Phối hợp đấu tranh chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng

PV.

Nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý Thuế, mới đây Bộ Tài chính đã ban Quyết định về Quy chế trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế.

Hai cơ quan có trách nhiệm thường xuyên hỗ trợ, phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành trong công tác phòng, chống tội phạm về hoàn thuế. Nguồn: Internet
Hai cơ quan có trách nhiệm thường xuyên hỗ trợ, phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành trong công tác phòng, chống tội phạm về hoàn thuế. Nguồn: Internet

Tiêu chí đánh giá rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng

Theo Quyết định số 2413/QĐ-BTC, công tác xây dựng, áp dụng tiêu chí đánh giá rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng bao gồm 4 nội dung. Cụ thể:

Một là, tiêu chí đánh giá rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng, bao gồm: Lựa chọn đối tượng rủi ro cao để kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu hoàn thuế giá trị gia tăng; Xác định đối tượng kiểm tra trước hoàn sau trong thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu.

Hai là, việc phối hợp xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, quản lý thuế, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan. Trên cơ sở thống nhất của hai cơ quan, Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng được trình Bộ Tài chính ban hành để áp dụng thống nhất trong từng cơ quan.

Ba là, cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế phải tổ chức việc kiểm tra hải quan, kiểm tra thuế đối với các đối tượng theo đúng tiêu chí do Bộ Tài chính ban hành. Trong quá trình áp dụng, khi phát sinh yêu cầu bổ sung, sửa đổi tiêu chí, hai bên phải trao đổi, thống nhất trước khi trình Bộ Tài chính ký ban hành áp dụng.

Bốn là, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm làm đầu mối xây dựng và tổ chức áp dụng tiêu chí lựa chọn đối tượng rủi ro cao để kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu hoàn thuế giá trị gia tăng; cơ quan Thuế chịu trách nhiệm làm đầu mối xây dựng và tổ chức áp dụng tiêu chí xác định đối tượng kiểm tra trước hoàn sau trong thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu.

Đầy đủ, chính xác trong trao đổi, cung cấp thông tin

Trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin về phục vụ đánh giá rủi ro, áp dụng các biện pháp quản lý trong hoàn thuế giá trị gia tăng, đối với cơ quan Thuế, Bộ Tài chính quy định ngoài việc trao đổi, cung cấp các nội dung thông tin chi tiết trao đổi, cung cấp của mỗi cơ quan, cơ quan Thuế còn có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin phục vụ đánh giá rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng theo các tiêu chí lựa chọn đối tượng rủi ro cao để kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đồng thời, cung cấp các đối tượng vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm trong hoàn thuế giá trị gia tăng; Danh mục hàng hóa rủi ro cao bị lợi dụng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng; Và các thông tin khác theo yêu cầu của cơ quan Hải quan để phục vụ đánh giá rủi ro, điều tra, xác minh làm rõ các dấu hiệu liên quan đến gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đối với cơ quan Hải quan, ngoài việc trao đổi, cung cấp các nội dung thông tin chi tiết trao đổi, cung cấp của mỗi cơ quan, theo Quy chế, cơ quan Hải quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin phục vụ đánh giá rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng theo các tiêu chí xác định đối tượng kiểm tra trước hoàn sau trong thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng phải cung cấp danh sách các đối tượng vi phạm hoặc có có dấu hiệu vi phạm trong hoàn thuế giá trị gia tăng; Danh mục hàng hóa rủi ro cao bị lợi dụng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng; Các thông tin khác theo yêu cầu của cơ quan Thuế để phục vụ đánh giá rủi ro, kiểm tra trong hoàn thuế giá trị gia tăng.

Việc cung cấp nội dung thông tin, tài liệu trong trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá rủi ro, áp dụng các biện pháp quản lý trong hoàn thuế giá trị gia tăng, phải được hoàn thành trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu (bằng văn bản) của đơn vị đề nghị.

Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu về nội dung, thời gian cung cấp thông tin, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, đơn vị được đề nghị cung cấp thông tin có trách nhiệm phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị đề nghị biết, trong đó phải thông báo cụ thể lý do không đáp ứng được yêu cầu…

Hai cơ quan có trách nhiệm thường xuyên hỗ trợ, phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành trong công tác phòng, chống tội phạm về hoàn thuế và trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các hành vi phạm tội trong lĩnh vực hoàn thuế.