàng cầm dao đằng lưỡi

Theo tuoitre.vn

(Tài chính) Lâu nay các dự án xây dựng căn hộ vẫn thường dùng từ “góp vốn”. Thực chất đó là kiểu bán nhà trên giấy bằng cách huy động vốn từ chính người mua, rủi ro rất cao và đẩy khách hàng vào tình thế cầm dao đằng lưỡi.

Mua nhà trên giấy: Khách hàng cầm dao đằng lưỡi
Người mua nhà khốn đốn khi Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Việt – chủ đầu tư dự án Tricon Tower – biến mất. Nguồn: internet
Thị trường bất động sản bất động suốt hai năm qua nhưng khoảng chục ngày gần đây lại nóng lên không phải vì giá mà hàng loạt dự án bị kiện cáo do chậm tiến độ, thậm chí chủ đầu tư ôm tiền biến mất. Người mua nhà khóc dở mếu dở.

Chậm tiến độ là phổ biến 

Dự án Tricon Tower (khu đô thị Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) theo thiết kế có ba tòa nhà cao 45 tầng với năm loại căn hộ, giá bán 1.500-1.800 USD/m2. Chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà chậm nhất là ngày 30/6/2012. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ xong tầng hầm và nằm đắp chiếu từ năm 2011.

Văn phòng chủ đầu tư của dự án là Công ty đầu tư Minh Việt (tòa nhà C1, D6, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã đóng cửa nhiều tháng nay. Có tin chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty này là ông Edward Chi – người Mỹ gốc Hoa – đã ôm hơn 400 tỉ đồng tiền góp vốn mua căn hộ dự án này biến mất.

Là một trong 128 người mua nhà ở dự án Tricon Tower, anh Huỳnh Văn Kiểm than thở suốt hai tuần nay phải bỏ làm để đến canh ở Công ty đầu tư Minh Việt đòi tiền mua nhà. “Tôi thật sự hoang mang vì không biết có đòi được tiền không? Tôi đã nộp gần 3 tỉ đồng – tương đương 70% giá trị căn hộ – từ năm 2009 nhưng đến giờ nhà không thấy đâu mà tổng giám đốc dự án thì biến mất. Từ năm 2012, chúng tôi đã làm đơn gửi Sở Xây dựng Hà Nội, Bộ Xây dựng, Công an huyện Hoài Đức… để kêu cứu nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan chức năng” – anh Kiểm nói.

Ngoài dự án Tricon Tower, chủ đầu tư dự án Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) – Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long – thừa nhận đã mất năng lực tài chính do đầu tư vốn dàn trải khiến dự án trễ hẹn thời gian bàn giao nhà đã hơn năm rưỡi. Sau rất nhiều cuộc họp, mới đây người mua căn hộ của dự án Usilk City sẽ đứng ra quản lý tài chính dự án này. Theo đó, thay vì nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư, khách hàng đã mở tài khoản tại Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam. Tiền sẽ được nộp hằng tuần dựa trên kết quả triển khai của dự án.

Để không còn “tay không bắt giặc”

Trao TS. Phạm Sỹ Liêm (phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng) đề nghị cần phải loại bỏ, cấm chủ đầu tư được bán nhà trên giấy. Vì bấy lâu nay các dự án xây dựng căn hộ vẫn thường dùng từ “góp vốn”. Thực chất đó là bán nhà trên giấy bằng cách huy động vốn từ chính người mua. Đây là điều khiến khách hàng buộc phải cầm dao đằng lưỡi, rủi ro rất cao.

Giải pháp đưa ra, theo ông Liêm, để phòng rủi ro cho người mua, nên quy định người mua đặt cọc tỉ lệ số tiền nhất định mua căn hộ đó. Ông Liêm phân tích: “Tôi đã đề xuất giải pháp này tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo nhưng đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng nếu như thế doanh nghiệp sẽ không có tiền để xây dựng. Vì vậy, họ cho phép các doanh nghiệp được huy động vốn của người mua. Từ đó thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp mà chúng tôi gọi vui là “tay không bắt giặc”- trong tay không hề có đồng vốn nào vẫn có thể xây dựng dự án hoành tráng từ tiền người mua nhà góp vào”.

Ngoài ra, theo ông Liêm, có một phương án khác là người dân có thể tự đứng ra tổ chức góp tiền cho dự án, rồi sau đó thuê một hợp tác xã xây dựng. Đây là cách không chỉ đảm bảo cho dòng tiền an toàn mà còn góp phần hạ giá thành sản phẩm căn hộ, giá thành phí quản lý…

Về góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết tình trạng dự án phải dừng thi công do thiếu vốn là khá phổ biến, gây lãng phí và bất ổn xã hội. Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng cấp vốn hỗ trợ dự án bất động sản với tinh thần ngân hàng cam kết không khấu trừ, thu hồi ngay dòng tiền đầu tư cho dự án nhà ở.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng khẳng định để nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác quản lý đầu tư dự án, Luật xây dựng sửa đổi tới đây sẽ quy định mô hình ban quản lý dự án theo khu vực để quản lý, đồng thời làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các chủ thể tham gia thực hiện dự án. Ngoài ra, luật sẽ sửa đổi theo hướng các dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau sẽ được quản lý theo các phương thức và mức độ khác nhau, trong đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung vào quản lý về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng, chi phí đầu tư, dự toán… Bên cạnh đó, dự án bất động sản sẽ phải mua bảo hiểm.

Nên đặt cọc thay vì góp vốn cho dự án

Ông Phạm Sỹ Liêm cho hay đặt cọc tức hai bên ký cam kết mua nhà, sau đó chủ đầu tư mở tài khoản, khách hàng gửi tiền vào (có hưởng lãi suất dù không cao), bên trung gian đứng ra bảo lãnh là ngân hàng. Khi chủ đầu tư thi công cần tiền thanh toán cái gì thì ngân hàng sẽ thanh toán trực tiếp, với điều kiện phải xuất trình hóa đơn mua bán (nguyên vật liệu, nhân công…) hợp lý. Như vậy, điều này sẽ loại trừ hoàn toàn nguy cơ doanh nghiệp ôm tiền của khách hàng bỏ trốn hoặc sử dụng tiền khách hàng góp cho dự án để tiêu dùng vào việc khác, dự án khác.