Ngăn chặn tiền chất, ma túy qua cửa khẩu

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng vận chuyển trái phép tiền chất, chất hướng thần và ma túy tại địa bàn cảng biển, sân bay, bưu điện và chuyển phát nhanh của TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch số 17/KH-TCHQ ngày 26/2/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hoá chuyển phát nhanh. Nguồn: internet
Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hoá chuyển phát nhanh. Nguồn: internet

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu  (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Văn Quý, trong những năm gần đây, nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất để phục vụ trong các ngành công nghiệp, y tế, nghiên cứu khoa học được sử dụng tiền chất hợp pháp gia tăng. Việc quản lý tiền chất nhập khẩu được cơ quan Hải quan thực hiện quản lý chặt chẽ theo giấy phép nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN).

Tuy nhiên phần quản lý DN sử dụng, tiêu thụ trong nội địa vẫn còn bỏ ngỏ. Mới đây, qua kiểm tra một số đơn vị nhập khẩu tiền chất, đoàn kiểm tra phát hiện có trường hợp DN khai báo bán hóa chất cho một số công ty, có xuất hóa đơn bán hàng. Vậy nhưng qua tìm hiểu, các công ty được cho là mua tiền chất này lại khẳng định không hề mua tiền chất của DN!

Theo nhận định của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, số lượng DN tham gia xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất theo giấy phép được cấp ngày càng tăng. Năm 2013, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục cho 322 DN xuất nhập khẩu tiền chất, với số lượng rất lớn, gồm 1.090 tờ khai nhập kinh doanh với số lượng trên 25.283 tấn và 34.111 lít; 189 tờ khai xuất kinh doanh, với số lượng 682 tấn và trên 23.000 lít…

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Phạm Quốc Hùng việc quản lý như hiện nay cơ quan Hải quan chỉ quản lý phần ngọn, còn phần đưa vào sử dụng, sử dụng như thế nào là do các cơ quan quản lý nội địa đảm nhận. Công tác quản lý và kiểm soát tiền chất xuất khẩu, nhập khẩu và việc sản xuất kinh doanh, sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, y tế vẫn còn một số tồn tại. Việc quản lý tiền chất sau khi nhập khẩu vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa được quản lý chặt chẽ, dễ bị đối tượng lợi dụng mua bán trong nội địa và tạo nguy cơ tiềm ẩn về sản xuất ma túy tổng hợp. Trong thời gian qua, đã có một số trường hợp tội phạm ma túy sử dụng tiền chất để điều chế ma túy tổng hợp tại Việt Nam và đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. 

Trong khi đó, trên thực tế, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần qua địa bàn hoạt động của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua rất phức tạp. Theo nhận định của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tuyến bưu điện quốc tế và các địa điểm chuyển phát nhanh được xác định là địa bàn trọng điểm về hoạt động nhập khẩu tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần và xuất khẩu tiền chất được ngụy trang trong hàng hóa rất tinh vi gửi dưới dạng quà biếu, quà tặng.

Trong năm 2013, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 562 vụ nhập khẩu tân dược có chất gây nghiện, hướng thần, với số lượng 41.765  viên, lọ; 12 vụ xuất khẩu tiền chất Pseudoephedrine và Ephedrine, với số lượng 51,93 kg… Và trong 2 tháng đầu năm 2014, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện được 4 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy và tiền chất, với số lượng hơn 10 kg.

Từ các vụ xuất khẩu tiền chất qua đường bưu phẩm chuyển phát nhanh và đường hàng không bị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Phạm Quốc Hùng cho rằng, tiền chất chủ yếu xuất khẩu qua Úc, với thủ đoạn cất giấu, ngụy trang  trong các mặt hàng thực phẩm, trong các lọ dầu gội, dầu nóng rất tinh vi, thậm chí tẩm ướp vào khăn giấy… nên rất khó phát hiện nếu thiếu kinh nghiệm và thuốc thử ma túy.

Bên cạnh đó, các đối tượng thường sử dụng chứng minh nhân dân giả, địa chỉ không có thật để gửi hàng và thuê các công ty dịch vụ giao nhận hàng hóa làm thủ tục khai báo hải quan, nếu bị phát hiện dễ dàng xóa dấu vết. Một số DN nhập khẩu các loại tân dược có chứa thành phần chất gây nghiện, hướng thần, tiền chất nhưng lại khai báo sai tên hàng để né giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Việc phân phối, sử dụng các loại thuốc này trong nội địa sau khi thông quan chưa được kiểm tra, làm rõ của các cơ quan chức năng, nên chưa thể khẳng định được có lạm dụng để sản xuất ma túy hay không. Như vậy, nguy cơ buôn bán, vận chuyển tiền chất, tân dược có chứa chất gây nghiện là rất lớn nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến khâu tiêu thụ trong nước.