Nhiều chiêu trộm tiền ngân hàng tinh vi

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Các đối tượng tội phạm đã tạo ra các website giả mạo, ăn cắp thông tin, làm thẻ giả, thông đồng với đơn vị chấp nhận thẻ, lừa đảo táo tợn hơn nhằm đánh cắp tiền của chủ tài khoản ngân hàng. Hàng loạt vụ tiền “bốc hơi” xảy ra gần đây đòi hỏi các ngân hàng phải nâng cao tính bảo mật, an toàn trong thanh toán điện tử, giao dịch thẻ.…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước diễn biến tội phạm ngân hàng gia tăng, ngày 8/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 64 điểm cầu về chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống giao dịch ngân hàng.

Thủ đoạn tinh vi, hành động táo tợn

Tại hội nghị, ông Đào Minh Tuấn, đại diện Hiệp hội thẻ ngân hàng Việt Nam, cho biết hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với các loại tội phạm mới- tội phạm sử dụng công nghệ cao với nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền trong giao dịch mua bán, thanh toán trực tuyến… Gần đây, tội phạm công nghệ cao tấn công mạnh vào ngân hàng và có nhiều phi vụ trộm tiền thành công.

Theo ông Tuấn, hiện có một số hình thức lừa đảo chiếm đoạt tiền của chủ thẻ, như tạo ra website giả mạo có giao diện giống hệt website của ngân hàng hoặc của một đơn vị bán hàng trên mạng, từ đó dẫn dụ khách hàng (chủ thẻ) cung cấp các thông tin thẻ và mã bảo mật… sau đó sử dụng để trộm tiền

Thực tế, bằng cách gửi spam email đến cho khách hàng kèm theo đường link cùng với các thông tin dễ gây sự tò mò để họ truy cập vào website giả mạo, các trang bán hàng trực tuyến…

Đơn cử, trong vụ khách hàng Vietcombank bị mất 500 triệu đồng trên tài khoản thông qua các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, ngân hàng xác định bước đầu, khả năng khách hàng bị lộ thông tin do truy cập vào đường link giả mạo…

Hay thông qua mạng xã hội Facebook, tội phạm giả mạo Facebook gửi lời cảnh báo đến người dùng “tài khoản Facebook đã bị khóa” và đề nghị người dùng bấm vào đường dẫn để chuyển hướng đến website giả mạo hoặc đường link giống hệt Facebook/tổ chức tín dụng/ngân hàng.

Sau đó, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về thẻ tín dụng, dẫn tới bị mất thông tin tài khoản… Kẻ gian sẽ sử dụng các thông tin này để chiếm quyền kiểm soát tài khoản, rút/chuyển tiền để thực hiện giao dịch phi pháp như thanh toán mua hàng, chi tiêu…

Một chiêu lừa đảo truyền thống của tội phạm là gắn thiết bị trên máy ATM nhằm lấy cắp thông tin thẻ và mã PIN để làm thẻ ATM giả rút tiền.

Ngân hàng cũng từng phát hiện các vụ kẻ gian cấu kết với các đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng thẻ giả và thực hiện giao dịch khống chiếm đoạt tiền của chủ thẻ. Với cách này, kẻ gian dễ dàng thực hiện hàng trăm giao dịch thẻ khống với số tiền rất lớn, mà người bị hại đa phần là chủ thẻ ở nước ngoài đã bị mất thông tin thẻ…

Bảo vệ tài sản của khách hàng

Đại diện C50 cho biết, trong năm 2014-2015 đã phát hiện những hoạt động tội phạm gian lận thẻ, giả mạo thẻ là phổ biến. Nhưng đến giai đoạn này, tội phạm thẻ vẫn tiếp tục hoạt động với những thủ đoạn tinh vi hơn. Các nhóm đối tượng người nước ngoài chuyên nghiệp hơn, chia thành nhiều nhóm nhỏ để gắn thiết bị, lấy trộm thông tin thẻ nhằm làm giả thẻ, rút tiền.

Địa bàn hoạt động chủ yếu ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Hội An Quảng Nam, Nha Trang, Mũi Né, Phan Thiết Bình Thuận, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… Tội phạm cũng đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh…

Trong vòng hai tháng qua, dư luận rất hoang mang, lo sợ trước thông tin hàng loạt chủ thẻ đã bị “rút trộm” tiền trên tài khoản mở tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, VIB, VPBank, DongABank, ANZ… Có chủ thẻ bỗng dưng bị “bốc hơi” nửa tỷ đồng trên thẻ, hay thẻ visa bị “tiêu” vài chục triệu đồng ở nước ngoài mà không ai hay biết. Thậm chí, một ngân hàng lớn đã phải thông báo giữ lại tiền của khách hàng có giao dịch liên kết đặt phòng qua Agoda, Expedia vì phát sinh giao dịch giả mạo, trộm tiền…

Tại hội nghị này, đại diện các ngân hàng, hiệp hội thẻ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50)… đều nhận định tình hình diễn biến tội phạm phức tạp, khó lường, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hành động táo tợn.

Rủi ro, thiệt hại càng lớn khi hoạt động thanh toán chuyển dần sang các hình thức hiện đại, như ví điện tử, internet banking, mobile banking hay thẻ phi vật lý… sẽ là cơ hội để tội phạm công nghệ cao “tung hoành”.

Dù vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “So với các nước trên thế giới, hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn, với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu. Tuy vậy, hệ thống ngân hàng không chủ quan, không xem nhẹ, không lơ là với tình hình và xu hướng tội phạm công nghệ cao như hiện nay”.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ, đại diện C50 đưa ra nhiều kiến nghị, cụ thể: các ngân hàng phải tăng cường kiểm tra, sớm phát hiện các lỗ hổng bảo mật, mã độc… có nguy cơ làm lộ, lọt thông tin khách hàng.

Đối với hoạt động ngân hàng điện tử (internet banking, mobilbanking) đề nghị siết chặt quy trình thanh toán, tăng tính bảo mật, xác thực… Hoạt động thanh toán qua POS cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, trộm cắp tiền.