Phối hợp chặn gian lận thuế lĩnh vực xuất, nhập khẩu

PV.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội và Đà Nẵng là hai địa phương có tỷ lệ nợ thuế xuất nhập khẩu, thuế nghĩa vụ hải quan lớn nhất nước. Trong đó, riêng tại Cục Hải quan Hà Nội có số nợ “khó thu và có khả năng không thể thu hồi” lên tới gần 440 tỉ đồng.

DN bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nợ thuế xuất nhập khẩu. Nguồn: Internet
DN bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nợ thuế xuất nhập khẩu. Nguồn: Internet

Hàng loạt doanh nghiệp bỏ địa chỉ, trốn thuế

Theo Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2015 - 2016, ghi nhận 49 doanh nghiệp (DN) có thời gian hoạt động xuất nhập khẩu dưới 1 năm kể từ ngày thành lập và có thông báo tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; 1.041 DN bỏ địa chỉ kinh doanh và không còn hoạt động xuất nhập khẩu trong thời hạn 6 tháng trở lên; 15.379 DN không có hoạt động xuất nhập khẩu từ 6 tháng trở lên mà không thông báo với cơ quan chức năng...

Đặc biệt, có 24 DN vi phạm bị hải quan phát hiện, ấn định thuế, tuy nhiên trốn tránh nghĩa vụ, bỏ trốn; 8 DN đang còn nợ hơn 12 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu và không có thông tin xác nhận nợ thuế tại hải quan nhưng có thông tin đã giải thể trên hệ thống dữ liệu quốc gia; 180 DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản có thông tin vi phạm pháp luật hải quan bị xử phạt hành chính hơn 3,4 tỷ đồng...

Các đối tượng này thường sử dụng phương thức đứng tên hoặc thuê người đứng tên thành lập nhiều DN cùng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Sau thời gian hoạt động, nếu thấy có nguy cơ bị phát hiện gian lận thì tạm ngừng hoạt động và chuyển sang lập DN khác. Đó là một trong những chiêu thức khiến cơ quan hải quan mất hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế.

Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin

Thực tế cho thấy, khi DN tuyên bố phá sản, đóng hết mọi giao dịch coi như đã biến mất và hải quan không thể thu số tiền nợ còn lại của DN đó được. Điều này không chỉ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước mà còn méo mó môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN.

Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, xác minh 8 DN còn nợ số tiền 12 tỷ đồng nói trên trên hệ thống dữ liệu quốc gia, theo dõi 24 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nợ thuế xuất nhập khẩu, và nhiều DN có dấu hiệu ngừng hoạt động, giải thể để trốn thuế khác.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thành lập, quản lý doanh nghiệp để khắc phục tình trạng DN lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN để gian lận trốn thuế.

Trong thời gian chưa xây dựng được cơ chế phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý DN, để tạo thuận lợi và tăng cường quản lý việc tuân thủ pháp luật đối với DN, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của DN trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Với các trường hợp nợ thuế “khủng”, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiến hành phối hợp với các cơ quan điều tra, bằng biện pháp nghiệp vụ để “truy” đối tượng trốn thuế về làm nghĩa vụ.